thời tiết các vùng

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

Kinh Tế

Sơn Tây sẵn sàng các phương án ứng phó với thiên tai
Publish date 05/06/2024 | 09:04  | View count: 171

Thời điểm này đã bắt đầu vào mùa mưa bão, để đảm bảo an toàn đê điều và hệ thống thủy lợi, an toàn người và tài sản cho nhân dân trên địa bàn, thị xã Sơn Tây đã triển khai nhiều biện pháp tích cực trong công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.

Đê Hữu Hồng chạy qua địa phận xã Đường Lâm thường xuyên được cải tạo, nâng cấp

 

Xã Đường Lâm có tuyến đê Hữu Hồng chạy qua địa bàn với tổng chiều dài 2,54 km, chiếm 2/3 chiều dài đê của thị xã và 2 điếm canh đê số 27 và 28. Xã có 2 thôn là Hà Tân và Hưng Thịnh có nhân dân sinh sống lâu đời ngoài bãi sông Hồng với 400 hộ dân, gần 900 nhân khẩu. Nếu xảy ra mưa lớn, mực nước sông Hồng dâng cao thì các hộ dân ở hai thôn này bị ngập lụt, phải sơ tán vào trong đê. Chính vì vậy công tác phòng chống thiên tai luôn được cấp ủy đảng, chính quyền xã Đường Lâm quan tâm thực hiện, đặc biệt là thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ: “Chỉ huy tại chỗ, vật tư phương tiện tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hậu cần tại chỗ". Để chủ động phòng, chống thiên tai, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2024, UBND xã Đường Lâm rà soát, thành lập lực lượng xung kích tập trung, lực lượng tuần tra canh gác điếm theo quy định; thường xuyên tiến hành kiểm tra, rà soát, xác định các khu vực nguy hiểm, phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố công trình; sẵn sàng các phương án, kịch bản bảo vệ an toàn công trình, tính mạng và tài sản của nhân dân khu vực chịu ảnh hưởng. Các tiểu ban, các thôn chủ động xây dựng các phương án của mình và thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ” để chủ động ứng phó kịp thời khi có thiên tai xảy ra bảo đảm ổn định sản xuất và đời sống nhân dân trên địa bàn.

Cùng với xã Đường Lâm, một số xã, phường của thị xã Sơn Tây như: Lê Lợi, Phú Thịnh, Ngô Quyền, Kim Sơn, Cổ Đông, Sơn Đông... đã rà soát và xác định trên địa bàn sẽ có hơn 5.000 hộ dân bị ngập lụt, phải sơ tán khi xảy ra tình huống mưa lớn trong nhiều ngày hoặc xảy ra sự cố đê sông Hồng, sông Tích; đập các hồ: Đồng Mô, Xuân Khanh... Để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, ngay từ những ngày đầu tháng 5/2024, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai thị xã đã triển khai công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến tất cả các xã, phường, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Đến nay các xã, phường đã xây dựng xong các phương án thực hiện, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, vật tư, thiết bị phục vụ công tác phòng chống lụt bão. Thường xuyên duy trì kiểm tra các công trình phục vụ phòng chống lụt bão, các công trình giao thông thủy lợi trong phạm vi địa phương quản lý; đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến, vận động toàn dân tích cực tham gia làm tốt nhiệm vụ phòng, chống lụt, bão, úng, giảm nhẹ thiên tai. Các xã, phường cũng đã thành lập các đội xung kích tập trung có nhiệm vụ tuần tra, canh gác, kiểm tra, xử lý các vi phạm trên đê; phối hợp với hạt quản lý đê giải quyết các vi phạm; chấp hành sự phân công của ban chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp. 

Công nhân công ty Thủy lợi Sông Tích vận hành trạm bơm dã chiến Phù Sa lấy nước từ sông Hồng

 

Thị xã cũng đặc biệt coi trọng công tác chống úng trong sản xuất nông nghiệp. Hiện nay toàn thị xã quản lý 41 trạm bơm tưới, 837 tuyến kênh mương với chiều dài 382,961km; 35 vai đập. Thị xã đã chỉ đạo các xã, phường thường xuyên kiểm tra, tu sửa điện các trạm bơm, khẩn tương tu sửa nạo vét kênh tiêu và đắp các bờ vùng, bờ thửa để khoanh vùng tiêu nước khi có yêu cầu. Bên cạnh đó, UBND thị xã cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị và chỉ đạo các phương án phối hợp khi có tình huống thiên tai, giao cho BCH Quân sự thị xã thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, tổ chức hiệp đồng lực lượng, phương tiện để thực thi nhiệm vụ khi cần thiết, thống nhất phương án điều quân, phương tiện và vật tư tham gia phòng chống thiên tai. Ngoài ra, các phương án về đảm bảo giao thông cho từng tuyến đường, thông tin liên lạc thông suốt, an toàn hệ thống lưới điện, chủ động về các loại thuốc phòng, chống dịch bệnh… cũng đã được xây dựng cụ thể. Đặc biệt là những ngày có mưa, bão, các xã, phường và văn phòng thường trực phòng chống thiên tai thị xã duy trì thường trực 24/24 giờ để đảm bảo thông tin, chủ động và thực hiện tốt công tác chỉ đạo, điều hành của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai thị xã.

Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng và trung du Bắc Bộ nhận định: Do tác động của biến đổi khí hậu nên thời tiết, thiên tai những tháng tới có thể diễn biến phức tạp, khó lường. Trong tháng 6, Hà Nội có khả năng xuất hiện 1-2 đợt mưa lớn diện rộng kèm lốc, sét, mưa đá, có thể chịu ảnh hưởng 4-6 đợt nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 39-41 độ C. Từ tháng 7, Hà Nội sẽ chịu ảnh hưởng nhiều loại hình thiên tai nguy hiểm như: Nắng nóng, bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn trên diện rộng… Với tinh thần chủ động và có các phương án phòng, chống sát thực, sự chuẩn bị chu đáo của các xã, phường, tin tưởng rằng công tác phòng chống thiên tai của thị xã Sơn Tây sẽ đáp ứng được yêu cầu đặt ra trong mùa mưa bão năm nay, đảm bảo an toàn tài sản của Nhà nước và tính mạng, tài sản của Nhân dân./.

 

           Phan Thanh