tin từ các đơn vị

Sơn Tây tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn lực thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”
Publish date 29/11/2023 | 09:28  | View count: 203

Ngày 29/11, Văn phòng điều phối nông thôn mới thị xã tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn lực thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (gọi tắt là chương trình OCOP) trên địa bàn năm 2023.

Các đại biểu tiếp thu nội dung tập huấn, bồi dưỡng

Chương trình OCOP của thị xã Sơn Tây được triển khai thực hiện từ năm 2019. Đây là chương trình hiệu quả, thiết thực đối với người dân, là nội dung cốt lõi trong chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao góp phần đưa những sản phẩm đặc trưng, có tiềm năng, thế mạnh của thị xã đến với thị trường tiêu thụ ngoài địa bàn thành phố. Mục tiêu của chương trình là phát triển nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương. Với sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy đảng, chính quyền, sự hưởng ứng nhiệt tình tham gia của tổ chức, cá nhân,  đến nay, thị xã Sơn Tây có 89 sản phẩm của 14 chủ thể hợp tác xã, công ty, hộ kinh doanh được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đạt 3 sao, 4 sao, thuộc các nhóm ngành hàng thực phẩm, thủ công mỹ nghệ, trang trí. Từ nay đến năm 2025, thị xã phấn đấu đánh giá, phân hạng khoảng 120 sản phẩm, trong đó có 90 sản phẩm mới, 30 sản phẩm đánh giá lại do hết hạn giấy chứng nhận đạt 3 sao trở lên; 35-40 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao, 1 sản phẩm đạt 5 sao và ưu tiên hỗ trợ các sản phẩm đăng ký dự thi nâng hạng 4 sao, 5 sao...; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm OCOP; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng hợp tác sản xuất, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản và sản phẩm làng nghề.

Tại hội nghị, các đại biểu được nghe đồng chí Đồng Thị Thanh – Giảng viên Trường Đại học Lâm nghiệp giới thiệu tổng quan về chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025; một số nội dung nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả sản phẩm OCOP; phát triển vùng nguyên liệu, quản lý chất lượng an toàn thực phẩm, chuỗi giá trị, sở hữu trí tuệ, phát triển mẫu mã sản phẩm, bao bì đóng gói sản phẩm OCOP; phổ biến một số văn bản chính sách của Trung ương và thành phố liên quan đến chương trình OCOP…

Thông qua lớp bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực hỗ trợ, tư vấn trực tiếp cho các hộ sản xuất kinh doanh, tổ chức kinh tế trên địa bàn thị xã tham gia chương trình OCOP. Qua đó, phát triển các sản phẩm truyền thống, sản phẩm dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn (đạt sao) có khả năng cạnh tranh trên thị trường; lựa chọn sản phẩm tiêu biểu, có tiềm năng phát triển thành hàng hóa chất lượng cao, từ đó xây dựng kế hoạch thực hiện và phát triển cho sản phẩm, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững./.

         Phan Thanh