Giới thiệu

điều kiện tự nhiên
Publish date 08/12/2015 | 23:01  | View count: 13337

Theo Sở GTVT Hà Nội, sau khi mở rộng Thủ đô có tới 252.926 ô tô các loại, hơn 2,5 triệu xe máy, khoảng 1 triệu xe đạp và 300 xích lô. Đó là chưa kể các phương tiện đăng ký ngoại tỉnh thường xuyên hoạt động. Lượng phương tiện tham gia giao thông, đặc biệt là phương tiện cá nhân tăng nhanh (khoảng 12%-15%/năm), song diện tích dành cho giao thông lại thấp hơn yêu cầu rất nhiều. Tính đến nay, Hà Nội mới có tổng số 3.974 km đường, trong đó đường nội thành có 643 km, chiếm khoảng 6,8% diện tích đất đô thị; TP Hà Đông có 37,1 km (chiếm khoảng 8,8%); TP Sơn Tây có 50,7 km (chiếm khoảng 4,9%). Về giao thông tĩnh, diện tích đất cho bãi đỗ xe trong khu vực nội thành chỉ đạt 1,2% diện tích đất đô thị, trong khi quy hoạch cần phải từ 5-6%. Bên cạnh đó, ý thức người tham gia giao thông kém càng khiến cho ùn tắc và TNGT thêm trầm trọng. Lực lượng CSGT, Thanh tra GTVT dù đã rất nỗ lực nhưng các điểm "đen" giao thông trên địa bàn cứ "bóp" được chỗ này lại "phình" ra chỗ khác. Thống kê cho thấy, trên địa bàn TP hiện còn tới 78 điểm, nút thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm. Điển hình là các điểm phía Nam cầu Chương Dương, cổng chợ Long Biên, đường Hoàng Hoa Thám, đường Tôn Đức Thắng - Nguyễn Lương Bằng - Tây Sơn, Pháp Vân - Giải Phóng…

Hạ tầng giao thông của Hà Nội đã yếu lại khập khiễng là quan điểm chung của nhiều cơ quan chức năng. Ông Phạm Hữu Nam, Trưởng phòng Giao thông đô thị (Sở GTVT) cho biết: TP hiện chỉ có 11 bến xe liên tỉnh là Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm, Nước Ngầm, Lương Yên, Hà Đông, Sơn Tây, Đan Phượng, Thường Tín, Chúc Sơn, Hoài Đức. Tình trạng thiếu và yếu này đã dẫn tới thực trạng là TP còn nhiều điểm đỗ xe trái phép trên đường. Đồng thời, những điểm đỗ xe tạm thời trên hè, lòng đường, hệ thống đèn tín hiệu điều khiển giao thông còn thiếu, chưa đồng bộ cũng ảnh hưởng tới việc đi lại của nhân dân.

Đầu tư mạnh cho hệ thống hạ tầng cơ sở

Đầu tháng 12-2008, UBND TP đã ban hành Kế hoạch số 30/KH-UBND, chỉ rõ giai đoạn từ nay đến năm 2010 và các năm tiếp theo, Hà Nội sẽ đầu tư cho nhiều dự án phát triển giao thông đường bộ, giao thông tĩnh cũng như phục vụ cho công tác tổ chức điều hành giao thông. Trong đó, ưu tiên tập trung đầu tư hạ tầng giao thông khung, vận tải khối lượng lớn, xe buýt nhanh, đường sắt đô thị…

Trước mắt, tập trung hoàn thành một loạt tuyến quốc lộ hướng tâm, đường vành đai vào năm 2010. Đó là: dự án mở rộng, nâng cấp đường Láng - Hòa Lạc; Quốc lộ 2 (đoạn Phủ Lỗ - Vĩnh Phúc); Quốc lộ 1 cũ (đoạn cầu Chui - cầu Đuống); Quốc lộ 3 đoạn thuộc địa phận Hà Nội; Quốc lộ 32 (đoạn Nam Thăng Long - Cầu Diễn - Nhổn - Sơn Tây), cầu Phùng; cầu Vĩnh Tuy và đường dẫn 2 đầu cầu; Vành đai 3 đoạn Khuất Duy Tiến - Thanh Xuân, đường dẫn cầu Thanh Trì, đường 5 - cầu Thanh Trì - Pháp Vân. Trong năm 2010, một số nút giao thông và đường nội đô cũng sẽ được hoàn thành như: đường Lạc Long Quân, đường Văn Cao - hồ Tây, đường ven sông Tô Lịch (bờ phải), đường Cát Linh - La Thành, đường Phúc La - Văn Phú, đường Lê Trọng Tấn - Hà Đông. Nút giao thông Kim Liên, nút ngã tư cầu Trắng (Hà Đông), nút ngã ba Viện 105 (Sơn Tây)…

Một số giải pháp quan trọng khác cũng đang được thực hiện, đó là từng bước di chuyển các cơ quan hành chính, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, bệnh viện lớn ra khỏi khu vực trung tâm. Quỹ đất này sẽ được dành chủ yếu cho mục đích công cộng như làm vườn hoa, giao thông tĩnh; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT. Nhà trường thực hiện chương trình giảng dạy văn hóa giao thông ở các cấp học; tăng cường kiểm tra, xử phạt vi phạm về trật tự ATGT...

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi, để thực hiện được những giải pháp cấp bách cho giai đoạn đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020-2030, đề nghị Chính phủ đưa việc đầu tư GTVT vào chương trình mục tiêu quốc gia và tập trung cho Hà Nội đầu tư GTVT bằng nguồn vốn TƯ; cho phép Hà Nội được chỉ định thầu đối với những công trình cấp bách nhằm làm giảm ùn tắc như cải tạo, sửa chữa đường, cầu yếu, lắp đặt đèn tín hiệu giao thông... Bộ Kế hoạch - Đầu tư tạo điều kiện cho Hà Nội được áp dụng cơ chế đặc thù đối với việc triển khai nhanh các công trình đó và đặc biệt, Bộ Xây dựng sớm hoàn thành quy hoạch chung Thủ đô trình Chính phủ phê duyệt, làm cơ sở thực hiện.