Tin tức - Sự kiện

Từ hôm nay đồng loạt áp viện phí mới
Ngày đăng 01/08/2012 | 00:00  | View count: 628

– Từ hôm nay (1/8), nhiều địa phương trên cả nước sẽ bắt đầu áp giá viện phí mới trong thanh toán khám chữa bệnh. Các cơ quan quản lý cho biết sẽ giám sát chặt chẽ việc áp giá viện phí mới, tránh tình trạng tăng giá tràn lan và lạm dụng dịch vụ. >> Dùng 'tiểu xảo' để duyệt viện phí mức cao >> Lùi thời hạn áp viện phí mới do mức giá quá cao >> Tỉnh nghèo thu viện phí cao: Dân không dám ốm! >> Bắt đầu áp giá viện phí mới

Đồng loạt áp viện phí mới

Theo ông Nguyễn Nam Liên, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế), trong thời điểm các bệnh viện trực thuộc Bộ Xây dựng và trình khung giá viện phí mới, Bộ Y tế đã thành lập tổ thẩm định giá (gồm 16 người, trong đó có 3 người của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, 2 người thuộc Bộ tài chính, 11 người thuộc các Vụ, Cục có liên quan của Bộ Y tế).

Tổ thẩm định này có nhiệm vụ thẩm định, trình Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định mức thu của các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và các Bộ, ngành.

Từ ngày 1/8, nhiều địa phương trên cả nước sẽ bắt đầu áp giá viện phí mới trong thanh toán khám chữa bệnh (Ảnh: Cẩm Quyên)

Tính đến thời điểm này, đã có 22/38 bệnh viện (chưa tính các bệnh viện thuộc các trường, các cơ sở thuộc các Bộ, ngành khác mà theo luật Khám chữa bệnh Bộ Y tế phải quy định giá) đã được thẩm định xong giá viện phí.

Ngoài ra, có 5 bệnh viện đã hoàn chỉnh lại bảng giá trên cơ sở ý kiến góp ý của Tổ thẩm định và Bộ Y tế đã ký quyết định ban hành giá viện phí mới, gồm: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, bệnh viện K, Bệnh viện Việt Nam Thụy Điển Uông Bí và Viện huyết học truyền máu Trung ương.

Đây đều là các bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I nên mức giá trung bình khoảng 95-96% mức tối đa của khung giá.

Theo thông tin từ BHXH Việt Nam, từ 1/8 tới đây, có ít nhất 33 tỉnh thành (ngoại trừ Bắc Ninh đã áp dụng từ tháng 6) sẽ bắt đầu áp giá viện phí mới, trong đó có những tỉnh điều kiện kinh tế xã hội còn hạn chế nhưng được HĐND phê duyệt ở mức cao như Ninh Thuận 91% khung, Đồng Tháp 93% khung, Cao Bằng 93% khung.

Đại đa số các tỉnh khác phê duyệt viện phí ở mức trên dưới 80% khung giá do liên Bộ Y tế - Tài chính ban hành.

Ngoài ra, một số tỉnh, thành phố dù đã xây dựng xong khung viện phí mới nhưng HĐND quyết định chưa xem xét phê duyệt ngay mà lùi đến tháng 12/2012. Đến thời điểm này các địa phương như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Bình Thuận, Tây Ninh, Tiền Giang, Vĩnh Phúc, Thừa Thiên - Huế... giá viện phí mới vẫn chưa được thực hiện.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương khác như Lào Cai, Quảng Trị, … vẫn đang phải xem xét lại khung giá do khung giá trình trước đó quá cao.

Giám sát chặt chẽ


Theo ông Nguyễn Nam Liên, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế), việc điều chỉnh viện phí lần này sẽ được giám sát chặt chẽ.

Trong quá trình thực hiện giá viện phí mới, Bộ Y tế sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiến hành thanh, kiểm tra. Bệnh viện nào cung cấp chất lượng dịch vụ không tương xứng với giá đã điều chỉnh sẽ bị yêu cầu hạ giá xuống.

