Danh lam - thắng cảnh

Giá trị du lịch của vùng đất “Địa linh, nhân kiệt” – Hà Tây
Publish date 23/09/2009 | 00:00  | View count: 5451

Đến với Sơn Tây hôm nay, du khách mọi miền được về với thành phố xứ Đoài nổi danh là chốn "sơn anh, thủy tú", chứa đựng truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời và nhiều danh lam thắng cảnh.

Trong thời kỳ đổi mới, Sơn Tây là một vùng trọng điểm du lịch nằm trong dự án quốc gia với mục tiêu trở thành điểm hẹn của du khách bốn phương. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đang quyết tâm đưa du lịch - dịch vụ trở thành ngành kinh tế chủ yếu trong tương lai gần.



Địa hình thành phố Sơn Tây phần lớn là vùng bán sơn địa, nhiều đồi gò nối tiếp từ chân núi Ba Vì đến Sơn Đông, Cổ Đông. Nhiều minh chứng lịch sử trong quá trình dựng nước, giữ nước đã phản ánh tài năng và công sức của cư dân nơi đây, góp phần tạo nên cội nguồn của nền văn minh sông Hồng. Những di chỉ khảo cổ cách đây trên 4.000 năm dọc lưu vực sông Tích đã nói lên vùng đất trung du này là xuất phát điểm của sự hình thành các Nhà nước sơ khai đầu tiên ở nước ta. Trên nền đất đá o­ng khô cằn, người dân Sơn Tây cùng với bộ phận cư dân Bắc bộ đã dựng nên một nền văn minh mang đặc trưng của vùng châu thổ sông Hồng. Nhiều đường giao thông thủy, bộ nối thành phố với Thủ đô Hà Nội, với các vùng đồng bằng Bắc bộ, với Việt Bắc, Tây Bắc. Thế núi, thế sông đã tạo ra vị trí thành phố như một chiếc cầu nối giữa Sơn Tây với Hà Nội và các vùng lân cận. Cách Hà Nội 42km, thành phố là cửa ngõ phía Tây Bắc của Thủ đô. Nơi đây trước kia là một trong bốn trấn bảo vệ Thăng Long (trấn Sơn Tây ở phía Tây), vì vậy, mọi biến động ở Thủ đô đều tác động trực tiếp đến Sơn Tây. Từ Sơn Tây, Bà Trưng đã kéo quân về Long Biên (Hà Nội) dẹp yên biên thành; từ Đường Lâm, Phùng Hưng kéo quân về bao vây phủ thành Tống Bình làm cho Cao Chính Bình khiếp đảm, lo sợ phát bệnh mà chết. Chúa Trịnh đã có lần lấy Đường Lâm làm đất Phủ. Trong quá trình dựng nước và giữ nước, Sơn Tây đã trải qua những bước thăng trầm cùng cả dân tộc, là hậu cứ lớn bảo vệ thành Thăng Long. Truyền thống lịch sử - văn hóa lâu đời của Sơn Tây được khẳng định qua 130 di tích, trong đó có 44 di tích đã được Nhà nước xếp hạng và hôm nay đang trở thành tiềm năng, thế mạnh trong phát triển du lịch của thành phố. Thành phố Sơn Tây là nơi hội tụ của một quần thể di tích từ Thành cổ Sơn Tây, đền Và thờ Đức thánh Tản Viên - một trong 4 vị thần tứ bất tử ở nước ta, đình Mông Phụ, đền thờ Phùng Hưng, lăng Ngô Quyền, chùa Mía, Văn Miếu (Đường Lâm) đến Đàn Xuyên Sơn thờ thần Rừng, Đàn Tiên Nông ở Tiền Huân - Viên Sơn và bia đá đồi Măng (Sơn Đông)... phản ánh quá trình xây dựng và giữ gìn quê hương của các thế hệ người Sơn Tây.

