Tin tức - Sự kiện

Sơn Tây triển khai lấy ý kiến góp ý Hồ sơ dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)
Ngày đăng 13/07/2023 | 09:07  | View count: 95

Thực hiện Kế hoạch số 381 ngày 05/7/2023 của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội và Kế hoạch số 265 ngày 06/7/2023 của UBND thị xã Sơn Tây về tổ chức lấy ý kiến góp ý Hồ sơ dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), hiện nay các xã, phường trên địa bàn thị xã đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhân dân góp ý Hồ sơ dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Phường Ngô Quyền tổ chức lấy ý kiến góp ý Hồ sơ dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

Theo đó, nội dung lấy ý kiến tập trung vào những nội dung gồm: Phạm vi điều chỉnh, bố cục, nội dung và kỹ thuật trình bày của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi); lấy ý kiến một số nội dung trọng tâm, đặc thù vượt trội của hồ sơ dự thảo như: Tổ chức chính quyền tại Thủ đô (về mô hình tổ chức, chế độ công vụ, biên chế của các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố Hà Nội, cơ chế thu hút, trọng dụng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và chế độ tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô); Xây dựng, phát triển và quản lý Thủ đô (về quy hoạch xây dựng, phát triển Thủ đô; Bảo vệ, phát triển văn hóa; Phát triển giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số Thủ đô; Y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân và chính sách xã hội, an sinh xã hội của Thủ đô; Quản lý, sử dụng đất đai; Phát triển nhà ở; Phát triển đô thị; Đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật; Phát triển, quản lý hạ tầng giao thông; Phát triển nông nghiệp, nông thôn; Các biện pháp bảo vệ Thủ đô); Chính sách ưu tiên đầu tư phát triển Vùng Thủ đô…

Việc tổ chức lấy ý kiến phải bảo đảm sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng; sự chỉ đạo, tổ chức thực hiện chặt chẽ của các cấp chính quyền; đề cao trách nhiệm người đứng đầu và sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức; được tiến hành rộng rãi, dân chủ, khoa học, công khai; bảo đảm tiến độ; chất lượng, thiết thực và tiết kiệm. Việc lấy ý kiến được tổ chức dưới nhiều hình thức đa dạng, thích hợp với từng đối tượng, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân tham gia góp ý, đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tổ chức lấy ý kiến.

Thông qua việc lấy ý kiến nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, thể hiện ý chí, nguyện vọng của Nhân dân để hoàn thiện Hồ sơ dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi); tạo sự thống nhất và đồng thuận của Nhân dân đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chính sách phát triển Thủ đô; chỉ ra những nội dung, những vấn đề còn bất cập trong việc xây dựng cơ chế đặc thù để xây dựng, phát triển Thủ đô với vị trí, vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, hướng tới đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy Vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước cùng phát triển; bảo đảm tính khả thi và tính đồng bộ khi Luật được ban hành, bổ sung những nội dung, cơ chế chính sách đặc thù ngang tầm vị trí của Thủ đô, tạo sự chủ động, sáng tạo, nâng cao trách nhiệm của Hà Nội cũng như cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ của các cấp chính quyền.

Toàn bộ các ý kiến góp ý của Nhân dân được Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các xã, phường tổng hợp bằng văn bản gửi về Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã để tổng hợp gửi MTTQ thành phố theo quy định.

                    Phan Thanh