đền chùa - lễ hội

Mùa xuân trẩy hội đền Và.
Ngày đăng 05/02/2014 | 00:00  | View count: 7345

Mùa xuân là mùa của lễ hội với những sinh hoạt cộng đồng hấp dẫn, thu hút đông đảo mọi tầng lớp nhân dân tham gia. Lễ hội đã trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống, sinh hoạt văn hoá, tâm linh của mỗi người. Hàng năm, cứ mỗi độ xuân về, người dân lại nô nức đi lễ hội, chùa, đền, để thể hiện lòng thành tâm, cầu mong một năm mới bình an, may mắn đến với bản thân, gia đình và người thân. Đồng thời cũng là dịp để được hoà mình vào những nghi lễ đậm sắc văn hoá của dân tộc…

Sơn Tây vốn là mảnh đất có bề dày văn hoá và truyền thống lịch sử, dịp xuân này, nơi đâu cũng có lễ hội. Theo số liệu thống kê của Phòng Văn hoá – Thông tin, hiện nay trên địa bàn Thị xã có 173 lễ hội truyền thống diễn ra trong năm. Tuy nhiên, hầu hết các lễ hội đều diễn ra vào mùa xuân, bắt đầu từ tháng giêng cho đến tháng 3 âm lịch. Trong đó, đậm đặc nhất là vào tháng giêng với 32 lễ hội nhưng lớn nhất phải kể đến Lễ hội Đền Và

Du khách thập phương trẩy hội Đền Và.

Trong không gian hùng vĩ, thơ mộng với những núi đồi sông suối quanh quất, xinh tươi, đền Và hiện ra như một công trình kiến trúc thâm nghiêm và hòa quyện với rừng lim già tỏa bóng rợp quanh năm. Đền Và thuộc phường Trung Hưng, thị xã Sơn Tây là một trong bốn cung thờ Thần Núi Ba Vì - Tản Viên Sơn Thánh, Đệ Nhất Phúc Thần trong Tứ bất tử của tâm thức dân gian Việt Nam, đây cũng là một trong hàng trăm di tích thờ cúng Ngài.

Đền tọa lạc trên một gò đất rộng và thấp hình một con rùa đang duỗi bốn chân và ngóng đầu xuống đầm Vân Mộng hướng về phía mặt trời mọc. Vào những ngày xuân, cả không gian chìm trong màn sương mờ huyền ảo nơi cánh đồng có tên gọi Khói Nhang bao quanh khu đền cổ...

Ngay lối vào đền là tấm bia Hạ mã tự nói lên quy mô và tầm quan trọng của ngôi đền. Xưa, bất kể là vua, quan hay dân thường đều dừng mọi xe kiệu trước tấm bia này để tỏ lòng thành kính với thần Tản Viên. Một con đường sạch sẽ dưới bóng mát rừng lim già dẫn vào khu đền chính. Khu vực bên ngoài là giếng nước và điện thờ Cô Chín Thượng Ngàn, người quản cai non ngàn thăm thẳm. Bên cạnh là động Ngũ hổ, có thờ tượng năm ông hổ, năm màu sắc, trấn giữ các phương, biểu tượng của đại ngàn uy nghiêm. Nghi môn trông như một tòa Ngọ môn uy nghi hiện ra trong tán lá cây đại già có đến mấy trăm năm tuổi, dẫn vào cảnh quan bên trong, với gác trống gác chuông kiến trúc xinh xắn, thanh thoát đối xứng nhau qua sân gạch Bát Tràng rộng thênh thênh. Hai dãy tả hữu mạc hai bên và tòa tiền tế ở giữa mái rêu cổ kính. Tòa tiền tế là một toà nhà 5 gian, để thoáng bốn bề, treo hoành phi câu đối qua các triều đại đều do các nhà Nho, các danh sĩ soạn ra, mà nét vàng son và ý tứ thâm trầm mãi còn nhắc nhớ đến uy linh của Người – Tản Viên Sơn Thánh.

Trong thơm ngát hương hoa lan hoa mộc, và dưới bóng hoa vóc vàng đang đơm nắng, lòng du khách hành hương trầm lắng lại, nghĩ đến uy linh của đức Thánh Tản mà khí thiêng trải mấy nghìn năm vẫn như còn hiển hiện. Lòng du khách lâng lâng thư thái như đang được hưởng niềm an vui dưới sự chở che muôn đời của Thánh Tản Viên.