Thành cổ Sơn Tây được xây dựng năm 1822 thời Minh Mệnh thứ 3 (gọi là thành cổ vì được xây dựng theo kiểu Vauban thời trung cổ phương Tây). Thành xây theo hình tứ giác, bằng đá o­ng, mỗi chiều dài 400m, cao 5m. Mặt cắt của tường thành theo hình thang cân, chân thành rộng 4m, mặt trên có nhiều lỗ châu mai để giúp binh lính quan sát và chiến đấu. Thành có 4 cổng: Cổng tiền (phía Nam), cổng hậu (phía Bắc) cùng hai cổng Tây và Đông. Quanh thành có hào sâu 3m, rộng 20m với chu vi 2.000m, nước luôn đầy ắp và có cống ngầm thông với sông Tích. Thành cổ Sơn Tây là di tích kháng chiến anh hùng của dân tộc Việt Nam ngay trong những năm đầu thực dân Pháp đặt chân lên vùng đất xứ Đoài với trận đánh của quân Hoàng Tá Viêm chống lại gần 1 vạn thủy và lục quân Pháp. Tháng 12/1946, cũng tại đây đã diễn ra cuộc họp của Hội đồng Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa bàn và quyết định những vấn đề quan trọng trong giai đoạn đầu kháng chiến chống Pháp nhằm thực hiện Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch.

Đền Và thuộc địa phận thôn Vân Gia, xã Trung Hưng, trên một đồi lim cổ thụ, được dựng từ thời Hùng Vương 18 ghi lại nơi nghỉ chân của Sơn Tinh mở tiệc ăn mừng sau khi đã dẹp xong thủy tặc. Đền Và là một ngôi đền rất giàu có di sản Hán Nôm, bao gồm 18 đạo sắc phong, 18 bức hoành phi, 2 bia đá, 3 chuông đồng, 4 biển gỗ, 5 bản thần tích và 47 câu đối viết trên vách cột, trên gỗ, trong ngọc phả. Hội đền Và là lễ hội lớn ở xứ Đoài, hằng năm mở vào ngày Rằm tháng Giêng, cứ 3 năm thì tổ chức một lần hội lớn rước bài vị của Đức thánh Tản từ đền qua sông Hồng đến đền Dội (xã Vĩnh Linh, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc), đến chiều lại rước về đền Và thu hút du khách nhiều nơi hành hương về.

Thành phố Sơn Tây còn có Văn Miếu, nằm trên đồi thông bên dòng sông Tích thuộc địa phận làng Mông Phụ - xã Đường Lâm, được xây dựng năm 1831, là chứng tích một thời, nơi hội tụ các thí sinh đến "sôi kinh, nấu sử" trước khi đi thi Đình, thi Hội. Các bậc cao niên kể, nơi đây có 128 bia ghi lại những danh nhân thi đậu ở kinh thành. Đường Lâm còn được biết đến là một vùng gồm nhiều làng Việt cổ đá o­ng, trong đó có làng Cam Lâm, một làng nhỏ nhưng lại là một ấp sinh hai vua Phùng Hưng và Ngô Quyền. Ngoài đình thờ Phùng Hưng, lăng thờ Ngô Quyền, nơi đây còn nhiều dấu tích lịch sử như rừng Hùm, đồi Hổ gầm, giếng Ngọc... "Địa linh sinh nhân kiệt", ngoài hai vị vua Phùng Hưng (761-802) được nhân dân suy tôn là "Bố Cái Đại Vương", Ngô Quyền (897-944) người lãnh đạo nhân dân làm nên chiến thắng Bạch Đằng năm 938 - một chiến công chói lọi của dân tộc chống quân Nam Hán đi vào sử sách, chấm dứt 1.000 năm Bắc thuộc; Sơn Tây còn sinh ra những văn tài thao lược ngoại giao xuất sắc như Giang Văn Minh (1582-1639). Ông sinh ra tại làng Mông Phụ (Đường Lâm), năm 1637 được Vua Lê Thần Tông cử đi sứ sang nhà Minh (Trung Quốc), ông đã thông minh và dũng cảm đáp lại vế đối do đích thân vua Minh thách đối, bị mổ bụng, moi gan. Thi hài ông được vua Lê đón về bằng nghi thức trọng thể với lời điếu "Sứ bất nhục quân mệnh, khả vị thiên cổ anh hùng" (nghĩa là đi sứ chẳng làm nhục mệnh vua, xứng đáng là bậc anh hùng ngàn thuở). Hiện nay, tại làng Mông Phụ có nhà thờ tổ Thám Giang, đồng thời cũng là nơi thờ vị sứ thần của Đại Nam. Cũng tại Đường Lâm còn đình Mông Phụ, chùa Mía là những công trình kiến trúc có từ xa xưa, nổi tiếng khắp vùng...

