chi tiết tìm kiếm

NGƯỜI THẦY MIỆT MÀI TRUYỀN LỬA
Publish date 18/11/2024 | 15:00

Hơn 30 năm gắn bó với mái trường Hữu nghị 80, thầy giáo Nguyễn Quang Khải - nguyên là Phó Hiệu trưởng trường Hữu nghị 80 luôn cần mẫn, mẫu mực có nhiều công sức đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và là cầu nối văn hóa cho tình hữu nghị truyền thống hai nước Việt - Lào ngày càng bền chặt, gắn bó. Thầy chính là tấm gương sáng cho học trò và đồng nghiệp noi theo.

Năm 1972, đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh, đánh phá miền Bắc và hoành hành ác liệt ở miền Nam, đang theo học khoa sư phạm Vật lý tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I, thầy Khải đã viết đơn tình nguyện tham gia nhập ngũ. Gác lại bút nghiên, sách vở, thầy cùng đồng đội hành quân bộ hơn 90 ngày trên đường dây 559 vào chiến trường huyện Lộc Ninh, tỉnh Tây Ninh. Vốn là người có thành tích tốt trong học tập, rèn luyện và nhiệt tình trong hoạt động đoàn thể nên ngay sau những ngày nhập ngũ, thầy đã được đơn vị bồi dưỡng đối tượng Đảng. Ngày 27/7/1974, giữa mặt trận Tây Ninh, người sinh viên ưu tú chính thức vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam khi tròn 22 tuổi. Trải qua những trận đánh liên tiếp thắng lợi trong chiến dịch giải phóng miền Nam, thầy trực tiếp tham gia chiến đấu trong trận chiến tại Đông Nam Bộ tại tiểu đoàn 3, trung đoàn 205. Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, người chiến sĩ giải phóng quân lại tiếp tục trở về Khoa Vật lý, trường Đại học Sư phạm I Hà Nội để hoàn thành xuất sắc tấm bằng cử nhân.

Năm 1981, thầy Khải về trường Hữu Nghị 80 công tác. Nhận thức được vai trò sứ mệnh của nhà trường với không chỉ Bộ Giáo dục và đào tạo mà còn cả với Đảng và nhà nước đã giao phó, cho dù ở cương vị nào, thầy cũng luôn hết nỗ lực hết mình cống hiến sức lực, trí tuệ vì nền giáo dục của nước nhà và của cả nước bạn láng giềng anh em. Khi còn là giáo viên, làm tổ trưởng chuyên môn tổ Vật lý, thầy đã là chủ biên, biên soạn nhiều cuốn giáo trình tiếng Việt cho các em lưu học sinh Lào, Campuchia, Giáo trình Tiếng Việt môn Vật lý (năm 1996) lưu hành tại trường và cả tại một số trường phổ thông của nước Lào; chủ nhiệm đề tài khoa học cấp Bộ: Giáo trình tổng hợp các bộ môn dạy dự bị đại học tại Trường Hữu Nghị 80 (năm 2001)….

