chi tiết tìm kiếm

Bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích lịch sử Văn Miếu Sơn Tây
Ngày đăng 24/05/2018 | 09:14

Với tổng diện tích gần 4 ha, nằm ở vị trí gần trục đường quốc lộ 32, thuận lợi cho việc kết nối các tuyến tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu các di tích tiêu biểu trên địa bàn thị xã, khu di tích lịch sử Văn Miếu – xã Đường Lâm đang là điểm đến thu hút đông đảo du khách gần xa mỗi khi tới thăm mảnh đất Sơn Tây – xứ Đoài.

Khuôn viên Khu di tích lịch sử Văn Miếu - xã Đường Lâm

Cách đây hơn 1000 năm, truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, trọng dụng hiền tài của dân tộc đã được kế tục và phát huy với sự ra đời của Văn Miếu - Quốc Tử Giám vào năm 1070 dưới thời vua Lý Thánh Tông. Đây được xem là trường Đại học đầu tiên của nước Việt Nam ta. Các triều đại phong kiến tiếp theo đã cho dựng xây Văn Miếu ở nhiều vùng miền trải dài từ Bắc vào Nam của đất nước. Đến thời vua Gia Long lên ngôi đã cho xây dựng Quốc Tử Giám tại Huế, đồng thời hạ chỉ cho các trấn được phép lập nhà Văn Miếu để tỏ lòng kính trọng nho học. Văn Miếu Sơn Tây là Văn Miếu của Trấn Tây - một trong 4 Văn Miếu của Tứ trấn Thăng Long.

Theo một số tài liệu thì Văn Miếu Sơn Tây sau một số lần tu sửa đã được khánh thành vào năm 1892 (đời vua Thành Thái), toạ lạc trên một khu đất dáng hình chữ nhật thuộc thôn Văn Miếu – xã Đường Lâm ngày nay. Ngoài chức năng là nơi thờ Đức thánh Khổng Tử và nhị thất thập vị hiền triết, trong Văn Miếu còn lưu giữ 2 tấm bia khắc tên 288 vị đỗ khoa bảng của vùng xứ Đoài. Họ sinh ra và lớn lên tại các huyện của Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ ngày nay. Các vị này đã tham gia và đỗ đạt Tiến sỹ hoặc Bảng nhãn, Thám hoa qua 2 kỳ thi do triều đình tổ chức là thi hội và thi đình. Việc ghi chép thông qua những bia đá tuy còn thiếu nhưng đã khẳng định vùng đất xứ Đoài xưa là vùng đất hiếu học góp phần không nhỏ trong việc tuyển dụng, cung cấp nguồn nhân lực hiền tài cho đất nước, xây dựng nền văn hiến chung cho các triều đại phong kiến Việt Nam.

Được xây dựng từ gần 200 năm trước, trải qua thăng trầm của lịch sử, di tích Văn Miếu Sơn Tây đã bị chiến tranh tàn phá  không còn lại một chút dấu tích. Tuy nhiện nhiều hiện vật có giá trị vẫn được lưu giữ và bảo tồn như: 1 khánh đồng và 1 khánh đá ghi khắc thời vua Thiệu Trị thứ ba và Tự Đức. Trước năm 2011, trên nền di tích là một cơ sở cao 7 tầng để chế biến thức ăn chăn nuôi nên người dân vẫn quen gọi khu vực này là khu nhà 7 tầng. Năm 2012, UBND thành phố Hà Nội cho di dời cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi để thực hiện Dự án tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích Văn Miếu Sơn Tây.

Lãnh đạo thành phố và thị xã tham gia trồng cây tại khu di tích Văn Miếu - xã Đường Lâm

Đến với di tích Văn Miếu Sơn Tây hôm nay, du khách sẽ thấy một số hạng mục công trình đã được phục dựng và hoàn thành như: Khu Văn Miếu nằm ở trung tâm di tích, hướng vào chính là hướng Nam gồm các khu như: Hồ sen, tứ trụ, nhà điều hành - đón tiếp, nhà soạn lễ, Văn Miếu môn, lầu chuông, lầu khánh, tả vu, hữu vu, thượng điện và đại bái đường, đền khải thánh, cổng phụ, sân lễ hội… Bên cạnh đó có khu câu lạc bộ thư pháp, khu vườn tượng, khu cây xanh cảnh quan…Trong những năm gần đây, chính quyền thị xã Sơn Tây và một số cơ quan, đơn vị, trường học thường tổ chức trồng cây tại Văn Miếu giúp cho cảnh quan di tích ngày càng xanh sạch đẹp, thu hút du khách gần xa.

Các trường học tổ chức lễ kết nạp đội viên mới tại di tích Văn Miếu 

Văn Miếu Sơn Tây ngoài chức năng thờ các vị tiên Nho, còn là nơi đào tạo nhân tài và lưu danh các bậc hiền tài mà danh tiếng của họ đã làm rạnh danh quê hương, đất nước. Phục dựng lại Khu di tích lịch sử Văn Miếu có ý nghĩa vô cùng quan trọng với đời sống văn hóa, tinh thần của người dân Sơn Tây bởi nơi đây sẽ trở thành địa điểm sinh hoạt, tổ chức và diễn ra các hoạt động, sự kiện văn hóa cộng đồng của địa phương. Di tích này còn là nơi nêu gương truyền thống hiếu học, khoa bảng - là biểu tượng của truyền thống Nho học. Bởi vậy, trước khi đi thi, các thí sinh thường đến thắp hương xin lộc cầu ước cho nguyện vọng thành đạt. Học sinh các cấp học trong vùng vẫn đến đây tham quan học tập để hiểu thêm về truyền thống hiếu học của quê hương.

Năm 2018, UBND thị xã Sơn Tây đã bàn giao khu di tích lịch sử Văn Miếu cho Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm quản lý. Tin tưởng rằng, cùng với Đền Và, Thành cổ Sơn Tây, Làng cổ ở Đường Lâm thì khu di tích lịch sử Văn Miếu sẽ là điểm đến du lịch hấp dẫn của xứ Đoài, thu hút đông đảo du khách thập phương tới tham quan tìm hiểu.

 

                                  

                                       Phan Thanh