tin từ các đơn vị

Mừng thọ - nét đẹp văn hoá đầu Xuân.
Publish date 20/02/2015 | 00:00  | View count: 1182

Mừng thọ là một nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, thể hiện sự tôn trọng, tấm lòng hiếu thảo cũng như sự kính trọng của con cháu đối với các bậc cao niên. Đã thành truyền thống, vào dịp tết đến xuân về, các địa phương lại tổ chức trang trọng lễ mừng thọ cho người cao tuổi.

Lễ mừng thọ cho người cao tuổi được tổ chức tại đình làng

Trong tâm thức dân gian, người có tuổi thọ và gia đình có người cao tuổi là có được một cái phúc lớn, có phúc nên mới được sống lâu, mới có con cháu đề huề. Mừng thọ cũng chính là mừng cái phúc ấy. Con cháu được mừng thọ ông bà, cha mẹ là được thêm niềm vui, niềm tự hào. Bởi vậy, theo tục lệ, vào những năm chẵn tuổi của ông bà, con cháu sẽ tổ chức lễ mừng thọ. Có nhiều "nấc" mừng thọ. Trước đây "khao lão" là lễ tổ chức lần đầu khi vào lão, thường là dịp 50 tuổi, còn gọi là "Noãn thọ" hay "Bán bách thiêm thọ"; "Chúc thọ" là lễ mừng người thọ từ 60 tuổi trở lên; "Trung thọ" là lễ mừng người thọ từ 70 tuổi trở lên; "Thượng thọ" là lễ mừng người thọ từ 80 tuổi trở lên; "Đại thọ" là lễ mừng người thọ từ 90 tuổi trở lên; "Lão thiêm thọ" hay "Lão thọ" là lễ mừng người thọ từ 100 tuổi. Theo tục lệ xưa của người Việt, trong lễ mừng thọ, ông bà sẽ mặc trang phục trang trọng, thường là y phục khăn đóng, đi hài, trang phục màu đỏ hoặc màu vàng tuỳ tuổi thọ, ngồi nơi trang trọng nhất trong nhà, con cháu lần lượt đến kính cẩn dâng rượu và đào, kính lễ cha mẹ, sau đó làm tiệc mừng thọ. Trong lễ này, ngoài con cháu trong gia đình, còn có họ hàng nội ngoại gần xa và khách đến chúc mừng, chứng kiến niềm hạnh phúc của các cụ và con cháu. Truyền thống tốt đẹp này của dân tộc càng làm cho những ngày xuân thêm phần ấm cúng. Nhiều năm nay, lễ mừng thọ được cấp uỷ, chính quyền các địa phương chỉ đạo, giao cho hội người cao tuổi các cấp chủ trì tổ chức, thường diễn ra từ ngày mồng 2 tết âm lịch. Lễ mừng thọ được tổ chức tại nhà văn hóa hoặc đình làng theo những nghi thức, phong tục truyền thống của địa phương. Sau lễ mừng thọ chung, con cháu các cụ về tổ chức mừng thọ tại gia đình.

Toàn Thị xã hiện có gần 17.000 người cao tuổi. Nhân dịp đầu xuân Ất Mùi 2015, Hội Người cao tuổi Thị xã phối hợp với các cấp chính quyền chuẩn bị chu đáo việc tổ chức chúc thọ, mừng thọ cho 2.084 người cao tuổi theo quy định. Trong đó có 2.060 cụ tuổi từ 70, 75, 80, 85, 90, 95, 100 và 24 cụ trên 100 tuổi. Lễ mừng thọ được tổ chức trang trọng, thể hiện sự quan tâm, kính trọng đối với người cao tuổi. Ban đại diện Hội Người cao tuổi Thị xã, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, mặt trận tổ quốc cơ sở đến dự, động viên, chúc mừng các cụ. Tại các lễ mừng thọ đều tổ chức chương trình biểu diễn văn nghệ, đọc thơ của người cao tuổi... Lễ chúc thọ, mừng thọ đã trở thành hoạt động văn hóa có ý nghĩa giáo dục thế hệ trẻ kính lão, trọng thọ. Không chỉ tổ chức trang trọng lễ mừng thọ cho các cụ, các cấp chính quyền và trực tiếp là Hội Người cao tuổi Thị xã còn có nhiều hoạt động thiết thực chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi như: tổ chức khám chữa bệnh cho người cao tuổi, xây dựng các điểm luyện tập thể dục thể thao, thành lập câu lạc bộ của người cao tuổi để các cụ tham gia sinh hoạt, động viên người cao tuổi "sống vui, sống khỏe, sống có ích".

Mừng thọ người cao tuổi đầu năm đã trở thành nét văn hóa kính già, trọng lão trong đạo lý sống của người dân Việt Nam. Truyền thống tốt đẹp đó đã và đang nhân lên những giá trị tinh thần quý báu, mang ý nghĩa thiết thực và tính nhân văn sâu sắc nhằm phát huy vai trò "cây cao bóng cả" của người cao tuổi trong gia đình và toàn xã hội.