chi tiết tìm kiếm

Người truyền lửa góp phần bảo tồn làng cổ Đường Lâm
Ngày đăng 19/12/2023 | 08:19

Tôi gặp nhà thiết kế cảnh quan, nhà vườn, nhà gỗ Khuất Văn Thắng trong một buổi sáng đầu đông, sau khi anh vừa thực hiện xong dự án Triển lãm “Cộng đồng số 01” tại làng cổ Đường Lâm. Đây là một triển lãm mà anh Thắng và những người bạn đồng hành đã ấp ủ từ lâu, nơi trưng bày các tác phẩm ký họa về Đường Lâm được triển khai từ năm 2013 và những cấu kiện nhà cổ Việt Nam được sưu tầm trong hơn 13 năm với mong muốn đem những giá trị văn hóa và kiến trúc của Làng cổ Đường Lâm nói riêng, Việt Nam nói chung đến gần hơn với công chúng.

 

Anh Thắng bên Đoài Creative

 (Ảnh nhân vật cung cấp)

Trò chuyện với anh Thắng, thấy được tình yêu với làng cổ toát ra từ từng lời nói, câu chuyện và ánh mắt của anh, tôi cứ ngỡ, hẳn anh phải là một người con đã được sinh ra và gắn bó với làng nhiều năm. Nhưng hóa ra không phải như vậy. Anh Thắng sinh ra và lớn lên trong một gia đình điển hình với bố anh là một cán bộ và mẹ anh là một nhà giáo tại Hà Nội. Công việc của một nhà thiết kế cảnh quan giúp anh có điều kiện đi nhiều nơi, ngắm nhiều phong cảnh trên mọi miền Tổ quốc. Năm 2009, trong một chuyến được lên làng cổ Đường Lâm chơi, anh đã bị vẻ đẹp của đất và người nơi đây chinh phục. Nơi đây rất tuyệt nó thực sự thu hút anh khi tìm hiểu những ngôi nhà cổ cũng như những người thợ làm nhà còn sót lại trong làng. Cơ duyên đến với anh khi gặp anh của một người bạn sinh sống ở đây, họ đã giới thiệu để anh mua được một mảnh đất mở xưởng, bắt đầu cho một câu chuyện yêu thích là phục dựng nhà cổ tại Đường Lâm. Anh đã đưa vợ con về đây ngay sau thời điểm đó, mẹ anh không ủng hộ việc đó lắm nhưng anh thì ngược lại vì anh thấy nơi đây rất phù hợp với sự phát triển và nuôi dưỡng tâm hồn của những đứa trẻ.

Khi các con lớn dần, có thời gian hơn anh mới mở quán bếp làng để chị Na (vợ anh) được thỏa mãn đam mê. “Bếp làng” là một quán ăn mang đậm phong cách làng cổ qua đôi bàn tay khéo léo của chị Na với những món ăn mà chỉ cần thưởng thức một lần du khách sẽ nhớ mãi như gà Mía, thịt quay đòn, cá kho, cỗ sen… những thức uống mang đậm nét quê làng Việt như nước dâu, nước sấu… 2 cậu con trai, anh xin cho học tại trường Tiểu học và THCS Đường Lâm, những ngôi trường mà sau này đã gắn bó với tuổi thơ của các con anh, có những trải nghiệm quý giá mà theo anh thì “các cháu chỉ có 1 lần trong đời làm trẻ thơ, nếu vẫn để các cháu học ở thành phố thì sẽ không bao giờ có được”.

Anh Thắng dạy trẻ em làm diều từ những chất liệu cũ

(Ảnh nhân vật cung cấp)

Sau thành công của “Bếp làng” và NoK Studio, anh Thắng vẫn ấp ủ có thêm 1 không gian để lan tỏa cái hay, cái đẹp của văn hóa làng Việt, văn hóa Đường Lâm theo một cách khác. Đó là lý do Đoài Creative ra đời với sứ mệnh tái sinh và phát triển các giá trị văn hóa tại Đường Lâm, thông qua ngôn ngữ của nghệ thuật và sáng tạo. Thiết kế của Đoài dựa trên nét đặc trưng của căn nhà 7 gian, là sự kết tinh của những chất liệu quen thuộc với làng quê miền Bắc như gỗ, tường đắp đất, mái ngói ta…Từ đó tạo lên một không gian mang lại cảm giác thân thuộc, gần gũi nhưng đồng thời vẫn giữ được yếu tố thẩm mỹ và sự tinh tế trong kiến trúc.

