tin từ các đơn vị

Khai bút và xin chữ đầu năm - nét đẹp văn hóa của người Việt.
Publish date 20/02/2015 | 00:00  | View count: 1538

Tết cổ truyền Việt Nam được xem là dịp lễ hội để các nét đẹp văn hóa, phong tục truyền thống của dân tộc được phát huy và bảo tồn. Ngày đầu năm, một trong những phong tục được người Việt đề cao là tục khai bút và xin chữ. Đây là phong tục truyền thống thể hiện được tinh thần trọng chữ nghĩa, đề cao truyền thống hiếu học của người Việt vào mỗi dịp tết đến, xuân sang.

Tục xin chữ đầu năm - nét đẹp văn hóa mỗi dịp tết đến, xuân sang

Tục khai bút hay còn được gọi là tục chắp bút đầu năm thường được các học sỹ, học giả xưa thực hiện. Vào những thời khắc đầu tiên của năm mới, mỗi người thường tự chọn cho mình một thời điểm được coi là giờ tốt, giờ đẹp nhất để khai bút. Khai bút không nhất thiết được tiến hành sau lúc giao thừa, mà được làm trong những ngày tết, có thể là mùng 1, mùng 2... tuy nhiên, đó phải là ngày tốt. Người xưa thường đốt lư trầm bên bàn viết, lấy cây bút mới, mài mực tàu và hạ bút viết trên giấy hoa tiên (giấy có in hoa) hoặc giấy hồng điều (giấy đỏ). Mỗi người cũng lựa chọn những điều riêng để viết: Có người thường chỉ viết ngày tháng năm và câu: "Khai bút đại cát", "Tân xuân đại cát", văn sỹ thường sáng tác một bài thơ xuân, những ông đồ thường viết câu đối để treo trong nhà ngày tết. Khai bút có ý nghĩa đề cao sự học, vì thế những nét bút đầu tiên của năm mới được hạ xuống tượng trưng cho sự khởi đầu một sự nghiệp, sự học, sự viết trong năm mới. Và hơn hết, gửi gắm trong những nét chữ đầu xuân ấy còn là ước nguyện của người cầm bút về một năm thi cử đỗ đạt, học hành tấn tới, sự nghiệp như ý. Nếu trước kia, khai bút được xem như tục riêng của những người có chữ thuộc về đạo Nho thì bây giờ, sự phát triển của chữ quốc ngữ đã làm cho tập tục này phát triến rộng hơn trong quần chúng. Người viết khai bút giờ đã không còn đặt nặng đến vấn đề hình thức, viết, chỉ cốt ở tấm lòng và tinh thần hướng về những điều may mắn tốt đẹp trong năm mới, từ đó tạo cho con cháu đời sau một cái nhìn tốt đẹp về văn hóa truyền thống của cha ông.

Gắn với tục "khai bút", người Việt còn có tục "xin chữ đầu năm". Với mong ước cho một năm mới vui vẻ, hạnh phúc, làm ăn phát đạt... nên nội dung xin chữ đầu năm đều mang ý nghĩa tốt đẹp, như xin chữ: Phúc, Lộc, Thọ, An, Phát, Thịnh... Mỗi chữ hiện ra dưới tay các "ông đồ" là một bức họa. Thú vị hơn nữa là bên cạnh những chữ chủ đề, lại còn lời đề từ đầy ý nghĩa . Chẳng hạn, tặng chữ Thọ cho khách, ông đồ còn viết thêm dòng chữ: Thọ tỉ Nam Sơn. Cạnh chữ Phúc thì thêm Phúc sinh phú quý gia đình thịnh; chữ Lộc thì Lộc phát trường hưng… Tục xin chữ cũng là một cách thể hiện việc coi trọng chữ nghĩa và cầu mong mọi sự tốt lành. Xin chữ treo trong nhà đầu năm là một việc làm quan trọng với mỗi gia đình từ xa xưa, treo chữ gì trong nhà thể hiện bản sắc của mỗi gia đình, cũng là thể hiện những mong ước trong năm mới. Mỗi chữ được viết ra là một món quà mang đến phúc lộc, may mắn, cũng là thể hiện tinh thần tôn sư trọng đạo. Cái chữ và đạo thánh hiền từ xưa tới nay luôn được coi trọng như vậy.

Chính sự thành tâm của cả người xin chữ và người cho chữ mà phong tục đẹp này được gìn giữ với đầy đủ ý nghĩa thiêng liêng của nó, và đang có xu hướng phát triển hơn trong xã hội ngày nay. Đón xuân Ất Mùi 2015, việc cho chữ, tặng chữ tại Hà Nội được tổ chức chu đáo hơn. Sau khi được thẩm định chữ viết, các ông đồ "trúng cách" sẽ nhận thẻ và ngồi hoạt động trong những lều khung sắt lợp mái bạt, bố trí xung quanh Hồ Văn, hướng mặt ra phía đường Quốc Tử Giám. Đó cũng là việc làm cần thiết nhằm nâng cao chất lượng một hoạt động văn hóa có ý nghĩa truyền thống tốt đẹp. Chúng ta hãy cùng nhau trân trọng và gìn giữ những phong tục đẹp ấy với những hy vọng, mơ ước năm mới sẽ đến với thật nhiều may mắn, tốt lành./.