thời tiết các vùng

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

Kinh Tế

Sơn Tây phục hồi sản xuất nông nghiệp sau ảnh hưởng của bão số 2
Publish date 01/08/2024 | 07:18  | View count: 217

Tính đến ngày 31/7/2024 toàn thị xã đã gieo cấy được 609,2 ha lúa mùa, đạt 81,2% kế hoạch. Cây rau màu và cây khác gieo trồng được 759,9 ha, đạt 100,8% kế hoạch Trong những ngày qua, do ảnh hưởng của bão số 2 và thời tiết liên tục có mưa to đã gây ngập úng cục bộ một số diện tích lúa, rau màu. Theo đó tổng diện tích cây trồng bị ngập úng là 211,26 ha (cây lúa 103 ha; cây rau 15,9 ha; cây ngô 22,2 ha; cây lạc 6,46 ha; khoai lang 2 ha và cây khác 61,08 ha) chủ yếu ở các xã, phường Cổ Đông, Sơn Đông, Trung Sơn Trầm, Kim Sơn, Xuân Sơn, Thanh Mỹ, Trung Hưng, Đường Lâm.

Diện tích lúa bị ngập úng tại xã Sơn Đông

 

Đặc biệt chiều ngày 30/7 lượng mưa tại thị xã Sơn Tây là 58,6mm đã gây ngập úng cục bộ cho một số tuyến đường nội thị tại thị xã Sơn Tây như: Quang Trung, HUD, Phan Chu Trinh do nước sông Tích bị ứ tiêu thoát chậm.

Để phục hồi sản xuất trồng trọt ngay sau khi nước rút, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã Sơn Tây hướng dẫn bà con nông dân một số biện pháp kỹ thuật chăm sóc và phục hồi sản xuất sau ngập úng:

Đối với diện tích lúa mới gieo cấy xong bị ngập úng, khả năng chịu ngập úng hoàn toàn của các giống lúa không quá 5 ngày. Vì vậy cần có các giải pháp thoát nước kịp thời, không để cây lúa bị ngập lâu sẽ gây thối và chết lúa.Sau khi nước rút cần kiểm tra bộ rễ lúa và chồi thân, nếu còn khả năng sinh trưởng tiến hành các biện pháp chăm sóc để ruộng lúa phục hồi nhanh. Nếu ruộng lúa không còn khả năng hồi phục, phải cấy lại bằng cách sử dụng mạ dự phòng với các giống cực ngắn ngày như PC6, HN6,…hoặc mạ nhổ tỉa ở các chân ruộng cấy dày, ruộng lúa gieo thẳng có mật độ dày để cấy lại.

Đối với diện tích lúa giai đoạn đẻ nhánh – đứng cái khả năng chịu ngập úng tốt hơn, khả năng tái sinh cũng mạnh hơn. Ngay khi nước rút bà con giữ lại mực nước vừa đủ (3-5cm), cây lúa mềm yếu cần được bảo vệ, chăm sóc, làm cỏ và tỉa dặm, bón bổ sung từ 55 - 56kg Urê + 83-85kg Kali cho 01 ha (2 kg đạm Urê + 2 - 3 kg Kali/ sào) để lúa đẻ nhánh, tái sinh.

Đối với diện tích lúa bị ngập úng, chết không thể gieo cấy bổ sung, ngay sau khi nước rút có thể chuyển sang trồng rau ăn lá, ngắn ngày.Lưu ý trồng rải vụ để tránh hiện tượng dư thừa sản phẩm cục bộ. Chủ động áp dụng phương pháp làm đất tối thiểu để chuyển sang trồng cây vụ đông sớm.

Đối với cây rau bà con tranh thủ thời gian có nắng, đất khô kết hợp xới phá váng, vun gốc, nạo vét rãnh để thoát nước tốt. Đối  với diện tích bị dập, gẫy, không phục hồi được phải tiến hành thu tận dụng làm thức ăn cho gia súc. Kết hợp khơi rãnh phơi khô ruộng, cày bừa đất trồng một số loại cây màu khác để bù lại năng suất.

 Với những diện tích rau màu bị ngập trong thời gian ngắn và cây còn nhỏ, còn khả năng phục hồi cần xới xáo nhẹ, kết hợp với trồng dặm các cây bị khuyết để đảm bảo mật độ; có thể phun bổ sung chế phẩm KH, Pennac P, siêu lân…, giúp cây nhanh phục hồi.

Đối với những diện tích bị ảnh hưởng nặng, không có khả năng cho thu hoạch cần vệ sinh đồng ruộng, chủ động chuẩn bị đất để gieo trồng cây vụ Đông. Chú ý tuyệt đối không bón đạm Urê hay phân hỗn hợp NPK ngay sau khi nước rút. Không nên phá váng cho diện tích cây rau, màu đã lớn, vì làm như vậy, rễ cây sẽ bị xây xát hoặc bị đứt; nấm và vi khuẩn gây bệnh sẽ xâm nhập gây hại mạnh hơn.

Do tình hình thời tiết còn diễn biến phức tạp, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã Sơn Tây đề nghị các địa phương và bà con nông dân tăng cường kiểm tra đồng ruộng, theo dõi sát diễn biến tình hình thời tiết, sâu bệnh hại cây trồng để có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của thiên tai và dịch bệnh gây ra./.

 

 

                                 Phan Thanh