Tin tức - Sự kiện

Tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV
Ngày đăng 05/07/2024 | 17:58  | View count: 86

Chiều ngày 5/7, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội - Đơn vị bầu cử số 7 gồm các đồng chí: Phạm Thị Thanh Mai – Thành ủy viên – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Hà Nội; Trần Việt Anh - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội tiếp xúc cử tri các huyện Phúc Thọ, Đan Phượng, Ba Vì và thị xã Sơn Tây theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến sau kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV từ điểm cầu huyện Phúc Thọ.

Cử tri thị xã Sơn Tây phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc

Tại hội nghị, cử tri 4 huyện, thị xã được nghe đại diện đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội thông tin kết quả Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV. Theo đó,  Kỳ họp khai mạc ngày 20/5 và bế mạc vào ngày 27/6/2024. Đây là Kỳ họp có khối lượng nội dung về công tác lập pháp nhiều nhất kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Theo đó, với tỷ lệ tán thành cao, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 11 luật; xem xét, thông qua 21 nghị quyết, trong đó có 3 nghị quyết quy phạm pháp luật và cho ý kiến lần đầu đối với 11 dự án luật; xem xét, cho ý kiến về một số nội dung quan trọng khác. Theo chương trình, nội dung của Kỳ họp, công tác nhân sự đã được thực hiện chặt chẽ theo đúng quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước. Quốc hội đã tiến hành bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; phê chuẩn bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an; phê chuẩn Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh, đồng thời tiến hành công tác nhân sự khác theo thẩm quyền và đã đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao của các đại biểu Quốc hội. Đối với thành phố Hà Nội, Kỳ họp thứ 7 có ý nghĩa quan trọng khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua với nhiều quy định vượt trội, có tính đột phá nhằm thúc đẩy xây dựng phát triển thủ đô, để thủ đô vươn tầm phát triển, xứng đáng là đô thị đặc biệt, có vai trò dẫn dắt sự phát triển chung của cả nước. Ngoài ra, Quốc hội cũng đã cho ý kiến về 2 quy hoạch của thành phố Hà Nội tại Kỳ họp này.

Tại buổi tiếp xúc cử tri, đ/c Trần Việt Anh - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội trình bày tổng hợp trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội thuộc thẩm quyền giải quyết của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và của Uỷ ban nhân dân thành phố.

Cử tri 4 huyện, thị xã bày tỏ sự hoan nghênh và đồng thuận cao kết quả Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV; đồng thời kiến nghị về một số vấn đề như: đề nghị UBND Thành phố tiếp tục có ý kiến với Bộ Quốc phòng sớm có văn bản chỉ đạo bàn giao diện tích nằm trong chỉ giới GPMB cho UBND thị xã Sơn Tây để thi công Dự án Đầu tư cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 414 (đoạn từ ngã ba Vị Thủy đi Xuân Khanh); đề nghị đại biểu Quốc hội có ý kiến đến các cơ quan chức năng xem xét và giải quyết việc tiếp nhận các cơ sở nhà đất của đơn vị Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Hà Nội sớm bàn giao về địa phương để quản lý và sử dụng, theo đúng Luật Đất đai; đề nghị Bộ NN&PTNT, UBND thành phố Hà Nội quan tâm đầu tư cho sản xuất nông nghiệp, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; phát triển các doanh nghiệp chăn nuôi để hạn chế chăn nuôi nhỏ lẻ, ảnh hưởng đến môi trường, song song với đầu tư các cơ sở giết mổ tập trung; quan tâm đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội kéo dài đến thị xã Sơn Tây, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân; số lượng cơ sở giáo dục công lập còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu của học sinh.

Tiếp thu toàn bộ ý kiến của các cử tri để tổng hợp, chuyển các cơ quan chức năng giải quyết theo đúng quy định, đ/c Phạm Thị Thanh Mai - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho biết, Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua đã thể hiện những quyết sách trao quyền của Quốc hội, Chính phủ cho Thủ đô Hà Nội, trong đó có những quy định pháp luật lần đầu tiên được quy định cụ thể trong luật nhằm tập trung phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô thời gian tới. Bên cạnh đó, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 cũng là nội dung đặc biệt tại kỳ họp thứ bảy, khi lần đầu tiên quy hoạch địa phương được trình Quốc hội cho ý kiến, thể hiện vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của Thủ đô./.

 

PHẠM HẢO