Html Portlet

thời tiết các vùng

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

Thông tin du lịch

Phát huy giá trị di tích Thành cổ Sơn Tây
Publish date 10/11/2022 | 09:16

Cách đây 200 năm có một công trình kiến trúc đặc biệt đã được xây dựng ở vùng đất Sơn Tây – Xứ Đoài, vào năm Minh Mạng thứ 3 (1822). Đó là Thành cổ Sơn Tây – công trình kiến trúc quân sự độc đáo bậc nhất và cũng là tòa thành cổ đá ong duy nhất ở Việt Nam.

Đoan môn Thành cổ Sơn Tây

Theo sách Đại Nam nhất thống chí, Thành cổ Sơn Tây được xây dựng từ năm Minh Mạng thứ ba (1822) để làm trọng trấn cho cả khu vực phía Tây thành Hà Nội. Đây là một trong 20 thành được xây dựng vào triều Nguyễn nhưng chỉ có duy nhất Thành Sơn Tây được xây dựng hoàn toàn bằng gạch đá ong - loại vật liệu đáp ứng được yêu cầu bền chắc của một công trình phòng thủ, lại rất sẵn có ở xứ Đoài. Những sự kiện lớn của tòa thành liên quan đến cuộc chiến chống thực dân Pháp của triều đình nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam cho thấy, Thành là vùng “trọng địa” có chức năng che chở, bảo vệ cho đồng bằng và trung du Bắc Kỳ; đồng thời là “bàn đạp”, hậu cứ cho biên cương Tây Bắc.

Thành cổ Sơn Tây từng là nơi đặt cơ quan hành chính của một vùng xứ Đoài rộng lớn, bao gồm gần 1/2 diện tích của tỉnh Hà Tây cũ, tỉnh Vĩnh Phúc, một phần tỉnh Phú Thọ, huyện Sơn Dương của Tuyên Quang. Cùng với Thành Bắc Ninh, đây được coi là 2 gọng kìm lợi hại để bảo vệ Thành Hà Nội trước nguy cơ tấn công của thực dân Pháp. Bên cạnh đó Thành cổ Sơn Tây còn là biểu tượng cho truyền thống đấu tranh anh dũng của nhân dân Sơn Tây. Hưởng ứng chiếu Cần Vương của Vua Hàm Nghi hiệu triệu, nơi đây đã diễn ra các cuộc chiến đấu ác liệt, quả cảm, anh dũng của nghĩa quân chống lại sự tấn công của giặc Pháp. Năm 1946, tại Vọng Cung đã diễn ra cuộc họp của Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà để quyết định các vấn đề quan trọng của cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp.

Trải qua những thăng trầm và biến cố lịch sử, nhiều công trình của thành đã bị phá huỷ, tuy nhiên, nó vẫn còn nguyên vẹn hình dạng và những dấu tích của mình. Toàn bộ tường và cổng thành được xây bằng đá ong và gạch cổ. Chất liệu và sắc màu đặc trưng của những loại vật liệu truyền thống này càng trải qua thời gian càng làm toát lên vẻ thâm trầm, bền bỉ cùng kiến trúc. Trong khu vực nội thành thiết kế nhiều khuôn viên thoáng rộng, công trình kiến trúc theo phong cách truyền thống như Kỳ Đài (cột cờ), Hành Cung (còn gọi là Vọng Cung hay Điện Kính Thiên), Đoan Môn… Hai hồ nước trong xanh phía trước cột cờ cũng là nơi nghỉ chân của nhiều người dạo chơi. Gió lộng làm tung bay lá cờ đỏ sao vàng trên đỉnh Kỳ Đài như gạt bỏ đi bao nỗi niềm, làm xao lòng người vãn cảnh. Hình ảnh ấy nhắc nhớ trong tâm thức mỗi người niềm tự hào thiêng liêng về truyền thống văn hóa và lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc.

Với tính chất quan trọng về văn hóa, lịch sử cùng kỹ thuật xây dựng độc đáo, ngay từ năm 1924, Thành cổ Sơn Tây được Toàn quyền Đông Dương ra nghị định xếp hạng di tích; năm 1994, được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Thành cổ Sơn Tây nhìn từ trên cao

Từ lâu, Thành cổ đã trở thành địa điểm tham quan, thư giãn của người dân cũng như du khách thập phương mỗi khi tới thăm Sơn Tây, mảnh đất xứ Đoài nghìn năm văn hiến. Được ví như lá phổi xanh giữa lòng đô thị, tòa thành được ôm trùm bởi nhiều cây đại thụ lâu năm cùng với thảm  thực vật phong phú như xà cừ, cơm nguội, gạo, bồ kết, phượng vĩ, bằng lăng, dây leo… Những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi như những nhân chứng của lịch sử vẫn đang tiếp tục tỏa bóng dõi theo sự tồn tại và nhịp sống nơi đây. Những bộ rễ sần sùi vươn dài ôm trọn lấy những bức tường rêu phong, những cổng thành tạo một nét đẹp thâm trầm, cổ kính. Với diện tích 16 ha cùng một thảm thực vật phong phú, Thành cổ Sơn Tây được coi như một lá phổi khổng lồ điều tiết không khí trong lành cho cả khu vực nội thị. Đây là một lợi thế mà thiên nhiên đã ban tặng cho Thành cổ và chính cái nền xanh ngút ngàn đó đã tôn thêm giá trị về cảnh quan cho di tích, tạo sức hút cho du khách mỗi dịp ghé thăm.

Tham quan, giới thiệu di tích Thành cổ Sơn Tây tới du khách 

Trải qua 200 năm tồn tại, Thành cổ Sơn Tây không chỉ là công trình có giá trị lịch sử, quân sự mà còn là di sản có ý nghĩa và vai trò vô cùng lớn lao về mặt văn hóa, du lịch. Ý thức được giá trị to lớn của di tích Thành cổ, thị xã Sơn Tây xác định sẽ lấy văn hóa làm tài nguyên, làm nền tảng để phát triển kinh tế, thúc đẩy du lịch với mục tiêu đưa Sơn tây trở thành cực tăng trưởng, kết nối vùng Tây Bắc của Thủ đô. Nhằm phát huy giá trị di tích Thành cổ Sơn Tây, thị xã Sơn Tây đã và đang tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm “đánh thức” tiềm năng di sản, như: Duy trì tuyến phố đi bộ xung quanh hào Thành cổ; tham vấn ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học uy tín; xây dựng chuỗi trải nghiệm di sản “Thành cổ - Văn Miếu - Đền Và - Đường Lâm”…Bảo tồn, phát huy hiệu quả di tích Thành cổ Sơn Tây sẽ góp phần khẳng định vị trí, vai trò, giá trị tiêu biểu của công trình này trong lịch sử, đồng thời khơi dậy tiềm năng phát triển du lịch văn hóa Thăng Long - Hà Nội. 

Kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây là sự kiện chính trị, văn hóa lớn của thị xã nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm sâu sắc của thế hệ hôm nay đối với di sản văn hóa của cha ông để lại;  tôn vinh, giới thiệu và quảng bá những giá trị văn hóa tiêu biểu, độc đáo di tích của Thành cổ Sơn Tây và những tiềm năng của thị xã Sơn Tây nhằm thu hút du khách thập phương về với vùng đất “địa linh nhân kiệt” “Về Sơn Tây, về miền di sản”; khơi dậy tiềm năng, thúc đẩy xúc tiến đầu tư, phát triển kinh tế du lịch, thương mại, dịch vụ, kinh tế đô thị trên địa bàn,  xây dựng thị xã Sơn Tây ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

 

                       Phan Thanh