chi tiết tìm kiếm

Đoàn các nhà khoa học Nhật Bản làm việc tại Ban Quản lý di tích Làng cổ ở Đường Lâm
Ngày đăng 14/03/2018 | 09:38

Ngày 12/3, Đoàn các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Tokyo - Nhật Bản do Giáo sư SiNhoZaKi làm trưởng đoàn đã làm việc với lãnh đạo, chuyên viên Ban Quản lý di tích Làng cổ ở Đường Lâm.

Nghề làm kẹo dồi truyền thống ở xã Đường Lâm

Tại buổi làm việc, đại diện Đoàn các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Tokyo - Nhật Bản đã báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu đề tài: “Khảo sát đánh giá điều kiện môi trường sống; một số phong tục tập quán của các thế hệ người nông dân hiện đang sinh sống tại các nhà cổ”. Trong 4 năm nghiên cứu thực tế từ năm 2014 đến năm 2017, Đoàn đã khảo sát 16 nhà cổ và một số nhà truyền thống. Đây là những ngôi nhà cổ trong di tích có giá trị, hội tụ từ 3 - 4 thế hệ sinh sống, ngoài việc sản xuất nông nghiệp là chính, một số hộ còn làm các nghề phụ truyền thống như: nấu kẹo, làm bánh, sản xuất dụng cụ, làm dịch vụ phục vụ khách du lịch… cũng như những phong tục tập quán tiêu biểu của các gia đình trong sinh hoạt cuộc sống thường nhật vẫn còn duy trì tồn tại. Đây là những yếu tố điển hình, quý báu đặc trưng của người nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ, góp phần khẳng định và làm phong phú thêm các giá trị văn hóa hiện đang được cộng đồng dân cư bảo tồn, gìn giữ và phát huy có tầm ảnh hưởng lớn trong cuộc sống đương đại.

Các đại biểu trong buổi làm việc

Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, lãnh đạo Ban Quản lý di tích Làng cổ ở Đường Lâm cảm ơn Chính phủ Nhật Bản và các nhà khoa học đã chọn di tích Làng cổ ở Đường Lâm để thực hiện đề tài nghiên cứu, cũng như kết quả khảo sát và một số giải pháp kiến nghị với lãnh đạo chính quyền và cơ quan quản lý di tích. Qua đó là minh chứng cụ thể khẳng định các giá trị quý báu của di tích văn hóa làng cổ ở Đường Lâm. Qua buổi làm việc, Ban Quản lý di tích Làng cổ ở Đường Lâm cũng đề nghị trong thời gian tới sẽ nhận được sự giúp đỡ của các nhà khoa học và Chính phủ Nhật Bản trong việc đề xuất và đưa ra các giải pháp để bảo tồn, gìn giữ và khai thác các giá trị của di tích làng cổ một cách bền vững, hiệu quả từng bước mang lại lợi ích cho cộng đồng dân cư.

NGUYỄN TRỌNG AN