Tin tức - Sự kiện

Sơn Tây sẵn sàng các phương án ứng phó với thiên tai trong năm 2022
Ngày đăng 19/05/2022 | 09:06  | View count: 153

Thời điểm này đã bắt đầu vào mùa mưa bão, để đảm bảo an toàn đê điều và hệ thống thủy lợi, an toàn người và tài sản cho nhân dân trên địa bàn, thị xã Sơn Tây đang triển khai nhiều biện pháp tích cực trong công tác phòng chống thiên tai, dành nhiều nguồn lực đầu tư gia cố kết cấu hạ tầng đê điều, thủy lợi, mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn.

Đảm bảo an toàn hồ chứa nước Đồng Mô trong mùa mưa bão

Thị xã Sơn Tây có 2 sông lớn chảy qua là sông Hồng dài 5,42 km, sông Tích dài 17 km và các sông nhỏ nội địa là sông Hang, sông Giang, sông Măng, sông Ninh Sơn. Bên cạnh đó thị xã có tuyến đê Hữu Hồng dài 5,4 km, 2 cống dưới đê và 2 hồ lớn là Đồng Mô và Xuân Khanh đã được nâng cấp tràn xả lũ. Trong đó, hồ chứa nước Đồng Mô nằm trên địa bàn 3 xã Kim Sơn, Sơn Đông và Cổ Đông với diện tích tự nhiên 1400 ha,  được đưa vào sử dụng khai thác  vào tháng 10/1974 với công suất tưới theo thiết kế là 12.700ha diện tích gieo trồng và phòng lũ cho 3.000ha hai bên bờ sông Tích. Đối với hồ chứa nước Xuân Khanh nằm trên vùng bán sơn địa thuộc xã Xuân Sơn. Công trình được đưa vào sử dụng năm 1964, có diện tích mặt nước theo thiết kế là 165ha, dung tích 6 triệu mét khối, diện tích tưới 400 ha. Hiện nay, lòng hồ đã bị bồi đắp, dung tích chứa của hồ bị giảm do đó năng lực tưới chỉ còn 250ha. Bên cạnh đó, thị xã còn có bến Cảng Sơn Tây diện tích khoảng 40.000 m2. Chức năng chính là kinh doanh, tập kết hàng hóa như than, cát, sỏi, đá và cho thuê bến bãi, lưu lượng hàng hóa khoảng 200.000 tấn/năm. Những năm qua, cùng với nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương và thành phố, thị xã đã đầu tư hàng chục tỷ đồng cho cải tạo, nâng cấp thân đê, kè, cống, xử lý các điểm xung yếu qua địa phận thôn Hà Tân (xã Đường Lâm), khu Yên Thịnh và khu Hồng Hậu phường Phú Thịnh; thi công gia cố bảo vệ chống sạt lở vị trí cách chân đê Hữu Hồng 30m. Mặc dù thường xuyên được đầu tư tu bổ, nâng cấp nhưng do ảnh hưởng của mưa lũ và biến đổi dòng chảy nên một số vị trí đê, kè, đập có các mạch sủi, bãi sủi, nhiều đoạn đê nằm sát các ao sâu, bờ vở sông nên trong mùa mưa lũ, nước sông lên cao thường có hiện tượng thẩm lậu.

Tuyến đê Hữu Hồng đoạn qua địa bàn phường Phú Thịnh 

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, từ cuối tháng 5, bão và áp thấp nhiệt đới sẽ bắt đầu hoạt động ở vùng biển phía Bắc Biển Đông, có khả năng xuất hiện các cơn bão mạnh. Tổng lượng mưa ở các khu vực được dự báo bằng hoặc cao hơn trung bình nhiều năm, đặc biệt có xu hướng gia tăng ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Trong tháng 5 và 6, các sông trên địa bàn Hà Nội có khả năng xuất hiện lũ tiểu mãn với biên độ lên 1-2m. Tháng 7 và 8 xuất hiện 1-2 trận lũ với biên độ 1,5-2,5m… Do biến đổi khí hậu nên cường độ mưa, bão, lũ lụt có xu hướng ngày càng cực đoan, bất thường. Dự báo năm 2022, tình hình thời tiết, thiên tai, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, sự cố gây ra, bảo đảm phòng, chống dịch bệnh, ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân, ngay từ những ngày đầu tháng 5, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai thị xã đã triển khai công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến tất cả các xã, phường, các cơ quan,  đơn vị trên địa bàn. Đến nay các xã, phường đã xây dựng xong các phương án thực hiện, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, vật tư, thiết bị phục vụ công tác phòng chống lụt bão. Thường xuyên duy trì kiểm tra các công trình phục vụ phòng chống lụt bão, các công trình giao thông thủy lợi trong phạm vi địa phương quản lý; đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến, vận động toàn dân tích cực tham gia làm tốt nhiệm vụ phòng, chống lụt, bão, úng, giảm nhẹ thiên tai. Các xã, phường cũng đã thành lập các đội xung kích tập trung có nhiệm vụ tuần tra, canh gác, kiểm tra, xử lý các vi phạm trên đê; phối hợp với hạt quản lý đê giải quyết các vi phạm; chấp hành sự phân công của ban chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp.  

Quán triệt theo nguyên tắc cơ bản "phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả" và theo phương châm "4 tại chỗ": Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ...,cùng với việc triển khai các biện pháp phòng chống thiên tai, thị xã đặc biệt coi trọng công tác chống úng trong sản xuất nông nghiệp; chỉ đạo các xã, phường tu sửa điện các trạm bơm, khẩn tương tu sửa nạo vét kênh tiêu và đắp các bờ vùng, bờ thửa để khoanh vùng tiêu nước khi có yêu cầu. Bên cạnh đó, UBND thị xã cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị và chỉ đạo các phương án phối hợp khi có tình huống thiên tai, giao cho BCH Quân sự thị xã thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, tổ chức lực lượng, phương tiện để thực thi nhiệm vụ khi cần thiết, thống nhất phương án điều quân, phương tiện và vật tư tham gia phòng chống thiên tai. Việc phối hợp với các đơn vị quân đội đóng trên địa bàn như: Học viện Biên phòng, Trường Sỹ quan Lục quân I, Công ty TNHH MTV cao su 75 – Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Trung đoàn 692 – Sư đoàn 301 - Bộ Tư lệnh Thủ đô…  tham gia phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống xảy ra cũng được thị xã đặc biệt quan tâm.  Ngoài ra, các phương án về đảm bảo giao thông cho từng tuyến đường, thông tin liên lạc thông suốt, an toàn hệ thống lưới điện, chủ động về các loại thuốc phòng, chống dịch bệnh… cũng đã được xây dựng cụ thể. Đặc biệt là những ngày có mưa, bão, các xã, phường và văn phòng thường trực phòng chống thiên tai thị xã luôn duy trì thường trực 24/24 giờ để đảm bảo thông tin, chủ động và thực hiện tốt công tác chỉ đạo, điều hành của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai thị xã.

Với tinh thần chủ động và có các phương án phòng, chống sát thực, sự chuẩn bị chu đáo của các xã, phường, tin tưởng rằng công tác phòng chống thiên tai của thị xã Sơn Tây sẽ đảm bảo đáp ứng được các yêu cầu đặt ra trong mùa mưa bão năm nay./.

 

                                           Phan Thanh