chi tiết tìm kiếm

Sơn Tây huy động sức dân xây dựng nông thôn mới
Ngày đăng 17/07/2018 | 10:02

Thực hiện Chương trình 02/CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân”, thời gian qua, cấp uỷ đảng, chính quyền thị xã Sơn Tây tập trung mọi nguồn lực phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững; tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế; nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân nông thôn, đưa chương trình xây dựng nông thôn mới trở thành phong trào thi đua sâu rộng góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Thị xã Sơn Tây quan tâm xây dựng hệ thống đường giao thông nông thôn

Thị xã Sơn Tây có 15 xã, phường, trong đó có 6 xã thực hiện xây dựng nông thôn mới. Trong quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn về huy động vốn, quy hoạch, triển khai các dự án, địa hình chủ yếu là đất đồi gò, bán sơn địa… Tuy nhiên, thị xã đã có cách làm hay và sáng tạo, đó là huy động sức dân cùng tham gia. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhân dân đã tự nguyện đóng góp tiền của, ngày công lao động, hiến đất làm đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa và các công trình xây dựng công cộng. Đánh giá về công tác vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới, đồng chí Hà Việt Phong - Chủ tịch Ủy ban MTTQ thị xã cho biết: Bên cạnh công tác tuyên truyền vận động chung về quan điểm, chủ trương, chính sách, MTTQ còn tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân xã hội hóa sức người, sức của, tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”. Trong đó trọng tâm vào xây dựng các công trình phúc lợi dân sinh, đường làng, ngõ xóm. Kết quả tính từ năm 2016 - 2018, MTTQ thị xã vận động các cá nhân tổ chức, doanh nghiệp đóng góp công trình hiện vật với tổng trị giá 1,125 tỷ đồng tiền mặt, vận động nhân dân hiến 26.109m2 đất, hơn 41.000 ngày công làm các công trình công cộng. Điển hình như người dân xã Sơn Đông đã hiến 856m2 đất mở rộng nghĩa trang, nhân dân thôn Đồi Vua hiến 1.500m2 đất mở rộng đường giao thông nông thôn và đường nội đồng, đóng góp hơn 100 triệu tiền mặt sửa chữa, tôn tạo các khu di tích văn hóa lịch sử. Xã Cổ Đông vận động nhân dân hiến 2.000m2 đất nông nghiệp, 2.500m2 đất ở và 5.444 ngày công lao động; xã Thanh Mỹ huy động nhân dân hiến 700mđất để mở rộng đường, ngõ, đường nội đồng... Cùng với việc vận động nhân dân phát triển kinh tế nông thôn, MTTQ thị xã còn vận động nhân dân tham gia thực hiện các tiêu chí về văn hóa, giáo dục, y tế, môi trường. Hàng năm, MTTQ các cấp tổ chức ngày hội đại đoàn kết toàn dân, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa mới trong việc cưới, việc tang và lễ hội, xây dựng môi trường văn hóa tại cộng đồng dân cư.

Người dân cùng tham gia nạo vét kênh mương xây dựng nông thôn mới tại xã Sơn Đông

Đến nay trên địa bàn thị xã có 5/6 xã (chiếm 83,33%) được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới gồm Cổ Đông, Xuân Sơn, Sơn Đông, Đường Lâm, Thanh Mỹ. Đối với xã Kim Sơn đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018 hiện đạt và cơ bản đạt 15/19 tiêu chí. Cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội được quan tâm đầu tư xây dựng, đời sống vật chất và tinh thần của người dân trên địa bàn các xã không ngừng được nâng cao. Hiện thu nhập bình quân đầu người đạt gần 36 triệu đồng/ năm; 95% hộ dân có nhà kiên cố, khang trang; 100% hộ dân được sử dụng điện thường xuyên, an toàn; 6/6 xã có nhà văn hóa, chợ nông thôn. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm thực hiện. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 40%; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 97%. Các chương trình an sinh xã hội, thực hiện hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo khu vực nông thôn được thực hiện hiệu quả góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn thị xã xuống còn 2,75%. Kết quả này, bên cạnh việc hỗ trợ cơ chế từ phía thành phố, còn có sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị thị xã trong việc tập trung phát triển kinh tế và đặc biệt không thể không nhắc đến vai trò tham gia tích cực của người dân.

Thị xã Sơn Tây đặt mục tiêu đưa xã Kim Sơn về đích nông thôn mới vào năm 2018 và thị xã hoàn thành Chương trình số 02 vào năm 2020. Phấn đấu thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 41,5 triệu đồng/người/năm vào năm 2020. Giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới còn dưới 0,5%. Để đạt được mục tiêu này cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng sự chung tay góp sức của người dân để Sơn Tây sớm hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới theo đúng kế hoạch đề ra.

 

 

                                              Phan Thanh