Giới thiệu
điều kiện tự nhiên
Ngày đăng
08/12/2015 | 23:17
| View count: 12970
Nằm ở vị trí địa lí tương đối thuận lợi với hai tuyến đường chạy qua là Quốc lộ 21A ; Quốc lộ 32 thuận lợi cho giao thông đường sông, lại có tiềm năng lớn về phát triển du lịch - thương mại, mảnh đất Sơn Tây được đánh giá có nhiều lợi thế để phát triển nền kinh tế đa dạng. Trong những năm qua, nhờ tận dụng, phát huy tiềm năng, lợi thế trên, bức tranh kinh tế thành phố luôn có gam màu sáng với tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình đạt 9,8%/ năm. Trong đó, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp là ngành kinh tế chủ đạo, chiếm tỷ trọng 43,2%GDP.
Theo số liệu thống kê của Ủy ban nhân dân Thành phố Sơn Tây, giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố giai đoạn 2000 - 2003 là 344 tỷ đồng, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 12,5%/năm (trong khi mục tiêu Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI đề ra cho năm 2005 là 12%/năm), gồm các ngành nghề chính như: chế biến nông sản thực phẩm, may mặc, cơ khí điện, sản xuất vật liệu xây dựng,… Thực hiện Nghị quyết 03/NQ/TƯ (khóa IX), Thành phố đã cụ thể hóa bằng Nghị quyết 25/NQ/TƯ ngày 19-10-2001 về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước và phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2001 - 2005. Trên cơ sở đó, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo các ban, ngành chức năng xây dựng kế hoạch hướng dẫn, giúp đỡ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp vay vốn để cải tiến đổi mới công nghệ, thiết bị kỹ thuật sản xuất, mở rộng liên doanh, liên kết, bao tiêu sản phẩm, đảm bảo đời sống ổn định cho người lao động. Năm 2003, 80% số doanh nghiệp của thành phố đã tiến hành cổ phần hóa và đã đạt được những bước tiến khả quan trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, khẳng định hướng đi trên là đúng đắn, kịp thời và rất có hiệu quả.
Để phục vụ cho mục tiêu phát triển công nghiệp, thời gian qua thành phố đã triển khai quy hoạch điểm công nghiệp Phú Thịnh, Sơn Đông, đồng thời bổ sung thêm ba cụm và một điểm công nghiệp với tổng diện tích 416 ha. Đến nay, các điểm công nghiệp đã thu hút 26 dự án, trong đó có 10 dự án đang làm thủ tục thuê 86 nghìn m2 đất và hai dự án bắt đầu đi vào hoạt động. Các dự án đi vào hoạt động đã góp phần giải quyết việc làm cho trên 450 người, tăng nhanh giá trị sản xuất công nghiệp ở thành phố.
Bên cạnh sản xuất công nghiệp, hoạt đông thương mại - du lịch - dịch vụ trên địa bàn phát triển tương đối khá. Tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành thương mại đạt 13,9%/năm. Riêng năm 2003, tổng doanh thu thương mại đạt khoảng 352 tỷ đồng tăng 30,4% so với năm 2001. Trong đó, doanh thu từ hoạt động du lịch và dịch vụ tư nhân, tăng từ 113 tỷ đồng (năm 2001), lên 131 tỷ đồng (năm 2003). Kết quả này cho thấy vai trò không nhỏ của khối kinh tế tư nhân trong phát triển kinh tế nói chung, ngành du lịch nói riêng. Tuy nhiên, với giá trị thu được còn nhỏ bé, ngành du lich - thương mại - dịch vụ vẫn bộc lộ nhiều hạn chế trong việc phát huy tiềm năng, thế mạnh về du lịch của địa phương. Trong thời gian tới, để đẩy mạnh tốc độ phát triển kinh tế du lịch nhằm đưa ngành này trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thành phố Sơn Tây đang chủ trương xây dựng quy hoạch hạ tầng cơ sở du lịch như quy hoạch cụm di tích lịch sử - văn hóa Đường Lâm, đầu tư xây dựng các điểm du lịch ở Đồng Mô, Xuân Khanh, tích cực thực hiện công tác quảng bá du lịch đến với bạn bè trong nước và quốc tế về tiềm năng du lịch của Sơn Tây,…Đây là những động thái tích cực tạo đà phát triển mạnh mẽ hơn nữa cho ngành du lịch, dịch vụ của thành phố trong tương lai.
Chiếm 20,7%GDP, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp tục ổn định và phát triển. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp bước đầu đạt kết quả khả quan, tỷ trọng chăn nuôi chiếm 50% giá trị toàn ngành. Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân 4,6%/năm. Để chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa theo hướng ổn định và bền vững, thành phố đã chỉ đạo quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn và phát triển chăn nuôi bò sữa, đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại. Đến nay, toàn thành phố có 54 trang trại với diện tích là 315 ha kinh phí đầu tư 11.195 triệu đồng, trong đó có nhiều trang trại phát triển với quy mô lớn, sản xuất chăn nuôi theo công nghệ tiên tiến hiện đại. Những kết quả này đã tích cực góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định, nâng cao đời sống nhân dân, từng bước thay đổi diện mạo nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.