Cùng với di tích lịch sử - văn hóa, du khách còn biết đến Sơn Tây với nhiều danh thắng. Thắng cảnh hồ Đồng Mô nằm trong thung lũng phía Đông núi Ba Vì với diện tích gần 2.000ha, trong đó khu chứa nước 1.450ha với 21 đảo lớn nhỏ nhấp nhô trên mặt nước. Quần thể thắng cảnh hồ Đồng Mô - Ngải Sơn là một mắt xích quan trọng trong vành đai sinh thái của Thủ đô Hà Nội. Nhìn dưới góc độ du lịch, khu vực hồ Đồng Mô có điều kiện khí hậu và tự nhiên rất thuận lợi cho việc phát triển nhiều loại hình du lịch hấp dẫn, là nơi du khách lựa chọn nghỉ cuối tuần. Hiện nay, Đồng Mô đã và đang có nhiều dự án du lịch được đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch, nghỉ ngơi, giải trí, thể thao văn hóa của du khách trong và ngoài nước. Trong đó, nổi bật nhất là Công ty TNHH Thung lũng Vua với sân golf quốc tế là một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhất tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, còn có hồ Xuân Khanh, nhiều khu vực có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái đang được nhiều doanh nghiệp đăng ký đầu tư. Sơn Tây còn có những sản vật nổi tiếng như gạo tám thơm Đường Lâm, bánh bún Phú Nhi, gà Mía, tương Mông Phụ... hấp dẫn du khách.



Nhờ quan tâm đúng mức, những năm gần đây, ngành du lịch Sơn Tây có tốc độ tăng trưởng 15,1%/năm; thương mại - dịch vụ - du lịch chiếm 36% trong cơ cấu kinh tế của thành phố, năm 2006 doanh thu dịch vụ - du lịch ước đạt 260,1 tỷ đồng, lượng du khách đến địa bàn thành phố đạt khoảng 1,3 triệu lượt người. Trong định hướng phát triển Sơn Tây giai đoạn 2006-2010 và đến năm 2020, thành phố đề ra mục tiêu trở thành vùng trọng điểm du lịch của tỉnh Hà Tây. Theo đó, phấn đấu tỷ trọng thương mại - du lịch - dịch vụ trong cơ cấu kinh tế sẽ đạt 40% vào năm 2010; 42-45% vào năm 2015 và đạt 47-49% vào năm 2020; thu hút 2 triệu lượt khách vào năm 2010 và tăng gấp 1,5 lần vào năm 2020. Để đạt được mục tiêu trên, thành phố đề ra giải pháp đẩy mạnh phát triển mặt hàng và dịch vụ phục vụ du lịch, cải thiện môi trường đầu tư khuyến khích người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ vốn để phát triển dịch vụ du lịch; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về du lịch, đào tạo đội ngũ tiếp viên, hướng dẫn viên có trình độ, ứng xử văn minh trong giao tiếp; khai thác hiệu quả các di sản văn hóa, nghệ thuật, di tích lịch sử; kết hợp với các huyện, tỉnh khác đa dạng hóa các sản phẩm du lịch; lấy du lịch chất lượng cao là khâu đột phá. Một số dự án trọng điểm sẽ hoàn thành từ nay đến năm 2010 là hoàn chỉnh tu bổ, tôn tạo thành cổ Sơn Tây (16ha); tu bổ, tôn tạo đền Và (10ha); khôi phục tôn tạo khu Văn Miếu, khu Xã Tắc; bảo tồn, tôn tạo đình Mông Phụ, làng cổ Đường Lâm; quy hoạch chi tiết khu di tích lịch sử văn hóa Đường Lâm. Trong giai đoạn 2010-2020 sẽ hoàn chỉnh khu di tích văn hóa Đường Lâm, hoàn chỉnh dự án tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị làng Việt cổ Đường Lâm; hoàn chỉnh các dự án du lịch sinh thái ở hồ Đồng Mô, hồ Xuân Khanh, khu vực sông Hang - xã Trung Sơn Trầm...

Với bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa với quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Sơn Tây trong tập trung đẩy mạnh ngành kinh tế du lịch trên địa bàn. Chắc chắn, trong tương lai không xa, ngành kinh tế du lịch sẽ tạo đà cho Sơn Tây phát triển bền vững xứng đáng là thành phố nằm trong chuỗi đô thị vệ tinh của Thủ đô Hà Nội.