Anh Thắng và các đồng nghiệp trong chương trình Sự kiện kí họa Đường Lâm

 (Ảnh nhân vật cung cấp)

Hiện nay, Đoài Creative đã đi vào hoạt động được khoảng 5 tháng, và nhận được sự ủng hộ tích cực từ mọi người. Các sản phẩm chủ yếu của Đoài Creative là việc sáng tác trên các chất liệu thân thiện và gần gũi với Đường Lâm như: Ngói cổ, giấy mộc bản, điêu khắc trên gỗ, vẽ trên nón lá,.... Du khách khi đến Đoài Creative, có thể trải nghiệm rất nhiều các hoạt động khác nhau như: vẽ ngói, làm tranh, điêu khắc, làm diều, làm đèn trung thu...Điều đặc biệt trong các quy trình sáng tạo tại Đoài Creative chính là chất liệu thân thiện và luôn mang dấu ấn truyền thống. Ví dụ như những chiếc ngói cổ tại Đường Lâm, thay vì dỡ chúng và bỏ đi, giờ đây ta có thể tận dụng chúng là nguyên liệu sáng tác, đồng thời giúp mọi người cảm nhận rõ nét hơn về các giá trị đặc trưng tại Đường Lâm. Hoặc như những nguyên liệu hay sản phẩm rất lấy làm gần gũi trong dân gian Việt Nam như giấy dó, diều, đèn trung thu, khắc gỗ trên mộc bản,....Đoài Creative luôn luôn không ngừng tìm kiếm và phát triển thêm các chất liệu, cũng như đa dạng các hoạt động,  giúp mọi người có thể tiếp cận các giá trị văn hóa và nghệ thuật một cách hào hứng và chủ động. Bên cạnh đó, nhằm thúc đẩy sự sáng tạo của mọi người khi đến đây, đội ngũ của Đoài luôn có những bạn trợ lý làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật, hỗ trợ các bạn tạo nên tác phẩm của chính mình.

Ngoài các hoạt động chính cho du khách tại Đường Lâm, Đoài Creative còn tổ chức lớp học vẽ mỹ thuật Luly Art cho các em nhỏ trong làng nhằm xây dựng 1 sân chơi kiến thức bổ ích. Bên cạnh đó, Đoài Creative cũng thường diễn ra các hoạt động thú vị như: Sự Kiện Triển Lãm Cá Gỗ - lưu giữ và phát triển biểu tượng Mõ Cá Gỗ tại Đường Lâm, Sự Kiện Lăng Kính Tuổi Thơ - tôn vinh các tác phẩm sáng tạo qua góc nhìn của các em nhỏ, Sự kiện online Sáng Tạo Không Giới Hạn - Kêu gọi mọi người bỏ qua các rào cản để sáng tạo lên tác phẩm của riêng mình… Đồng thời, Đoài Creative còn nhận được sự ủng hộ của nhiều trường học trên Hà Nội như: Alfred Nobel, Chu Văn An,...để tạo lên các hoạt động ngoại khóa hấp dẫn tại Đường Lâm và thậm chí là ở nhiều nơi khác. 

Đối với anh Thắng, cái được lớn nhất sau 13 năm gắn bó với làng là sống được với những giá trị mình yêu thích theo đuổi và mình sống được với nghề. Chọn cách sống chậm lại giúp mỗi ngày trôi qua, anh lại cảm nhận thêm được những góc mới mẻ ở một ngôi làng xưa cũ. “Mình được đến nơi đây, tạo dựng được một trong những không gian thông qua sự kế thừa từ đi sản đó là điều tuyệt vời. Mình luôn mong muốn sẽ cùng những người dân nơi đây dựng xây giữ gìn những giá trị tốt đẹp của vùng đất này. Thông qua du lịch sẽ có nhiều người đến để hiểu về ngôi làng, không gian này sẽ luôn là những thông điệp đẹp đẽ gửi Đường Lâm đi muôn nơi”. Anh Thắng đang ấp ủ thêm nhiều dự án khác để mỗi đứa trẻ ở làng khi lớn lên sẽ có một tâm hồn thật đẹp, để du khách trong và ngoài nước khi đến với Đường Lâm, sẽ cảm nhận được vẻ đẹp của mảnh đất nơi đây, và cũng sẽ yêu Đường Lâm, lan tỏa Đường Lâm theo cách riêng của mỗi người./.

 

PHẠM HẢO