tin từ các đơn vị

Hiệu quả mô hình nuôi chim bồ câu Pháp ở Trung Sơn Trầm.
Publish date 21/07/2014 | 00:00  | View count: 2523

Theo chân đồng chí Chủ tịch Hội Nông dân phường Trung Sơn Trầm, chúng tôi đến thăm mô hình trang trại nuôi chim bồ câu Pháp của anh Nguyễn Tiến Hào ở Tổ dân phố 4, một trong những hộ nông dân đạt danh hiệu hộ sản xuất – kinh doanh giỏi cấp phường 3 năm liền.

Anh Hào đang cho đàn bồ câu ăn.

Trước đây, gia đình anh Hào chủ yếu làm nông nghiệp, chăn nuôi lợn, gà, nhưng vốn đầu tư lớn mà hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Tình cờ vào đầu năm 2011, anh xem Chương trình Bạn của nhà nông giới thiệu về mô hình nuôi bồ câu Pháp phát sóng trên kênh VTV2 Đài truyền hình Việt Nam. Nhận thấy đây là một cách làm hay, số vốn bỏ ra ban đầu lại không nhiều, anh như tìm thấy hướng đi mới cho gia đình. Sau khi đi tham quan học tập một số hộ đã nuôi bồ câu ở xã Sen Chiểu – huyện Phúc Thọ, vợ chồng anh mạnh dạn đầu tư số tiền 25 triệu đồng, làm 200 ô chuồng với 70 cặp chim giống. Ban đầu do chưa có nhiều kinh nghiệm về cách chăm sóc, đàn bồ câu đầu tiên của gia đình anh nuôi bị bệnh, chết hơn một nửa. Nhưng không vì thế mà anh nản chí, anh Hào mua thêm rất nhiều sách báo tìm hiểu về đặc tính của loài bồ câu, các loại bệnh thường gặp và cách phòng tránh.

Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi chim bồ câu Pháp, anh Hào cho biết: Bồ câu Pháp là loài chim hiền lành, dễ nuôi, ít dịch bệnh, nguồn thức ăn đơn giản chủ yếu là thóc và ngô, thịt chim bồ câu là thực phẩm giàu dinh dưỡng được thị trường hiện nay rất ưa chuộng. Để nuôi chim bồ câu đạt hiệu quả, khâu chọn giống là quan trọng nhất, nên chọn chim bồ câu giống có lông bụng dày mượt, không có dị tật, lanh lợi. Bên cạnh đó, chuồng nuôi cần phải thông thoáng, có đủ ánh sáng mặt trời, có mái che, có ổ cho chim mái đẻ trứng, cần thường xuyên vệ sinh chuồng trại. Mỗi năm một cặp chim bố mẹ có thể đẻ 8-9 lứa, trọng lượng chim ra ràng trên 500g/1 con. Với sự ham học hỏi và tỷ mỷ trong việc chăm sóc, đến nay đàn bồ câu nhà anh thường xuyên có hơn 100 cặp, trong đó luôn có 60 đôi chim bố mẹ thường xuyên cung cấp chim giống và chim thương phẩm cho thị trường với giá chim giống khoảng 500 nghìn đồng/ đôi, chim thương phẩm 130 – 140 nghìn đồng/đôi. Sau khi trừ chi phí thức ăn và công chăm sóc, mỗi năm đàn bồ câu mang lại lợi nhuận bình quân cho gia đình anh trên 100 triệu đồng. Không dừng lại ở đó, hiện nay anh Hào đang tiếp tục nghiên cứu giống bồ câu Mỹ với trọng lượng to gần gấp rưỡi bồ cầu Pháp mà theo anh nếu nhân giống thành công cũng sẽ đem lại lợi nhuận đáng kể cho gia đình.

Có thể thấy mô hình nuôi chim bồ câu Pháp đã đem lại thu nhập kinh tế ổn định cho gia đình anh Hào. Với sức tiêu thụ lớn của người dân, sản lượng chim bồ câu cung ứng hiện tại không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. Việc nuôi chim bồ câu theo hướng công nghiệp là cách làm mới, phù hợp với điều kiện kinh tế của nhiều hộ nông dân, nhất là các hộ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thiếu lao động. Đây cũng là một hướng đi phù hợp cho những hộ nghèo muốn thoát nghèo bền vững./.