Trường Hữu nghị 80 được thành lập từ năm 1980, nhiệm vụ của trường là dạy kiến thức trung học phổ thông cho lưu học sinh nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và nước Campuchia. Từ 17 năm trở lại đây, nhà trường đã được Bộ Giáo dục và đào tạo cho phép và giao nhiệm vụ mở rộng đối tượng là giảng dạy thêm khối học sinh dân tộc thiểu số, là con em dân tộc ít người, trên địa bàn xa xôi hẻo lánh của một số tỉnh miền Bắc. Lại một lần nữa, uy tín của thầy Khải lại được khẳng định khi thầy  được nhà trường tin tưởng giao kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, trọng trách khác. Không chỉ là thầy giáo có chuyên môn vững vàng, thầy còn được các thế hệ học sinh biết đến là một thầy giáo tuyệt vời trong công tác giáo viên chủ nhiệm khối học sinh dân tộc thiểu số. Ngoài việc học tập trên lớp, cuộc sống học sinh, nếp ăn ở và cuộc sống sinh hoạt tập thể ở ký túc xá với học sinh phổ thông xa gia đình cũng rất nhiều phức tạp cần sự quan tâm giám sát, đôn đốc thường xuyên của thầy cô kiêm nhiệm công tác chủ nhiệm. Với tấm lòng nhân ái như người cha trong gia đình, thầy luôn gần gũi, quan tâm đến những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, sẵn sàng tổ chức các lớp giảng dạy phụ đạo miễn phí các em có học lực yếu môn Vật lý của thầy để các em thi đỗ tốt nghiệp THPT. Thầy giáo Khải vẫn nhớ vào mùa đông năm 1992, những đêm đông rét mướt, chưa có phương tiện thuận lợi như bây giờ, nghe tin học sinh của trường gặp sự cố về sức khỏe phải đi bệnh viện ngay trong đêm, thầy tức tốc không quản ngại đạp xe từ nhà vào ký túc xá cùng thầy quản lý ký túc xá đưa học sinh đó đi cấp cứu kịp thời. Thầy còn lo lắng, chăm chút, động viên các em học sinh như con như cháu của mình khi các em đều phải sống rất xa gia đình để các em ấm lòng, yên tâm và vươn lên trong học tập.

Hơn 3 thập kỷ gắn bó với nghề “chèo đò”, thầy giáo Nguyễn Quang Khải luôn tâm niệm: dạy các trò kiến thức đơn thuần là chưa đủ mà trên hết là dạy và chỉ ra cho học sinh các phương pháp học hiệu quả nhất, đó chính là trao cho các em những “chiếc chìa khóa vạn năng” để các em tự mở cánh cửa tri thức. Những tiết học môn Vật lý của thầy giáo Khải đầy thú vị, lôi cuốn học sinh bởi thầy luôn khéo léo lồng ghép nội dung bài học từ những câu chuyện khoa học, những hiện tượng tự nhiên kỳ thú và cả những bài học rèn người để học trò thấm thía hơn, hoàn thiện cả về tri thức, vốn sống và sự hiểu biết toàn diện.

 

Thầy giáo Nguyễn Quang Khải trong chuyên đề ngoại khóa với chủ đề “Giáo dục truyền thống anh bộ đội Cụ Hồ” tại Trung tâm Giáo dục Thường xuyên thị xã

Đã trải qua nhiều cương vị nhưng nhiệm vụ cao cả nhất ở những năm  công tác trước khi nghỉ hưu được thầy giáo Nguyễn Quang Khải cảm thấy có ý nghĩa nhất là từ năm 2009 đến năm 2014, thầy được Bộ Giáo dục và đào tạo nước Việt Nam tin tưởng cử sang làm chuyên gia giáo dục trao đổi kinh nghiệm, cố vấn giảng dạy cho nước bạn Lào. Sau một nhiệm kỳ công tác tại Đại học Quốc Gia Lào, thầy giáo Khải vô cùng cảm kích khi chính Ban Giám đốc trường và các đồng nghiệp học sinh đã đồng lòng viết, ký vào đơn đề nghị gửi Bộ Giáo dục và đào tạo Việt Nam bố trí, sắp xếp thầy giáo Nguyễn Quang Khải ở lại tiếp tục giảng dạy thêm một nhiệm kỳ nữa. Các học sinh chăm ngoan của thầy đã không phụ công sức, lòng mong mỏi  của thầy khi mà các em xuất sắc liên tiếp dành các giải Nhì, Ba trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Vật lý. Điều đặc biệt và cũng là niềm tự hào của thầy khải là biết bao thế hệ lưu học sinh đã từng theo học dự bị đại học và đại học tại Việt Nam những năm 90 là trò cũ của thầy hiện đang là những cán bộ thành đạt, nắm giữ những vị trí lãnh đạo chủ chốt, đảm nhiệm những trọng trách lớn của các Bộ, ngành và của nhà nước Lào. Năm 2012, thầy Nguyễn Quang Khải được nhà nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tặng thưởng Huân chương hữu Nghị Lào - Việt để ghi nhận những đóng góp tích cực của thầy cho nền giáo dục nước Lào.                      

