Html Portlet

thời tiết các vùng

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

Thông tin du lịch

Lễ hội Đả ngư – nét đẹp văn hóa tâm linh của xứ Đoài
Publish date 05/10/2022 | 09:46

Đền Và hay còn gọi là Đông Cung, tọa lạc tại Vân Gia, phường Trung Hưng, thị xã Sơn Tây, là một trong tứ cung của xứ Đoài thờ Tản Viên Sơn Thánh - vị thần đứng đầu trong Tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian. Đền nằm trên một quả đồi thấp rộng hơn 2.000 m2, bao quanh là hàng trăm cây lim cổ thụ. Trong đền có rất nhiều di vật quý còn được lưu giữ như: khám thờ cao 3 m có bài vị Đức Quốc mẫu, ngai tam vị gồm đức thánh và hai người em, bốn pho tượng tứ trấn, 18 đạo sắc phong, 47 đôi câu đối, 18 bức hoành phi, hai tấm bia đá.

Ảnh sưu tầm

Với những giá trị to lớn nêu trên, năm 1964, Đền Và được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. 85 cây lim cổ cùng bốn cổ thụ khác được công nhận là cây di sản. Xuân Thu nhị kỳ, vào dịp tháng giêng và tháng chín hàng năm, đền Và tổ chức lễ hội đón tiếp những người con quê hương và du khách thập phương về dâng hương để tỏ lòng tri ân Đức Thánh Tản. Trong đó, lễ hội Đả ngư (tức là hội đánh cá) diễn ra vào rằm tháng chín âm lịch bắt nguồn từ một truyền thuyết Đức Thánh Tản kéo vó trên sông Tích.

Truyền thuyết kể rằng, một hôm, Thánh Tản Viên giả dạng thành một lão nông đi dạo trên sông Tích, đến đoạn giữa Cầu Vang và Má Mang thấy một ông già ngồi kéo vó. Lúc trời đứng bóng, ông già mở cơm nắm muối vừng rồi mời Ngài cùng ăn. Cảm kích trước tấm lòng của ông, Ngài hỏi thăm và muốn giúp ông việc kéo cá. Ông già than phiền vì từ sáng đến giờ chả được con nào. Ngài vui vẻ xin ông kéo thử một mẻ. Thật kỳ lạ, khi cầm vó kéo lên ông già thấy bao nhiêu là cá, cá lớn, cá nhỏ thi nhau quẫy đành đạch làm ông hoa cả mắt. Ông sung sướng vội vàng bắt cá vào giỏ. Hai người vừa bắt vừa đếm được 99 con. Thấy đáy vó còn duy nhất một con cá trê đang mang bụng chửa, ông già đã nghe lời Ngài thả nó về sông để làm phúc. Thánh Tản còn ở lại dạy ông lão cách chế biến cá thành các món ăn ngay ở nơi kéo cá nên không kịp về nhà lấy muối. Do vậy các món đều ăn nhạt. Ăn xong Thánh Tản thấy nhạt miệng liền dạy ông lão hái quả cau tươi cùng lá trầu và vỏ cây quạch đưa lên miệng nhai mà không cần dùng vôi. Lạ thay, càng nhai cụ càng cảm thấy người phấn khích, bừng nóng, miệng thơm tho chẳng còn chút tanh của cá nữa. Kể từ đó cụ già biết cách làm vó và chế biến món cá rồi dạy nhân dân trong vùng làm theo. Lại nói chuyện con cá trê, sau khi được phóng sinh đã sinh nở đầy đàn. Nhớ ơn cứu mạng, khi sắp chết, cá trê nọ đã cố bơi về gần đền Và, ngoảnh đầu bái lạy. Nơi này về sau gọi là xóm cá Trê.

Tưởng nhớ công ơn của Đức Thánh Tản, hàng năm, nhân dân trong vùng lại mở hội đánh cá trên trên sông Tích vào ngày rằm tháng chín âm lịch. Ngoài mục đích dựng lại tích Thánh Tản kéo vó, lễ hội Đả ngư còn mang tính khuyến ngư và giữ gìn môi trường sinh thái vùng sông Tích. Lệ vùng này quy định, mùa đánh cá trên sông Tích được diễn ra trong 3 tháng, nhất thiết chỉ được bắt đầu từ ngày mở hội, trước đó, ai lén lút phạm luật sẽ bị thánh giáng họa. Mỗi khi vào hội, dân hai bờ sông Tích đổ ra kín cả một khúc sông. Trai tráng dân làng các thôn Vân Gia, Nghĩa Phủ, Mai Trai, Ái Mỗ ùa ra các  đoạn sông Tích từ Thượng Cầu Vang (đoạn giáp xã Đường Lâm) đến Hạ Mả Mang (đoạn giáp thôn Ái Mỗ) để cùng đánh bắt cá tập thể. Dưới nước trai đinh nhộn nhịp bơi lội úp xúc, trên bờ dân làng thôi thúc trống chiêng cổ vũ. Ai đánh bắt được cá trắng to thì nộp cho làng, cá nhỏ thì mang về ăn. Ai được con cá nào to tâm niệm năm ấy Đức Thánh Tản sẽ phù trợ làm ăn gặp nhiều may mắn. Đánh đến khi nào chọn được 99 con cá trắng to thì mang số cá đó về làm lễ vật dâng lên Thánh Tản để cảm tạ ân đức của Ngài. Con số 99 ở hội đả ngư nhắc chuyện con cá trê mang bụng trứng được phóng sinh năm xưa. Nghĩa cử ấy hợp với việc bảo tồn nguồn thủy sản ngày nay.

