tin từ các đơn vị

Đầu xuân hái lộc cầu may.
Publish date 18/02/2015 | 00:00  | View count: 5321

Hái lộc xuân là nét văn hóa đẹp của người Việt Nam. Trong thời khắc sau giao thừa, thời khắc tinh khôi mở đầu một năm mới, khi vạn vật như giao hòa cùng đất trời thì việc hái lộc về nhà là điều mà nhiều người rất thích. Đó là quan niệm mong muốn mang về những điều tốt đẹp với ý nghĩa "Tống cố, nghinh tân”, xua đi những điều không may mắn trong năm cũ, mong những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới…

Tết cổ truyền của dân tộc ta có những phong tục độc đáo như: Tục xông đất đầu năm; đi chúc tết họ hàng, bạn bè, làng xóm, du xuân xin chữ… đặc biệt là tục hái lộc xuân với hy vọng năm tới có nhiều tài, lộc đến với gia đình mình. Lộc ở đây chính là những cành lá, cành cây tươi tốt, xanh non; lộc tượng trưng cho những gì mới được hình thành, đó là những mầm non mới được nhú lên hứa hẹn rất nhiều điều kỳ diệu, con người nhìn vào có thể thấy được tương lai tốt đẹp phía trước mà cố gắng phấn đấu và lộc thường được hái vào thời điểm sớm nhất của năm mới.

Hái lộc đầu xuân - nét đẹp văn hóa của người Việt càng đẹp hơn khi được thay đổi cách hiểu và cách làm.

Hái lộc xuân là nét văn hóa đẹp của người Việt Nam. Trong thời khắc sau giao thừa, thời khắc tinh khôi mở đầu một năm mới, khi vạn vật như giao hòa cùng đất trời thì việc hái lộc về nhà là điều mà nhiều người rất thích. Đó là quan niệm mong muốn mang về những điều tốt đẹp với ý nghĩa "Tống cố, nghinh tân", xua đi những điều không may mắn trong năm cũ, mong những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới… Vì thế đầu xuân năm mới mọi người thường đến những nơi linh thiêng như đình, chùa, đền hay những nơi thanh tao để hái lộc xuân mang về để ở những nơi trang trọng nhất.

Nhận thức và quan niệm của một số người dân thì phong tục hái lộc xuân bị hiểu sai, dẫn đến tình trạng nhiều người thi nhau hái theo kiểu ''vặt trụi" rồi trèo lên cây hái những cành lộc thật to lớn, quan niệm hái được cành lộc càng to thì tài lộc đến càng nhiều…Vì vậy, những cây xanh tốt trong chốn thâm nghiêm đình, chùa đặc biệt là ở những thành phố lớn, chỉ sau đêm giao thừa, cây cối đã trở nên xơ xác, tàn trụi và gẫy nát, thật không hay chút nào! Nhiều nơi để hạn chế người dân đi hái lộc, chính quyền phải huy động lực lượng an ninh đứng tại khu vực có cây xanh để tuyên truyền khách du xuân không nên hái lộc một cách bừa bãi.

Giữa mùa xuân, trong không khí náo nức, rộn ràng của đất trời và lòng người, vạn vật, hoa cỏ đang khoe sắc, đua hương, mọi người đều mong muốn cầu chúc cho nhau năm mới với nhiều niềm vui, may mắn và tài lộc. Vì vậy, chúng ta nên để cho những cành lộc non được nảy chồi, vươn mình trong tiết trời mùa xuân. Lúc sinh thời Bác Hồ từng nói: ''Mùa xuân là tết trồng cây/ làm cho đất nước càng ngày càng xuân". Học theo lời Bác chúng ta cần thay đổi lại cách hái lộc xuân như hiện nay, thay vào đó hãy trồng thật nhiều cây xanh hơn nữa, như vậy mùa xuân càng trở nên ý nghĩa và vui tươi.

Hái lộc là phong tục ngàn đời của dân tộc ta, là nét văn hóa truyền thống không dễ gì bỏ được nhưng chúng ta cần thay đổi cách hiểu, cách làm và những quan niệm sai lệch về việc hái lộc đầu năm mới, để mùa xuân mãi là mùa sinh sôi của vạn vật, mùa của những sức sống bất diệt, có như vậy niềm vui sẽ càng thêm trọn vẹn hơn trong mỗi dịp tết đến, xuân về./.