Cho dù hơn 40 năm trôi qua và di chứng của những vết thương nhẹ nơi cánh tay và lồng ngực trái  mỗi khi trái gió trở trời lại đau nhức, mệt mỏi nhưng khi được hỏi về những tháng năm gian khổ nơi chiến trường, người lính già vẫn nói với gia đình và các học trò mình rằng thầy là người may mắn hơn các đồng đội của thầy đã hy sinh một phần thân thể nơi chiến trường hay có người đã ra đi mãi mãi mà không thể trở về sau ngày thống nhất đất nước nữa…

Với chi bộ số 3, Đảng bộ phường Ngô Quyền, thầy giáo Khải là một đảng viên gương mẫu luôn chấp hành tốt các chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước. Gia đình thầy giáo Nguyễn Quang Khải luôn là một gia đình tiêu biểu để các gia đình trong khu phố học tập bởi có một gia đình hạnh phúc, các con của thầy đều là những người con thành đạt, là những công dân có ích cho xã hội. Trở về nghỉ hưu và sống tại phường Ngô Quyền, thầy giáo Nguyễn Quang Khải lại tiếp tục phát huy hết những thế mạnh của mình đóng góp, giúp ích cho cộng đồng, cho xã hội. Thầy đã trợ giúp cùng với con trai của mình là Tiến sĩ hóa học Nguyễn Thành Đồng của Viện hóa học công nghiệp Việt Nam đã vận dụng kiến thức về Vật lý và Hóa học, tìm tòi nghiên sản xuất hạt lọc khí biogas, một phát minh khoa học đã được công nhận và giúp ích cho bà con nông dân trong việc lọc những khí độc hại của các hầm khí biogas dùng cho bếp gas sinh học, thắp sáng, sưởi ấm và chạy máy phát điện. Thầy giáo Nguyễn Quang Khải luôn động viên, khuyến khích các con của mình cho dù đã là những nhà khoa học với nhiều thành tựu, giải thưởng quốc tế nhưng vẫn cần tiếp tục áp dụng những thành tựu khoa học đó thành ứng dụng, sản phẩm cụ thể có ích cho xã hội, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân, cho đất nước.                        

Là thành viên Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi phường Ngô Quyền từ năm 2011 đến nay, thầy Nguyễn Quang Khải  đã vận động hội viên phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, tập hợp tiềm năng tri thức của cựu chiến binh cùng xây dựng tổ chức hội vững mạnh; tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền. Thầy Khải cũng là cây bút tích cực hưởng ứng, tham gia tìm hiểu, viết bài tuyên truyền, bài dự thi… Có thể kể đến những bài viết dự thi chất lượng, dày công sưu tầm ảnh, tư liệu trong cuộc thi “Tìm hiểu di chúc của Chủ tịch Hồ chí Minh”, cuộc thi “Chính luận về bảo vệ tư tưởng của Đảng” hay các bài viết giới thiệu các tấm gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt rất đáng được nêu gương của người bà con làng xóm mà thầy đã nhìn thấy nét đẹp của họ trong cuộc sống thường nhật….             

“Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui” là phương châm sống của thầy giáo Khải, người cựu chiến binh, người đảng viên với hơn 70 năm tuổi đời và 50 năm tuổi Đảng của quê hương Sơn Tây. Với thầy giáo Nguyễn Quang Khải cho dù ở cái tuổi đã có thể cho phép mình được nghỉ ngơi sau nhiều năm công tác nhưng giữ được ngọn lửa nhiệt tình, trách nhiệm tham gia công tác xã hội, đoàn thể mới là điều đáng quý hơn cả. Bằng những việc làm thiết thực mỗi ngày, tìm thấy niềm vui, hạnh phúc trong từng công việc dù nhỏ nhưng đầy ý nghĩa cho xã hội với thầy giáo Nguyễn Quang Khải chính là đã và đang tô thắm thêm phẩm chất cao quý và thực hiện đúng lời dạy của chủ tịch Hồ Chí Minh: 

“Tuổi già nhưng chí không già.

Góp phần xây dựng nước nhà phồn vinh”

 

Phạm Thị Hinh - Hiệu trưởng Trường THCS Trung Hưng