Html Portlet

thời tiết các vùng

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

Thông tin du lịch

Sơn Tây phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch
Publish date 22/08/2022 | 10:02

Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thị xã Sơn Tây được xác định là một trong năm đô thị vệ tinh của Thủ đô với tính chất là đô thị văn hóa lịch sử và du lịch nghỉ dưỡng. Đến với mảnh đất Sơn Tây – xứ Đoài, ngoài việc được tham quan các di tích lịch sử nổi tiếng du khách còn được tìm hiểu một số nghề truyền thống vẫn được người dân nơi đây gìn giữ và phát triển.

Làm bánh tẻ Phú Nhi - phường Phú Thịnh

Nói đến làng nghề truyền thống của thị xã Sơn Tây không thể không nhắc đến làng nghề bánh tẻ Phú Nhi – phường Phú Thịnh. Bánh tẻ Phú Nhi là món ăn vô cùng bình dị của xứ Đoài được làm từ những nguyên liệu đơn giản như gạo tẻ, mộc nhĩ, thịt, hành khô. Năm 2007, Phú Nhi được công nhận là làng nghề bánh tẻ truyền thống. Đó là niềm tự hào của người dân quê khi gìn giữ, phát triển đặc sản quê hương thành sản phẩm hàng hóa. Năm 2010, Làng nghề Phú Nhi được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Bằng thương hiệu “Bánh tẻ Phú Nhi”. Đó là triển vọng và cơ hội để người dân trong làng tự tin sống bằng nghề làm bánh tẻ truyền thống. Hiện nay, ngoài bán tại địa phương, bánh tẻ Phú Nhi có mặt ở các điểm du lịch của Sơn Tây được nhiều du khách yêu thích... Để làng nghề bánh tẻ Phú Nhi phát triển hơn nữa và nhất là phát triển theo hướng làng nghề du lịch, UBND thị xã Sơn Tây đã chỉ đạo Phòng Kinh tế phối hợp với UBND phường Phú Thịnh và đơn vị chức năng xây dựng và triển khai “Đề án hỗ trợ duy trì và phát triển làng nghề bánh tẻ Phú Nhi gắn với du lịch thị xã Sơn Tây giai đoạn 2019 -2021, định hướng đến năm 2025”. Đề án góp phần tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân làng nghề bánh tẻ Phú Nhi, đồng thời, thông qua các hoạt động du lịch tại làng nghề góp phần giới thiệu, tôn vinh những giá trị văn hóa lâu đời của làng nghề và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Rời làng nghề Phú Nhi, du khách đến thăm Làng cổ ở Đường Lâm. Nơi đây không chỉ hấp dẫn bởi các điểm di tích và phong cảnh làng quê truyền thống, du khách còn ấn tượng với những nghề truyền thống mà các gia đình tại đây đang nỗ lực gìn giữ suốt nhiều năm qua.

Giới thiệu với khách du lịch về nghề làm tương truyền thống tại xã Đường Lâm

Gia đình ông Hà Hữu Thể (xóm Sui, thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm) có nghề làm tương nổi tiếng nhiều đời nay. Từ đường làng rẽ vào con ngõ nhỏ, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước không gian thuần Việt dường như chỉ còn thấy trên phim ảnh. Căn nhà gỗ bảy gian hai dĩ lợp mái ngói rêu phong có niên đại gần 3 thế kỷ này là nơi sinh sống của 13 thế hệ kế tiếp nhau. Không chỉ giữ gìn nguyên vẹn ngôi nhà cổ, ông Thể còn nỗ lực giữ nghề làm tương truyền thống của gia đình. Ông tự hào chia sẻ: “Gia đình tôi mỗi năm sản xuất từ 5 - 7 nghìn lít tương cung cấp cho các đại lý và du khách. Để có những mẻ tương thơm ngon, trước tiên phải có nguyên liệu chất lượng, sau đó là điều kiện thời tiết thuận lợi và bí quyết được tích lũy qua nhiều đời. Chính kinh nghiệm “cha truyền con nối” này đã giúp chúng tôi giữ gìn và tạo nên thương hiệu tương Mông Phụ nhiều năm qua”

Cũng nằm ở xóm Sui (thôn Mông Phụ), gia đình ông Nguyễn Văn Hùng sở hữu ngôi nhà cổ gần 400 năm tuổi và nghề làm chè lam lâu đời. Khác với các vùng khác, chè lam do gia đình ông sản xuất luôn dẻo quánh, thoảng vị ngọt của mật mía, mạch nha cùng hương thơm của gạo nếp cái hoa vàng, gừng tươi... Tất cả nguyên liệu hòa quyện vào nhau, tạo nên thứ đặc sản dân dã quen thuộc của Làng cổ Đường Lâm. Du khách sau khi tham quan, lưu trú tại đây đều mua chè lam do chính gia đình ông sản xuất về làm quà cho người thân.Ngoài ra, đến thăm Làng cổ ở Đường Lâm du khách cũng có thể chọn lựa các loại kẹo lạc, kẹo dồi, kẹo vừng đen hay bánh gai, bánh rợm, bánh tẻ... do các hộ dân ở Đường Lâm sản xuất, với nguồn nguyên liệu là các nông sản được trồng cấy, thu hoạch tại chính nơi đây.

Làm kẹo lạc truyền thống tại xã Đường Lâm

Xác định bảo tồn, phát huy các làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch là nhiệm vụ quan trọng, thị xã Sơn Tây đã ban hành Nghị quyết về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa gắn với phát triển kinh tế du lịch thị xã giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó, tập trung bảo tồn và phát huy các làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch. Để góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch làng nghề, thị xã Sơn Tây tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, xúc tiến quảng bá du lịch; xây dựng, nâng cấp và phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật cho làng nghề truyền thống theo hướng đồng bộ, hoàn thành các công trình hạ tầng thiết yếu tại các điểm du lịch, tăng cường nâng cao hệ thống cơ sở lưu trú, cơ sở phục vụ ăn uống. Sơn Tây cũng tập trung vào việc xây dựng thương hiệu và nâng cao chất lượng sản phẩm làng nghề; đầu tư nghiên cứu sản xuất hàng lưu niệm đặc trưng mang tính biểu tượng của làng nghề, địa phương phục vụ khách du lịch. Mặt khác, tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, các công trình văn hóa tiêu biểu, tổ chức các lễ hội, chương trình nhằm phát huy những giá trị truyền thống phục vụ cho du lịch làng nghề phát triển.

Sự phát triển của của các làng nghề trên địa bàn thị xã đã không chỉ góp phần nâng cao đời sống, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động mà còn tạo ra các sản phẩm du lịch mới, độc đáo cho địa phương. Tin tưởng rằng nếu kết hợp tốt giữa phát triển làng nghề truyền thống với du lịch, bức tranh kinh tế xã hội của Sơn Tây sẽ ngày càng tươi sáng hơn, tô đẹp thêm mảnh đất trăm nghề xứ Đoài ./.

                                          Phan  Thanh