Lễ hội Xuân Giáp Ngọ năm nay, như thường lệ 3 năm một lần, vào các năm Tý - Ngọ - Mão - Dậu, Đền Và tổ chức hội chính với sự tham gia của 8 thôn thuộc 3 huyện, Thị xã của tỉnh Vĩnh Phúc và thành phố Hà Nội. Chính hội xuân là vào rằm tháng giêng, ngày 13 khai hội nhưng rộn ràng ngay từ đêm 30 Tết, du khách từ khắp nơi đã đổ về Đền Và du xuân cầu an. Nếu như trước đây, chỉ có các bà, các mẹ đi lễ cầu Thánh ban lộc thì những năm gần đây, vào dịp Tết, Đền Và đông vui nhộn nhịp hơn bởi sự hiện diện của bao nam thanh nữ tú tham quan thưởng ngoạn thắng cảnh.

Đông vui nhất vẫn là lễ rước Ngai Thánh đi trong đêm vào khoảng 2 - 3h sáng. Từ đền Và, đám rước đi qua cầu Cộng rồi vào Thị xã (tới trước cửa UBND Thị xã thường quay kiệu đến vài chục phút), ra bến sông rồi xuống thuyền qua sông Hồng sang đền Ngự Dội thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, là nơi thờ vọng ngài. Dân hai bên đường bày hương án dâng hương hoa lễ vật cầu phúc. Trước đây, nhà ai có trẻ con hay ốm vặt hoặc không "hay ăn chóng lớn" thì bế đứa trẻ cho chui qua dưới kiệu để lấy khước, nhưng hiện nay thì trẻ, già, gái, trai đều chen nhau chui kiệu cầu Thánh ban phước lành. Việc chui kiệu cũng đã trở thành tục lệ tốt đẹp trong lễ hội Đền Và bao năm nay.

Khi đám rước qua sông, hàng vài chục chiếc thuyền lớn được cột với nhau và trải tre vầu phẳng phiu để ngự hàng chục chiếc kiệu văn, kiệu ngai, kiệu nước, kiệu lồng mũ, kiệu Tam vị đức Thánh … và những người hành lễ. Người chèo thuyền chở ngai Thánh Tản sang sông reo hò, khua chiêng, gõ trống và ca hát làm náo động cả một khúc sông rộng. Tiếng cười nói hân hoan lan toả làm nức lòng hàng vạn người theo hầu Thánh Tản sang sông. Sang đến bờ sông, Thánh Tản vào ngự tại đình Ngự Dội làm lễ Mộc Dục và lễ Tiến Đốn. Theo truyền thống, việc trở lại bờ hữu phải chờ khi cờ hiệu báo đổi hướng gió, thường là đến khi hoàng hôn dần buông, đám rước mới lên đường về lại đền Và ... Mênh mông đèn đuốc rực sáng trên hàng dặm dài của sông Hồng soi đường cho đám rước. Ra đến giữa sông, hiu hiu gió mát trăng rằm, có khi kiệu Thánh dùng dằng mãi ở giữa sông chưa về ...

Trong lễ hội, các hoạt động văn hoá, thể thao truyền thống như: cờ người, bịt mắt bắt vịt, đập niêu, hát dân ca, kéo co... đã tạo ra những nét văn hoá lành mạnh thu hút đông đảo bà con địa phương, du khách trong và ngoài nước tới dự.

Nét mới trong mùa lễ hội năm nay, Đền Và đã được tu sửa, tôn tạo khang trang, sạch đẹp. Bên cạnh đó, nhiều hạng mục công trình, các tuyến đường giao thông cũng được nâng cấp, đảm bảo an toàn cho du khách trẩy hội. Cùng với việc tăng cường cơ sở vật chất, quảng bá, giới thiệu di tích, công tác an ninh trật tự, ATGT, vệ sinh môi trường, VSATTP đã được UBND phường và Ban tổ chức lễ hội đặc biệt quan tâm. Để tránh những hiện tượng tiêu cực thường xảy ra trong lễ hội, lực lượng chức năng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiên quyết xử lý những tệ nạn "ăn theo" lễ hội, như cờ bạc, ép giá, mê tín dị đoan...

Lễ hội Đền Và gắn với các thiết chế tín ngưỡng tôn giáo được dân gian thờ phụng, tôn vinh. Đó cũng chính là nơi nuôi dưỡng tâm hồn mỗi người, đưa chúng ta về với những gì trong sáng, tốt đẹp nhất của dân tộc. Đó là nơi hội tụ sức mạnh cộng đồng và gửi gắm khát vọng về hòa bình, no ấm của người dân xứ Đoài trong suốt dọc dài lịch sử./.