Tin tức - Sự kiện

Về Đường Lâm nghe kể về huyền thoại Bà Chúa Mía
Ngày đăng 20/03/2019 | 10:04  | View count: 4790

Đến thăm Làng cổ ở Đường Lâm, ngoài việc tham quan tìm hiểu các di tích văn hóa lịch sử, phong tục tập quán của một làng quê thuần Việt, du khách sẽ được nghe kể về huyền thoại bà Chúa Mía - một vị Thánh mẫu được nhân dân trong vùng tôn thờ.

Chùa Mía - nơi gắn với huyền thoại về Bà Chúa Mía

Huyền tích về bà chúa Mía ở vùng đất Đường Lâm có đôi nét giống với câu chuyện của Nguyên phi Ỷ Lan thời Lý. Theo dân gian kể lại, bà Chúa Mía tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Dong, còn có tên khác là Ngọc Dao hay Ngọc Diệu là người làng Nam Nguyễn nay thuộc thôn Đông Sàng – xã Đường Lâm. Bà là người sắc nước hương trời, có tài văn thơ. Năm 1630 khi chúa Trịnh Tráng ngược dòng sông Hồng về các địa phương để phân bổ quan lại khi đi ngang qua vùng Đường Lâm, dân chúng trong vùng ùa ra chào đón duy chỉ có một cô gái vẫn vẫn chăm chỉ cầm liềm cắt cỏ và hát câu ca rằng:

                               “Tay cầm bán nguyệt xênh xang,

                              nửa lo việc nước nửa toan việc nhà”

Chúa Trịnh Tráng khi nghe thấy vậy cho rằng đây là người con gái thôn quê nhưng trong câu ca lại có hàm ý trị vì dân vì nước. Vì vậy ông đã cho đón bà vào cung và trở thành cung phi được chúa Trịnh Tráng sủng ái nhất. Bà ở trong phủ chúa Trịnh Tráng từ năm 1632 – 1657. Năm 1632 bà về thăm quê hương nhìn thấy cảnh chùa chiền điêu tàn bà đã dùng chính số tiền của mình có được trong phủ Trịnh Tráng và vận động các thiện nam tín nữ các làng Đông Sàng, Mông Phụ, Cam Thịnh… hưng công cùng nhau tôn tạo lại chùa. Vì các làng đó thuộc tổng Mía, cũng là quê hương của Cung phi cho nên nhân dân trong vùng đã lấy tên chùa là chùa Mía, đồng thời tôn sùng bà là “Bà Chúa Mía”. Bà cũng là người lập nên chợ Mía, bến phà Hà Tân khai thông buôn bán vùng ven sông Hồng. Dân gian còn tương truyền lại câu ca “Tiền Bà Chúa, lúa Đông Lâu” không phải chỉ ca ngợi Bà Chúa Mía nhiều tiền như thóc lúa mà còn ca ngợi số tiền công đức mà Bà đã bỏ ra xây dựng quê hương. Mến mộ uy đức của bà, nhân dân trong vùng đã cho tạc tượng đưa vào phối thờ ở trong chùa Mía và cũng có một đền Phủ thờ riêng. Bà Chúa Mía dần trở thành một vị Thánh Mẫu được dân chúng trong vùng kính nể, thôn thờ. Có lẽ chính vì thể mà trải qua nhiều thăng trầm cùng thời gian và lịch sử, chùa Mía và đền Phủ vẫn còn nguyên vẹn và là địa chỉ linh thiêng của người dân Đường Lâm và du khách gần xa.

Sau gần 4 thế kỷ tồn tại, chùa Mía - Sùng Nghiêm Tự là một trong những ngôi chùa cổ lớn nhất và đẹp nhất của xứ Đoài nói riêng và Việt Nam nói chung.  Trong chùa, hiện còn lưu giữ 287 pho tượng lớn nhỏ, gồm 6 tượng đồng, 107 tượng gỗ và 174 tượng đất. Cùng với hệ thống các pho tượng lớn nhỏ thể hiện tính nghệ thuật cao, sự khéo léo, tài hoa của những người thợ xưa, Ban thờ bà Chúa Mía cũng là một ban thờ khá quan trọng trong chùa. Du khách đến với chùa Mía để được hoà mình vào cõi linh thiêng với những huyền tích rất ly kỳ để thấy tâm hồn nhẹ nhõm trong sáng hơn nơi mảnh đất nghìn năm văn hiến.

Đền Phủ - thôn Đông Sàng - xã Đường Lâm

Rời chùa Mía, du khách đi bộ khoảng 300m là tới Đền Phủ hay còn gọi là Đền Mẫu. Đền nằm trên một gò đất cao ở ngay giữa xóm Phủ - vốn là nơi ở của gia đình Bà Chúa Mía khi xưa (Có người cho rằng cái tên Phủ cũng chính là chỉ vào Phủ Chúa, nơi ở của Bà). Đền được xây dựng vào năm Lê Cảnh Hưng năm 1776. Nguyên lúc đầu được kiến trúc thành hai lớp kiểu nhà chữ Nhị, lớp trong là hậu đường dùng làm nơi thờ tự, lớp ngoài là tiền đường dùng làm nơi lễ bái và hội họp. Về sau, vào năm Tự Đức thứ năm 1852 mới sửa chữa lại phía trong, làm thêm chuôi vồ tạo thành hình chữ Công, xây thêm cột trụ, tường hoa và đắp rồng phượng như hiện nay. Tại gian giữa của tiền đường có bức hoành phi đề 4 chữ “Tây cung Vương mẫu” cùng nhiều câu đối sơn son thiếp vàng. Trong hậu cung còn lưu giữ được nhiều đồ tế khí quý giá cùng những bức phù điêu voi quỳ ngựa phục xung quanh tường. Trước cửa đền có 2 giếng nước tục gọi là Mắt Rồng. Nơi đây vẫn còn cả dấu tích của một con ngòi nối liền từ của đền ra sông Cái, được gọi là vòi Rồng để tiện cho thuyền Chúa Thanh Đô vương Trịnh Tráng khi xưa có thể đi thuyền từ Kinh đô Thăng Long về tận Tây cung thăm Bà chúa Mía. Lễ hội đền phủ bà Chùa Mía được tổ chức vào ngày 30 – 12 âm lịch hàng năm hay còn gọi là lễ trừ tịch.

Đến với Chùa Mía và đền Phủ, du khách sẽ thấy lòng thảnh thơi, xua tan đi những lo toan bộn bề và được cúi đầu nghiêng mình trước đức Phật, tưởng nhớ công lao của bà Chúa Mía, gột đi những bụi trần, làm thêm nhiều điều tốt. Đó chính là nét đẹp của văn hoá, tôn giáo phương Đông, văn hóa Việt Nam mà xứ Đoài là nơi gìn giữ, hội tụ và tỏa sáng./.

 

                      Phan Thanh