Tin tức - Sự kiện

Thám hoa Giang Văn Minh – sứ giả kiên cường trên mặt trận đối ngoại
Ngày đăng 04/07/2019 | 08:24  | View count: 14052

Làng cổ Đường lâm được mệnh danh là vùng đất “Địa linh nhân kiệt ”, nơi sản sinh ra những vị anh hùng dân tộc, danh nhân, khoa bảng, hiền tài. Họ là những người đã có đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc. Thám hoa Giang Văn Minh - vị sứ thần tài ba là một trong những người con ưu tú ấy của quê hương Đường Lâm.

Nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh tại xã Đường Lâm

Giang Văn Minh sinh năm 1573 tại Ấp Mông Phụ. Ông thi đỗ Thám hoa khoá Mậu Thìn, đời Vua Lê Thần Tông năm 1628. Khoa thi này không có người đỗ danh hiệu Trạng nguyên hay Bảng nhãn chỉ có danh hiệu Thám hoa. Ông là người học rộng, tài cao, là nhà ngoại giao uyên bác, khảng khái, dũng cảm. Năm 1637, Vua Lê cử Thám hoa Giang Văn Minh đi sứ Trung Hoa. Khi vào yết kiến, Vua Minh có ý thử tài sứ thần nước Việt nên ra một vế đối: “Đồng trụ chí kim đài dĩ lục” (Dịch nghĩa: Cột đồng đến nay đã phủ kín rêu phong). Vế đối của Vua Minh có ý ngạo mạn, nhắc đến việc Mã Viện xưa sang xâm lược nước ta, sau khi đàn áp cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã cho dựng cột đồng khắc 6 chữ “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt” (nghĩa là: cột đồng mà gãy thì dân Giao Chỉ diệt vong) như một lời nguyền nhân dân ta.

Nghe xong, mặc dù Thám hoa Giang Văn Minh rất căm giận nhưng ông vẫn bình tĩnh đối lại: “Đằng giang tự cổ huyết do hồng” (Dịch nghĩa: Sông Bạch Đằng từ ngàn xưa máu vẫn còn đỏ). Vế đối đanh thép, tỏ rõ khí phách anh hùng và lòng tự hào dân tộc, nhắc cho Vua Minh nhớ lại ba lần sông Bạch Đằng nhuốm máu quân xâm lược phương Bắc: Chiến thắng quân Nam Hán của Ngô Quyền (năm 938), chiến thắng quân Tống của Lê Đại Hành (năm 981) và chiến thắng quân Nguyên Mông của Trần Hưng Đạo (năm 1288).

Tưởng làm nhục được sứ thần nước Việt, ngờ đâu bị Giang Văn Minh làm nhục. Bất chấp luật lệ bang giao, vua Minh đã hèn hạ sai quân lính mổ bụng ông xem “Sứ thần An Nam to gan lớn mật thế nào”.  Sau khi giết hại ông, vua Minh lại khen ông là người tiết tháo, bèn sai lấy thủy ngân ướp xác, cho ngậm nhân sâm và cho vào quan tài đóng kín giao cho phái bộ nước Nam chuyển thi hài ông về nước. Được tin Thám hoa Giang Văn Minh chết một cách anh dũng, Vua Lê và Chúa Trịnh vô cùng thương tiếc. Đích thân vua đã về quê ông dự lễ an táng và tặng ông mấy chữ: Sứ bất nhục quân mệnh, khả vi thiên cổ anh hùng có nghĩa là “Đi sứ mà chẳng làm nhục mệnh vua, xứng đáng là bậc anh hùng thiên cổ” và truy phong cho ông chức “Công bộ Tả thị lang,  tước Vinh quận công”.

Mộ Thám hoa Giang Văn Minh tại xứ đồng Gò Đống - xã Đường Lâm

Hiện nay, ngôi mộ của Thám hoa Giang Văn Minh vẫn được họ tộc chăm chút cẩn thận tại xứ đồng Gò Đống - thôn Mông Phụ, được xây bệ gạch tay ngai, xung quanh có tường hoa bảo vệ. Còn ngôi quán, nơi làm lễ an táng ông, được nhân dân địa phương gọi là quán Giang để ghi nhớ sự tích của vị sứ thần khảng khái đã làm vẻ vang cho đất nước.  Năm 1845, nhân dân trong vùng lập nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh để tưởng nhớ công lao của ông. Đây là một trong những di tích lịch sử được nhiều du khách đến tham quan, tìm hiểu mỗi khi tới thăm Làng cổ ở Đường Lâm.

Khu nhà thờ có diện tích khoảng 400 m2, được kiến trúc theo kiểu chữ nhị gồm tiền đường và hậu đường. Các tòa nhà đều xây gạch, lợp ngói cổ; phần mái bằng gỗ bào trơn, đóng bén, không trạm khắc cầu kỳ. Cổng nhà thờ kiểu mặt bia, xây bằng gạch, trên đắp nổi dòng chữ Hán “Giang Thám hoa công từ” (Nhà thờ Công bộ Tả thị lang Thám hoa Giang Văn Minh). Hậu Đường là nơi thờ chính, 3 gian đều có bệ thờ với các đồ thờ được sơn son thếp vàng đẹp đẽ. Trong nhà thờ còn lưu giữ  một số di vật quý như: 4 bức hoành phi, 20 đôi câu đối chữ Hán (10 đôi viết trên gỗ sơn son thếp vàng, 10 đôi viết trên cột tường), 3 tấm bia đá. Nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1991, là nơi linh thiêng ghi công trạng của Thám hoa và cũng là nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.

Lễ giỗ Thám hoa Giang Văn Minh vào ngày 2/6 Âm lịch hàng năm

Ngày 4/7/2019 (tức ngày 2/6 năm Kỷ Hợi), kỷ niệm 381 năm ngày mất của sứ thần Thám hoa Giang Văn Minh, nhân dân và chính quyền địa phương cùng con cháu họ Giang khắp nơi đều tề tựu về Nhà thờ Thám hóa Giang Văn Minh để tưởng nhớ công lao của vị sứ thần với khí tiết anh hùng, bất khuất đã có công làm rạng danh đất nước.

                                  Phan Thanh