tin từ các đơn vị

Nuôi Gà mía – Hướng đi cho phát triển kinh tế xã Đường Lâm
Publish date 27/08/2014 | 00:00  | View count: 853

Xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) - vùng đất hai vua nổi tiếng cũng là nơi sản sinh, lưu giữ gen giống gà Mía. Trong những năm qua, mô hình nuôi gà Mía đã được nhiều hộ nông dân nơi đây triển khai hiệu quả góp phần bảo tồn giống gà quý hiếm và xóa đói giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi tại địa phương.

Nuôi gà Mía mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân xã Đường Lâm

Gà Mía là giống gà đặc sản của Làng cổ ở Đường Lâm được dùng làm lễ vật dâng thần thánh, cung tiến vua chúa ngày xưa đã trở thành nét văn hóa ẩm thực độc đáo của địa phương. Giống gà Mía thuần chủng có đầu nhỏ, mình vuông, da màu vàng. Thịt gà Mía thơm ngon, vị ngọt, đậm đà dai thịt được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Chúng tôi đến thăm hộ gia đình ông Nguyễn Quốc Quân – thôn Đông Sàng – xã Đường Lâm là một trong những hộ chăn nuôi gà Mía lớn của xã khi ông vừa xuất xong lứa gà thịt thu về trên 200 triệu đồng. Ông Quân cho biết: Tuy phải đầu tư vốn ban đầu tương đối lớn nhưng gà Mía dễ nuôi, giá cao, dễ bán, hiệu quả gấp 2-3 lần so với trồng lúa hoặc nuôi các giống gà khác. Kinh nghiệm của ông là cho ăn đầy đủ bằng các loại thức ăn có sẵn như thóc, ngô, khoai, sắn, rau, cỏ … và nuôi cách ly trong các vườn trại có rào chắn sẽ ít bị dịch bệnh, gà lớn nhanh, khỏe mạnh. Cách nuôi gà Mía không giống như nuôi gà trắng là chỉ cho gà ăn cám công nghiệp mà phải nuôi theo phương thức nuôi thả vườn. Đặc biệt, phải thực hiện nghiêm quy trình phòng bệnh bằng vắc xin, bổ sung các loại khoáng, vitamin, nhất là gà ở giai đoạn đẻ trứng và vỗ béo để nâng cao sức đề kháng cho gà. Hiện nay giá bán gà Mía thương phẩm là 130.000/kg, cao hơn hẳn các giống gà khác từ 40 – 50 nghìn đồng nên đây là một nguồn thu không nhỏ của người dân trong xã.

Cũng như hộ gia đình ông Nguyễn Quốc Quân, nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã Đường Lâm đã mở rộng quy mô chăn nuôi gà Mía, áp dụng tiến bộ trong KHKT nhằm tăng năng suất, giá trị sản phẩm. Gà Mía đang mở ra cơ hội làm giàu trên chính mảnh đât quê hương cho nhiều hộ nông dân nơi đây. Theo thống kê của Chi hội chăn nuôi gà Mía xã Đường Lâm, trên địa bàn hiện có trên 100 hộ nuôi gà Mía với qui mô tập trung đạt từ 100- 300 mái sinh sản hoặc 300- 500 con gà thương phẩm mỗi lứa. Đặc biệt, một số hộ đã đầu tư, lắp đặt máy ấp nở trứng để chủ động nguồn giống cung cấp cho các hộ trong khu vực.

Hiện nay, thành phố Hà Nội đang có chủ trương khuyến khích bà con nông dân và các cơ sở chăn nuôi gia cầm lớn trên địa bàn thị xã Sơn Tây chú trọng khôi phục phát triển chăn nuôi giống gà Mía đặc sản của vùng Đường Lâm đến các vùng núi, đồi gò nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường . Để giúp người chăn nuôi tăng giá trị sản phẩm, tăng quy mô sản xuất, và có thị trường tiêu thụ ổn định, việc xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm đóng vai trò quyết định. Tuy nhiên hiện nay việc triển khai chuỗi liên kết gà Mía còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là việc xây dựng thương hiệu "gà Mía Đường Lâm" bởi việc chăn nuôi trên địa bàn còn mang tính nhỏ lẻ, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, việc tiêu thụ chủ yếu theo phương thức bán lẻ, chưa hình thành được vùng sản xuất hàng hóa.

Ông Phó Chủ tịch UBND – Trưởng BCĐ phát triển chăn nuôi gà Mía xã Đường Lâm Nguyễn Văn Thành cho biết: Hiện nay Trung tâm phát triển chăn nuôi Hà Nội cùng UBND xã Đường Lâm đang triển khai Đề án phát triển chăn nuôi gà Mía; trong đó chú trọng việc xây dựng thương hiệu gà Mía Sơn Tây thông qua xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ gà Mía có sự tư vấn, giám sát từ khâu chăn nuôi, thu gom tới khâu vận chuyển, bảo quản, đóng gói và tiêu thụ. Qua đó góp phần nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi, đưa thương hiệu gà Mía Sơn Tây ngày càng phát triển đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Hy vọng , với sự vào cuộc của các cấp chính quyền cùng sự tham gia nhiệt tình của người dân, mô hình nuôi gà Mía xã Đường Lâm sẽ đượcnhân rộng và phát triển bền vững góp phần tích cực vào công tác xóa đói giảm nghèo tại địa phương./.