thời tiết các vùng

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

Đô thị

Hội thảo hoàn thiện, thống nhất hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý “Gà Mía – Sơn Tây”
Ngày đăng 14/02/2023 | 10:08  | View count: 159

Sáng ngày 14/2, UBND thị xã phối hợp với Trung tâm nghiên cứu và phát triển hệ thống nông nghiệp tổ chức hội thảo hoàn thiện, thống nhất hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý “Gà Mía – Sơn Tây”. Đồng chí Tạ Thanh Phong – Phó Chủ tịch UBND thị xã dự hội nghị.

Sản phẩm gà Mía Sơn Tây đã được bảo hộ nhãn hiệu tập thể

Trong số các sản phẩm OCOP đã được phân hạng của thị xã Sơn Tây, gà Mía Đường Lâm được nhiều người tiêu dùng biết tới bởi chất lượng thịt thơm ngon, mã đẹp, nổi tiếng là đặc sản được dùng làm lễ vật dâng thần thánh, cung tiến vua chúa ngày xưa. Thịt gà Mía thơm, ngon, có vị đậm, dai, da gà ăn rất giòn, đặc biệt là gà trống thiến. Gà Mía đã được công nhận là giống gốc Quốc gia và được Bộ NN&PTNT đưa vào danh mục nguồn gen vật nuôi quý hiếm cần bảo tồn và phát triển. Hiện gà Mía được nuôi tại 13/15 xã, phường. Sản phẩm gà Mía cũng đã được nhận giấy bảo hộ nhãn hiệu tập thể do Cục Sở Hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp. Đặc biệt trong năm 2020, Hội thi gà Mía Sơn Tây lần thứ nhất được tổ chức đã góp phần duy trì, phát triển giống gà Mía; tôn vinh cơ sở, người chăn nuôi, bảo tồn phát triển giống gà Mía bản địa; khai thác tối đa giá trị thương hiệu “Gà Mía Sơn Tây”, giúp người chăn nuôi cả nước hiểu rõ giá trị của giống gà Mía. Cùng với đó, việc gà Mía được công nhận sản phẩm OCOP năm 2019 góp phần khuyến khích doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tích cực khai thác tiềm năng, lợi thế của đặc sản, mở rộng thị trường tiêu thụ, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế- xã hội và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Nhiệm vụ Đăng ký bảo hộ và quẩn lý chỉ dẫn địa lý “Gà Mía – Sơn Tây” của thị xã Sơn Tây do Sở Khoa học và Công nghệ TP Hà Nội quản lý, Trung tâm nghiên cứu và phát triển hệ thống nông nghiệp chủ trì thực hiện, thời gian thực hiện 22 tháng (từ tháng 9/2022 đến tháng 6/2024). 6 nội dung thực hiện gồm: đánh giá thực trạng sản xuất và tiêu thụ gà Mía Sơn Tây; xây dựng chỉ dẫn địa lý “Gà Mía – Sơn Tây”; xây dựng hệ thống quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý; xây dựng các công cụ nhận diên và quảng bá sản phẩm; nâng cao năng lực quản lý và thương mại hóa sản phẩm; tổng kết nhiệm vụ. Đây cũng là sản phẩm đầu tiên của TP Hà Nội đăng ký bảo hộ và quản lý chỉ dẫn địa lý.

Tại hội nghị, các cơ quan chuyên môn, hộ sản xuất, hợp tác xã đã trao đổi làm rõ, thống nhất một số nội dung như thời gian nuôi để gà đạt chất lượng sản phẩm tốt nhất; sự khác biệt giữa gà Mía nuôi tại Sơn Tây và tại các vùng khác; khoanh vùng bảo hộ đối với gà Mía Sơn Tây, việc quản lý chỉ dẫn địa lý sau này.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Tạ Thanh Phong – Phó Chủ tịch UBND thị xã nhấn mạnh: việc hoàn thiện, thống nhất hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý “Gà Mía – Sơn Tây” có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm khẳng định thương hiệu hàng hóa, tạo điều kiện đưa gà Mía đến với thị trường trong cả nước và xuất khẩu quốc tế, nâng cao giá trị kinh tế hàng hóa, thu nhập cho người dân. Do đó, thị xã quyết tâm đề nghị với Sở Khoa học – Công nghệ thực hiện thành công nhiệm vụ này. Các ý kiến phát biểu của đại biểu tham dự sẽ được UBND thị xã tổng hợp, báo cáo Sở.  

                                             

                                                                                                                PHẠM HẢO