Việc thực hiện giá viện phí mới sẽ được giám sát chặt chẽ (Ảnh: Cẩm Quyên)

Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT - BHXH Việt Nam cho biết khi thực hiện giá viện phí mới, người bệnh BHYT sẽ không bị thu thêm bất kì khoản tiền nào và phía BHXH sẽ thiết lập đường dây nóng để người bệnh có kênh phản ánh chính thức.

Ngoài ra, theo ông Lê Văn Phúc, trưởng phòng Chế độ bảo hiểm y tế (Ban Thực hiện chính sách, BHXH Việt Nam) thì việc giám sát sử dụng các dịch vụ y tế, tránh tình trạng lạm dụng gây vỡ quỹ BHYT sẽ được thực hiện sát sao, chặt chẽ, đặc biệt là tại những địa phương phê duyệt ở mức trên 90% của khung do liên bộ ban hành.

Hiện nay, lãnh đạo BHXH VN đã có văn bản gửi các địa phương có giá phê duyệt cao đề nghị thực hiên theo lộ trình chứ không áp ngay giá cao đồng loạt với tất cả các dịch vụ, kỹ thuật.

Tỉnh nghèo đề xuất viện phí cao: Phù hợp nếu vẫn trong khung

Trước thực tế các tỉnh nghèo muốn thu viện phí cao, ông Nguyễn Nam Liên, Phó Vụ trưởng Vụ kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) cho rằng HĐND các địa phương quy định mức giá dịch vụ y tế ại địa phương trên cơ sỏ cơ cấu giá theo hướng dẫn của Bộ Y tế, tình hình thực tế về chi phí của các dịch vụ và không được vượt mức tối đa khung giá do Liên bộ quy định tại Thông tư 04 là phù hợp với các quy định hiện hành.

Theo ông Liên, nếu các địa phương đã ban hành định mức, xây dựng cơ cấu giá, có đề xuất mức giá trung bình khoảng 80-90% mức tối đa của từng loại giá do liên bộ ban hành thì cũng là phù hợp.

Bởi, với bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I, giá khám bệnh là 20.000 đồng. Nhưng với bệnh viện hạng II, giá khám bệnh cao nhất là 15.000 đồng, bằng 80% của bệnh viện hạng I, hạng đặc biệt. Bệnh viện hạng III có giá khám bệnh chỉ bằng 50%, bệnh viện hạng IV có giá khám bệnh bằng 35% giá khám bệnh của bệnh viện hạng I, hạng đặc biệt.

Ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội: Rà soát kỹ cách tính giá để tránh những điểm bất hợp lý

Ông Tiên cho rằng việc các tỉnh nghèo phê duyệt giá viện phí được đánh giá ở mức cao hay thấp cần được xem xét công bằng, thấu đáo. Bởi chi phí để vận chuyển hóa chất, vật tư lên vùng cao, vùng khó khăn nhiều khi còn cao hơn ở khu vực đồng bằng, khiến chi phí khám chữa bệnh ở vùng khó khăn cao hơn vùng đồng bằng.

Theo ông Tiên, trong vài năm qua, nhiều địa phương kết dư quỹ BHYT với số lượng lớn do người dân không đến khám chữa bệnh vì điều kiện đi lại khó khăn. Số quỹ dư thừa này lại được chuyển về cho vùng xuôi – nơi thường bị bội chi, tạo tình trạng bao cấp ngược.

Vì thế, theo quan điểm của mình, ông Tiên cho rằng nếu cách tính của viện tuyến dưới là chính xác, khoa học mà cho ra kết quả là thu ở mức cao thì cũng nên ủng hộ để họ có thêm điều kiện cải tạo cơ sở vật chất, tổ chức công tác khám chữa bệnh lưu động, đưa dịch vụ y tế đến gần với bà con vùng sâu, vùng xa hơn.

"Những nơi cần xem xét nhất là những nơi vốn đã âm quỹ nặng nhưng lại đề xuất mức giá cao", ông Tiên lưu ý.

Cẩm Quyên