phổ biến pháp luật
thông tin khác
thời tiết các vùng
Hà Nội | |
Đà Nẵng | |
TP Hồ Chí Minh |
Kinh Tế
Sáng ngày 30/11, Đảng ủy – HĐND – UBND – UBMTTQ xã Sơn Đông tổ chức Lễ đón bằng công nhận làng nghề mộc Vạn An đạt danh hiệu Làng nghề Hà Nội. Tới dự có các đồng chí: Hà Tiến Nghi – Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn TP Hà Nội; Nguyễn Quang Hán – Phó Bí thư Thường trực Thị ủy – Chủ tịch HĐND thị xã cùng các đồng chí lãnh đạo Thị ủy – HĐND – UBND – UBMTTQ, các phòng, ban, ngành, đoàn thể thị xã; lãnh đạo các xã phường, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và đông đảo nhân dân xã Sơn Đông.
Làng nghề mộc Vạn An vinh dự đón nhận danh hiệu Làng nghề Hà Nội
Thôn Vạn An, xã Sơn Đông có diện tích tự nhiên 43,1ha với gần 300 hộ dân và trên 1.000 nhân khẩu. Từ trước những năm 1990, người dân làng Vạn An chủ yếu là nhận đặt hàng và đi làm thuê giường, tủ, bàn, ghế, cửa, kệ cho khắp các nơi. Tuy nhiên, từ năm 1990 trở lại đây, tiếp cận với nhu cầu và sự phát triển của thị trường, người dân thôn Vạn An nhận thấy nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ tại thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận phía Bắc là rất lớn, sẵn có tay nghề, nhiều người dân Vạn An đã trở về quê hương, mở xưởng sản xuất dùng đôi tay khéo léo của mình để tạo ra những sản phẩm đồ gỗ đẹp, đa dạng, chất lượng cho địa phương và cung cấp đến khắp các tỉnh thành trong nước, đặc biệt là thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Từ vài hộ làm nghề, chủ yếu theo kiểu nhỏ lẻ, đến nay, trải qua hơn 30 năm, làng mộc Vạn An đã có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng. Chỉ tính riêng 3 năm trở lại đây, số hộ làm nghề mộc, đồ gỗ nội thất tăng từ 65 hộ (= 25% tổng số hộ trong làng) năm 2021 lên 119 hộ (= 41,9% tổng số hộ trong làng) năm 2023; tăng 183%. Giá trị sản xuất các hộ làm nghề mộc, đồ gỗ nội thất tăng từ 56,96 tỷ đồng (chiếm 63,3% tổng giá trị sản xuất của làng) năm 2021 lên 101,25 tỷ đồng (chiếm 72% tổng giá trị sản xuất của làng) năm 2023; tăng 178%. Số lao động làm nghề mộc, đồ gỗ nội thất tăng từ 320/672 lao động, chiếm 47,6% tổng số lao động trong độ tuổi hiện có của làng năm 2021 lên 450/780 lao động, chiếm 57,7% tổng số lao động trong độ tuổi hiện có của làng năm 2023; tăng 141%. Thu nhập bình quân của các hộ làm nghề mộc, đồ gỗ nội thất tăng từ 145 triệu đồng/người/năm năm 2021 lên 165 triệu đồng/người/năm năm 2023; tăng 114%. Hiện nay với 119 xưởng sản xuất lớn nhỏ chuyên sản xuất và kinh doanh nội thất, chiếm 41,9% tổng số hộ dân của thôn, làng nghề mộc Vạn An đã trở thành làng giàu nhất xã Sơn Đông. Nhờ có nghề mộc mà trong làng nhiều nhà cao tầng khang trang được mọc lên, các vật dụng tiên tiến hiện đại như ti vi, tủ lạnh, điều hoà, ô tô… được người dân mua sắm phục vụ đời sống hàng ngày. Đời sống tinh thần của người dân làng nghề cũng ngày càng được nâng lên. Với những cố gắng của Đảng bộ, chính quyền xã Sơn Đông và nhân dân thôn Vạn An, ngày 7/6/2024, làng mộc Vạn An đã chính thức được UBND TP Hà Nội công nhận danh hiệu “Làng nghề Hà Nội” tại Quyết định số 2982/QĐ-UBND.
Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm làng nghề mộc Vạn An
Tới dự và phát biểu tại buổi lễ, đ/c Phùng Huy Vinh – Phó Chủ tịch UBND thị xã đề nghị xã Sơn Đông và thôn Vạn An cần tăng cường công tác tuyên truyền các hộ sản xuất trong làng nghề nâng cao trách nhiệm trong sản xuất kinh doanh, làm tốt công tác phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, xử lý tốt các vấn đề về khí thải, chất thải đảm bảo sức khỏe cho người lao động. Phối hợp với các phòng, ngành làm tốt công tác quy hoạch về hạ tầng: giao thông, bãi đỗ xe, điểm giới thiệu sản phẩm của làng nghề để đầu tư tạo điều kiện cho các hộ sản xuất tại làng nghề phát triển. Đảng ủy,UBND xã Sơn Đông hướng dẫn làng nghề xây dựng quy chế, thành lập Hội làng nghề hoạt động hiệu quả, gắn sản xuất với trách nhiệm cộng đồng, phát triển bền vững, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu làng nghề, xây dựng các sản phẩm làng nghề là sản phẩm OCOP và Làng nghề mộc Vạn An trở thành điểm đến của nhân dân các địa phương, là sản phẩm có thương hiệu, chất lượng, thái độ phục vụ tận tình, chu đáo…
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND thị xã cũng đề nghị các Sở, ngành Thành phố tiếp tục giúp đỡ, hỗ trợ cho Làng nghề; Lãnh đạo Thị ủy – HĐND – UBND thị xã, các phòng, ngành của thị xã thường xuyên quan tâm, phối hợp để đồng hành với xã Sơn Đông và làng nghề mộc Vạn Anhỗ trợ làng nghề ngày càng phát triển: xây dựng hệ thống giao thông, hạ tầng, hướng dẫn về xử lý môi trường, bãi đỗ xe, điểm giới thiệu sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho làng nghề… Đề nghị các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất Làng nghề mộc Vạn An tăng cường áp dụng thương mại điện tử, xây dựng website, đa dạng hóa các sản phẩm tuyên truyền như ấn phẩm, tờ rơi, panô, khẩu hiệu, videoclipđể giới thiệu, quảng bá sản phẩm làng nghề. Nhân dân thôn Vạn An nói riêng và xã Sơn Đông nói chung ngày một đoàn kết, chung sức chung lòng xây dựng Làng nghề mộc Vạn An ngày một phát triển./.
PHẠM HẢO - PHAN THANH