phổ biến pháp luật
thông tin khác
thời tiết các vùng
Hà Nội | |
Đà Nẵng | |
TP Hồ Chí Minh |
Thông tin du lịch
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định số 2647/QĐ-BVHTTDL về việc thăm dò, khai quật tại di tích Thành cổ Sơn Tây.
Ảnh chụp năm 1883 cảnh hồ nước và Vọng lâu Thành cổ Sơn Tây
Theo đó, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho phép Bảo tàng Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học thăm dò, khai quật khảo cổ giai đoạn 1 tại di tích Thành cổ Sơn Tây (thị xã Sơn Tây, TP. Hà Nội). Thời gian thăm dò, khai quật bắt đầu từ 15/9-30/10 với tổng diện tích là 120 m2, trong đó mỗi phần diện tích thăm dò và khai quật chiếm 60 m2.
Cụ thể, giai đoạn 1 tập trung thăm dò tại ba khu vực: Bố chính phủ, Án sát phủ, cổng Đông. Mỗi khu vực có tổng diện tích thăm dò là 20 m2 với bốn hố với diện tích 5 m2/hố. Công tác khai quật được thực hiện tại khu vực Tổng đốc phủ với diện tích 60 m2 gồm ba hố diện tích 20 m2/hố. Ông Nguyễn Văn Mạnh - Viện Khảo cổ học - đảm nhận vai trò chủ trì thăm dò, khai quật.
Quyết định nêu rõ trong thời gian thăm dò, khai quật khảo cổ, cơ quan được cấp giấy phép cần chú ý bảo vệ địa tầng của di tích, có trách nhiệm tuyên truyền cho nhân dân về việc bảo vệ di sản văn hóa ở địa phương, không công bố kết luận chính thức khi chưa có sự thỏa thuận của cơ quan chủ quản và Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL).
Những hiện vật thu thập được trong quá trình thăm dò, khai quật khảo cổ, Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản tránh để hiện vật bị hư hỏng, thất lạc và báo cáo Bộ trưởng Bộ VHTTDL phương án bảo vệ và phát huy giá trị những hiện vật đó.
Lãnh đạo Bộ VHTTDL yêu cầu sau khi kết thúc đợt thăm dò, khai quật khảo cổ, Bảo tàng Hà Nội và Viện Khảo cổ học báo cáo sơ bộ và đề xuất phương án quản lý, bảo vệ khu vực đã thăm dò, khai quật khảo cổ trong thời gian chậm nhất một tháng và báo cáo khoa học trong thời gian chậm nhất một năm, gửi về Bộ VHTTDL. Trước khi công bố kết quả của đợt thăm dò, khai quật khảo cổ, cơ quan được cấp giấy phép cần trao đổi, thống nhất với Cục Di sản văn hóa.
Vọng cung và Đoan môn Thành cổ Sơn Tây nhìn từ trên cao
Thành cổ Sơn Tây được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 3 (1822) để làm trọng trấn cho cả khu vực phía Tây thành Hà Nội. Đây là một trong 20 thành được xây dựng vào triều Nguyễn nhưng chỉ có duy nhất Thành Sơn Tây được xây dựng hoàn toàn bằng gạch đá ong - loại vật liệu đáp ứng được yêu cầu bền chắc của một công trình phòng thủ, lại rất sẵn có ở xứ Đoài. Những sự kiện lớn của tòa thành liên quan đến cuộc chiến chống thực dân Pháp của triều đình nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam cho thấy, Thành là vùng “trọng địa” có chức năng che chở, bảo vệ cho đồng bằng và trung du Bắc Kỳ; đồng thời là “bàn đạp”, hậu cứ cho biên cương Tây Bắc.
Thành có diện tích 16 ha, xung quanh có hào nước bao bọc, tường thành được kết cấu theo lối kiến trúc Vauban (có chỗ lồi ra để đặt các pháo đài). Trên mặt thành có nhiều lỗ châu mai giúp quân lính quan sát và chiến đấu. Thành có 4 cổng quay ra các hướng Bắc, Nam, Tây, Đông có tên là: cửa Hậu, cửa Tiền, cửa Hữu, cửa Tả. Trước đây bốn cửa đều có cầu gạch bắc qua hào nước, nhưng hiện nay chỉ có hai cửa chính là cửa Tiền và cửa Hậu, có cầu bắc qua hào nước, dẫn vào cổng thành. Hiện 4 cổng thành bằng đá ong còn giữ được nguyên vẻ nguyên sơ cổ kính, trên các cổng có vọng lâu và ụ súng. Theo sử sách ghi lại, ngày trước, thành Sơn Tây có 5 khu: khu giữa thành là khu nghi lễ, hai ao sen hai bên, có vọng lâu cao 18 thước. Trong thành có điện Kính Thiên rộng 5 gian lợp ngói lưu ly, bên trong có 2 cột tròn làm bằng gỗ lim sơn màu cánh gián. Hai gian bên có cửa sổ tròn trang trí hình chữ Thọ.
Trải qua những thăng trầm và biến cố lịch sử, nhiều công trình của thành đã bị phá huỷ, tuy nhiên, nó vẫn còn nguyên vẹn hình dạng và những dấu tích của mình. Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích Thành cổ Sơn Tây, nhiều dự án tu bổ, khôi phục lại các công trình của thành đã được triển khai. Dựa vào các tư liệu cổ, các công trình như điện Kính Thiên, kỳ đài (cột cờ), tường thành bằng đá ong … đã được dựng lại trên nền cũ. Đến với Thành cổ Sơn Tây hôm nay, du khách sẽ nhận thấy rõ dấu ấn của thời gian hay những vết tích của chiến tranh còn lưu lại ở nơi đây. Từ đoạn tường thành, cổng thành, giếng nước, khẩu súng thần công cho đến Vọng cung, Điện Kính Thiên, tất cả đều nhuốm màu xưa cũ, cổ kính nhưng vẫn hiện lên đầy nguy nga tráng lệ, thể hiện uy thế một thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc.
Thành cổ Sơn Tây được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) công nhận là di tích lịch sử kiến trúc quốc gia năm 1994. Ngày nay tòa thành nằm ở trung tâm thị xã Sơn Tây (Hà Nội) và trở thành một di tích lịch sử và kiến trúc quân sự thu hút đông đảo du khách tới tham quan, tìm hiểu.Bảo tồn, phát huy hiệu quả di tích Thành cổ Sơn Tây sẽ góp phần khẳng định vị trí, vai trò, giá trị tiêu biểu của công trình này trong lịch sử, đồng thời khơi dậy tiềm năng phát triển du lịch văn hóa Thăng Long - Hà Nội.
Phan Thanh