tin quốc tế

Hội nghị Thượng đỉnh "Đối tác phương Đông": Không có đột phá
Ngày đăng 23/05/2015 | 00:00  | View count: 4445

(HNM) - Trong hai ngày (21 và 22-5), Hội nghị Thượng đỉnh "Đối tác phương Đông" với sự tham gia của các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EU) và 6 nước thuộc Liên Xô trước đây (gồm: Ukraine, Gruzia, Armenia, Azerbaijan, Moldova và Belarus) đã diễn ra tại thủ đô Riga (Latvia).

Tuy nhiên, đúng như dự đoán của nhiều nhà phân tích, hội nghị đã kết thúc mà không có bước đột phá nào. Dẫu vậy, hội nghị đủ cho thấy, "Đối tác phương Đông" luôn là một trong những ưu tiên chiến lược trong tham vọng mở rộng tầm ảnh hưởng của EU kể từ năm 2009, nhằm lôi kéo thành viên Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) ra khỏi quỹ đạo Nga. Nếu hoạt động hiệu quả, "Đối tác phương Đông" được cho là sẽ hoàn toàn phá vỡ ý tưởng của Mátxcơva về không gian kinh tế thống nhất trong liên minh Á - Âu. Tuy nhiên, sau biến cố cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych từ chối ký hiệp định liên kết với EU tại Hội nghị Thượng đỉnh năm 2013 tổ chức ở Vilnius (Litva) và xung đột bùng nổ tại Ukraine cùng sự can thiệp của các bên liên quan đã khiến tình hình hoàn toàn thay đổi.




Trên thực tế, cuộc gặp thượng đỉnh này không liên quan trực tiếp đến Nga, nhưng Mátxcơva vẫn có tầm ảnh hưởng đáng kể dù không phải là một bên tại hội nghị, mà rõ ràng còn đủ sức tác động mạnh đến lập trường của mỗi bên. Điều này được thể hiện qua việc Belarus và Armenia đã từ chối ký vào tuyên bố chung của hội nghị do không đồng ý với cụm từ "Nga thôn tính Crimea" trong văn kiện. Như vậy, bản tuyên bố chung, trên thực tế sẽ trở thành "tuyên bố riêng" và cụm từ trên sẽ vẫn được giữ nguyên, song nêu rõ các quan điểm phản đối của từng nước. Nhóm các nước như Latvia - quốc gia chủ nhà và các láng giềng vùng Baltich muốn theo đuổi một chính sách quyết liệt hơn với Nga. Thế nhưng, với kinh nghiệm lịch sử, các liên hệ kinh tế sống còn và truyền thống đoàn kết lâu đời, nhiều quốc gia khác đã lựa chọn không muốn va chạm với Mátxcơva. Điều này thể hiện sự chia rẽ trong chính sách đối với nước Nga của các quốc gia trong không gian hậu Xô Viết.

Ngay như vấn đề trọng tâm của hội nghị là triển vọng trở thành thành viên EU của 6 nước "Đối tác phương Đông" cũng khiến nhiều quốc gia phải thất vọng. Trước đó, Gruzia và Ukraine đã tuyên bố đầy tự tin về thời hạn được miễn thị thực với EU - đồng nghĩa với việc công dân hai nước sẽ bình đẳng với công dân EU trên phương diện thị thực - nhưng cả hai đã mừng hụt khi hội nghị nhất trí chưa cấp quy chế miễn thị thực, chưa công nhận "triển vọng Châu Âu" của hai nước ở giai đoạn này. Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker tỏ thái độ rõ ràng: Trong vòng 5 năm tới, sẽ không có bất cứ một đơn đề nghị gia nhập nào được xem xét. Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng nhất trí rằng "Đối tác phương Đông" không phải là công cụ để mở rộng EU mà sẽ chỉ để giúp các quốc gia xích lại gần hơn với tổ chức này.

Trên thực tế, an ninh và trật tự xã hội luôn là lý do hàng đầu cho những hạn chế về tự do đi lại giữa EU với các nước Đông Âu. Đặc biệt, trong bối cảnh xảy ra nhiều đe dọa về an ninh tại một số nước và dòng người nhập cư bất hợp pháp từ nhiều nơi đang đổ về EU. Hơn nữa là trong bối cảnh Ukraine còn chưa ổn định thì nguy cơ những phần tử gây bất ổn tự do đi sang các quốc gia Châu Âu khác là rất cao. Những lý do đó khiến EU dĩ nhiên phải quan ngại và ngăn chặn điều này trước khi phải nói lời hối tiếc. Rõ ràng, đi kèm với miễn thị thực là những đòi hỏi nghiêm ngặt về bảo đảm an ninh, kiểm soát dòng người di cư và thêm cả vấn đề việc làm. Bởi rất nhiều công dân từ các nước Đông Âu tràn về các nước có nền kinh tế phát triển trong EU chủ yếu là để tìm kiếm cơ hội việc làm để đổi đời. Nhận thức này làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp với công dân các nước sở tại. Ngay cả Bulgaria và Romania đã gia nhập EU từ năm 2007 mà tới nay vẫn chưa được hưởng quy chế đi lại tự do nội khối vì chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn về an ninh, kinh tế của EU.

"Điểm sáng" duy nhất tại hội nghị được cho là sự đồng thuận về việc xây dựng hành lang khí đốt phía Nam, nối EU với khu vực Caspi vòng tránh lãnh thổ Nga, ủng hộ cho phép Ukraine nhập ngược khí đốt (của Nga) từ Ba Lan, Hungary và Slovakia. Các thành viên dự hội nghị cũng nhất trí xây dựng hệ thống tải điện và tuyến đường ống khí đốt nối liền trong nội khối EU cũng như nối EU với các nước "Đối tác phương Đông". Về kinh tế, EU tuyên bố khởi động cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Gruzia, Moldova và Ukraine trong khuôn khổ khu vực thương mại tự do với EU. Tuy nhiên, để hiện thực hóa những đồng thuận vừa đạt, các bên liên quan tới chương trình "Đối tác phương Đông" còn phải trải qua nhiều cuộc đàm phán được dự kiến là chưa biết kết quả sẽ đi tới đâu.