tin từ các đơn vị

Sơn Tây tăng cường bảo vệ cây trồng, vật nuôi vụ đông năm 2023
Publish date 17/11/2023 | 09:39  | View count: 186

Vụ đông hàng năm dù không phải là vụ sản xuất được đặt nhiều kỳ vọng do thời tiết bất thường, song thị xã Sơn Tây luôn quan tâm chỉ đạo các HTX khuyến khích người dân gieo trồng đa dạng cây trồng, tăng cường bảo vệ đàn vật nuôi nhằm đáp ứng nhu cầu tại chỗ và nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích.

Nông dân phường Viên Sơn chăm sóc cây màu vụ đông 

Vụ đông năm 2023, toàn thị xã phấn đấu gieo trồng 648,3 ha cây màu chủ yếu là các giống ngắn ngày. Trong đó: Cây ngô 168 ha; cây lạc 4 ha;  rau các loại 119,9 ha; cây khoai lang 6 ha… Ngành nông nghiệp khuyến cáo đối với cây màu không gieo trồng khi thời tiết rét đậm, rét hại. Để đảm bảo thời vụ gieo trồng có thể tiến hành gieo bầu, gieo khay đối với một số loại như: Dưa lê, bầu, bí..nhằm thuận tiện cho việc chăm sóc, che phủ chống rét. Thực hiện tưới đủ ấm, bón thêm phân, kali, phân lân, tro bếp kết hợp với ủ gốc bằng mùn, rơm, rạ…để giữ ẩm, giữ ấm cho cây. Đối với nhóm rau ăn lá nên che phủ bằng nilon  màu trắng để chống mưa rét và tạo điều kiện cho cây phát triển thuận lợi. Những ngày có sương muối giá buốt dùng thùng ô doa hay vòi bơm tưới, phun nước trên mặt lá làm rụng, tan hạt sương tránh hiện tượng cháy lá khi có ánh nắng xuyên qua…Khi thời tiết ấm lên bón bổ sung phân NPK, phân hữu cơ, phân bón qua lá, phân vi lượng…theo hướng dẫn của nhà sản xuất để tăng khả năng hồi phục cho cây. Cùng với đó, bà con cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sâu bệnh hại ngay từ đầu vụ và có biện pháp tổ chức phòng trừ kịp thời, không để lây lan thành dịch. Chủ động triển khai thực hiện tốt chiến dịch nạo vét kênh mương và tu sửa các công trình thuỷ lợi được giao quản lý, xây dựng phương án chống hạn đảm bảo cung cấp đủ nước tưới cho vụ đông xuân 2023-2024.

Nông dân chăm sóc đàn bò sữa tại xã Kim Sơn 

Về chăn nuôi, thủy sản, hiện toàn thị xã có tổng đàn trâu bò 6.231 con; đàn lợn là 45.399 con, đàn gia cầm có 676.500 con. Từ đầu năm đến nay,  không xảy ra dịch với các bệnh tai xanh, tả lợn châu Phi, lở mồm long móng...Công tác tiêm phòng được triển khai kịp thời, đúng tiến độ, tỷ lệ tiêm phòng các loại vắc xin hỗ trợ đều đạt gần 90% kế hoạch...Hiện bà con nông dân các xã, phường có sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đang đẩy nhanh công tác tái đàn gia súc, gia cầm phục vụ thị trường Tết Nguyên đán sắp tới. Tuy nhiên, thời tiết chuyển sang mùa đông làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, lưu lượng vận chuyển gia súc, gia cầm dịp cuối năm thường lớn...gây nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh. Để hạn chế dịch bệnh gia súc, gia cầm bùng phát vào dịp cuối năm, bảo đảm nguồn cung thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, các địa phương cần đẩy mạnh tiêm phòng các loại vắc xin cho từ 80% tổng đàn trở lên, tạo miễn dịch cho đàn gia súc, gia cầm. Cùng với đó, thực hiện tẩy uế môi trường, xử lý mầm bệnh ở các cơ sở chăn nuôi; thực hiện tốt việc giám sát dịch bệnh; chỉ đạo mạng lưới thú y cơ sở quản lý tốt hoạt động chăn nuôi ngay từ thôn, xóm. Yêu cầu người dân thực hiện tốt “5 không” (không giấu dịch; không vứt xác động vật chết ra môi trường; không bán chạy, mua bán gia súc bệnh, nghi mắc bệnh; không sử dụng sản phẩm động vật nghi mắc bệnh, không rõ nguồn gốc; không sử dụng thức ăn thừa, chưa qua xử lý nhiệt). Đối với việc bảo vệ đàn vật nuôi tuyệt đối không chăn thả rông gia súc trong những ngày rét đậm, rét hại. Che chắn chuồng trại, sử dụng những vật liệu có sẵn như bạt, phên nứa, bao tải... để che chắn tránh gió lùa, mưa hắt; tránh để nền trại ẩm ướt, lầy lội (sử dụng rơm, cỏ, lá chuối khô, bẹ ngô… khô để lót nền chuồng). Chủ động dự trữ thức ăn thô xanh (rơm rạ, cỏ khô, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp…) từ trước và cung cấp thức ăn, nước uống đầy đủ; cần bổ sung thức ăn tinh (ngô, sắn, cám gạo…), muối khoáng, vitamin, cho uống nước ấm, thực hiện các biện pháp chăm sóc, nuôi dưỡng theo hướng dẫn của cơ quan thú y, khuyến nông để tăng cường sức đề kháng cho đàn gia súc, gia cầm./.

 

                         Phan Thanh