Trong số 99 con cá ấy các cụ rửa sạch chế biến thành những món như: cá luộc, cá nướng, gỏi cá, món nham. Tất cả các món đều không được dùng muối. Bày biện xong các cụ cử hành lễ tế cá. Cuối buổi mọi người ngồi cùng nhau thụ lộc, tinh thần sảng khoái. Khi ăn cơm xong, mọi người cùng nhau uống nước ăn trầu (lá trầu, cau, vỏ) nhưng không được dùng vôi. Vì thế, dân gian có câu: "Hội Đền Và trầu không vôi, xôi không muối". Thông qua lễ hội giúp chúng ta nhận ra những tục lệ cổ của người Việt xưa với những tục hèm kiêng kỵ mà lễ thức ấy còn được lưu truyền đến ngày hôm nay.

Cùng với lễ hội rằm tháng giêng, lễ hội Đả ngư là nét đẹp văn hóa truyền thống đặc trưng của vùng xứ Đoài cần được bảo tồn, gìn giữ và phát huy. Ngày nay,  cứ khoảng rằm tháng tám trở đi (có năm sớm, có năm muộn) khi trên bầu trời lồng lộng gọi gió may chạy “rong đồng” thì dòng sông Tích thu mình lại. Nước sông bắt đầu lắng trong, cá của dòng sông sau một mùa nước, con nào con nấy béo tròn thì cũng là lúc dân các làng bắt đầu đánh cá. Chẳng hiểu là do đam mê hay còn một duyên cớ gì không biết, nhưng dân đi đánh cá đông nhất vẫn là dân làng Mông Phụ, Phụ Khang xã Đường Lâm. Khoảng 12 giờ trưa, không ai bảo ai, chỉ có một tiếng hú cất lên thế là xóm nào xóm nấy, không phân biệt tuổi tác và chỉ duy nhất có đàn ông trong làng tham gia đánh cá. Tất cả mình trần, những người khỏe mạnh đánh “xiếc”, đánh “rập”. Người không thích lội chạy ven bờ sông kéo “vó”. Trẻ con đánh “nơm” đánh “quạng”… Hàng trăm con người hò reo náo loạn cả một khúc sông dài. Có năm mùa nước lớn cá nhiều. Có năm mùa nước nhỏ cá ít nhưng không bao giờ thiếu cá. Những người tham gia đánh cá không phải ai cũng đánh được cá. Có người được nhiều, có người được ít, Người được nhiều dân làng gọi là “sát cá”! Cứ thế đoàn người đánh cá ào ạt xuôi dòng. Có năm đánh từ Thanh Lũng, Tiên Phong (huyện Ba Vì) đánh về. Có năm đánh từ Cầu Cốc (xã Cam Thượng) đánh xuôi. Có năm lại đánh từ Cầu Vang (xã Đường Lâm) xuôi Cầu Trì (phường Trung Hưng).

Năm 2022, thể theo nguyện vọng của nhân dân trong vùng, lễ hội Đả ngư được tổ chức như thường lệ vào ngày 10/10/2022 tức ngày 15/9 năm Nhâm Dần. Trước đó vào ngày Ngày 09/10/2022 (14 tháng 9 âm lịch) từ 14h30 phút nhà Đền làm lễ Phong triều.

Vào ngày 10/10/2022 ( tức 15 tháng 9 âm lịch). Buổi sáng: Từ 7h00 phút- 8h30 phút các đình rước lễ tập kết tại sân di tích Đền Và. Các Đình Vân Gia, Nghĩa Phủ, Mai Trai,  Ái Mỗ của phường Trung Hưng rước kiệu lễ về Đền Và. Các đình Phù Sa - phường Viên Sơn; Đình Phú Nhi - phường Phú Thịnh thuộc thị xã Sơn Tây, Đền Ngự Dội - thôn Duy Bình - xã Vĩnh Ninh - Huyện Vĩnh Tường - Tỉnh Vĩnh Phúc chỉ tiến lễ về Đền Và làm lễ.

- Từ 9h00: Tế Thánh

- Buổi chiều: 14h30 Lễ tạ; Hạ triều kết thúc Lễ hội.

Cùng với lễ hội Rằm tháng giêng, lễ hội Đả ngư là nét đẹp văn hóa truyền thống đặc trưng của vùng xứ Đoài cần được bảo tồn, gìn giữ và phát huy. Thông qua đó nhằm tôn vinh, tuyên truyền, giới thiệu và quảng bá những giá trị đặc sắc của di tích đền Và nói chung và lễ hội đền Và - di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia nói riêng; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử truyền thống của dân tộc, đồng thời nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân cùng nhau gìn giữ  những di sản văn hóa cho hôm nay và mai sau./.

 

                 Phan Thanh