Giới thiệu

Ý nghĩa, giá trị lễ hội truyền thống đối với người dân thị xã Sơn Tây
Ngày đăng 27/01/2016 | 16:06  | View count: 26738

 

              Sơn Tây còn bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá phi vật thể mà lễ hội là minh chứng điển hình. Các lễ hội truyền thống, trò chơi dân gian, phong tục, nếp sống đẹp được nghiên cứu, sưu tầm, khôi phục lại qua 73 lễ hội được tổ chức hàng năm như: lễ hội đền Và, lễ hội truyền thống đình Phú Nhi, đình Đệ Nhị... Theo chu kỳ mỗi năm, trên địa bàn thị xã Sơn Tây còn bảo tồn 73 lễ hội. Phần lớn các lễ hội là lễ hội làng, tổ dân phố. Riêng lễ hội đền Và (phường Trung Hưng) là lễ hội vùng. Các lễ hội diễn ra có đặc điểm nổi bật là các trò diễn thường nhằm nhắc lại những sự tích về các vị thần được thờ tại di tích như: Tam Vị Thánh Tản là vị thần khai sáng văn hóa, dạy dân đánh bắt, dẹp giặc cứu nước… Các phong tục, kị hèm trong lễ hội gắn liền với sự tích về vị thần. Ví dụ: đền Măng Sơn, đình Phú Nhi, đền Và...có tục đánh cá thờ và lễ rước nước. Quá trình tổ chức ở hầu hết các lễ hội, phần hội đều có nhiều trò chơi dân gian truyền thống. Lễ hội truyền thống trên địa bàn thị xã Sơn Tây có cấu trúc và mang đặc trưng cơ bản của lễ hội truyền thống của cư dân đồng bằng Bắc Bộ. Lễ hội không đơn lẻ, nó là một hệ thống liên kết có trật tự cùng hỗ trợ cho nhau thường gồm: lễ rước nước, lễ mộc dục, lễ tế gia quan, lễ rước, lễ đại tế, lễ túc trực (dâng hương), lễ hèm (thể hiện các trò diễn), lễ tạ tịch (hoá mã). Trong 73 lễ hội thì mỗi lễ hội trên địa bàn thị xã có đặc điểm và nội dung khác nhau do có sự khác nhau của mỗi địa phương, quy mô di tích, lịch sử hình thành di tích và lễ hội, song đều có chung một kết cấu như sau:

          - Lễ rước nước: trước khi vào đám một ngày, cộng đồng làng cử hành lấy nước từ giữa dòng sông, giữa giếng làng về đình hoặc đền, nước thường đựng vào chóe sứ hay bình sứ đã lau chùi sạch sẽ. Nước được múc bằng gáo đồng và được bọc qua lớp vải để trên miệng bình, chóe rồi đưa lên kiệu rước về nơi thần linh án ngự.

          - Lễ mộc dục: kiệu rước nước về, cộng đồng làng cử hành luôn lễ mộc dục (tức lễ tắm rửa tượng thánh thần), công việc này thường giao cho một số người có uy tín do cộng đồng làng chọn và tín nhiệm. Thắp hương dâng lễ rồi tiến hành công việc một cách nghiêm trang thận trọng. Tượng thần linh được tắm rửa hai lần, lần thứ nhất là nước ở kiệu rước về, lần thứ hai bằng nước ngũ vị hương hoặc hương trầm đã chuẩn bị từ trước. Gọi là tắm rửa nhưng thực chất là lấy khăn, vải sạch nhúng vào nước để lau chùi nhẹ nhàng lên tượng thánh thần. Nước lau chùi thứ hai gọi là nước thánh để các vị hương lão, chức sắc, người mở hội dự hội nhúng tay xoa lên mặt, xé miếng vải, khăn lau tượng thánh thần lau mặt mũi chân tay để được "lấy nước", "lấy lộc".

          - Lễ tế gia quan: là lễ mặc áo, đội mũ cho tượng thần. Nếu không có tượng mà chỉ có bài vị thì áo mũ đặt lên ngai. Tất cả những đồ trang phục này được chuẩn bị niêm phong cẩn thận trước ngày mở hội.

          - Lễ rước: là đám rước đón vị thần tư nơi ngài án ngự về đình làng, đền gọi là (phụng nghiêng hồi đình) được tổ chức để các ngài thần vị xem hội, dự hưởng lễ vật dâng lên từ tấm lòng thành kính nhất mực của toàn thế cộng đồng dân làng. Đám rước cũng có thể trong từng lễ hội là dịp tái hiện các trò, các sự tích tiêu biểu vẻ vang nhất.

          - Lễ đại tế: là nghi thức trang trọng nhất, khi tượng thần hay bài vị được đám rước đưa về đình, đền, lễ đại tế thường dâng 6 tuần rượu và lễ vật như lợn, gà, trâu, bò, xôi, oản để cúng thần linh. Đại tế do Ban tế lễ thực hiện gồm 17 đến 21 người. Nội dung của lễ đại tế là đốn rượu thỉnh mời thần linh về dự hội hưởng lễ vật, đồng thời là dịp cộng đồng dân làng kính ý chúc tụng, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc và cầu mong thần linh bảo trợ phù hộ cho cộng đồng dân làng.

          - Lễ túc trực: (trước đây là lễ trông nom canh giữ thần linh hoặc bài vị từ miếu, nghè ra đình, đền và từ đình, đền về miếu nghè). Ngày nay, các lễ hội truyền thống trên địa bàn quận thay bằng lễ dâng hương, đầu tiên là ban tế lễ sau đến là các tổ chức đoàn thể xã hội và dân làng dâng hương.

          - Lễ hèm: là lễ thể hiện các trò diễn tái hiện lại công trạng chiến tích của các vị thần linh, các anh hùng dân tộc, những người có công với dân với nước.

          - Lễ tạ tịch: (hoá mã) Sau khi công việc được hoàn thành và bàn giao các thủ tục thanh quyết toán, mua sắm, vào sổ công đức, thì các thành viên trong Ban Tổ chức lễ hội và Chủ tế đứng trước Ban thờ Lễ tạ tịch, sau nghi thức này thì thực hiện hoá mã và đóng cửa đình, cửa đền, bàn giao lại việc coi sóc cho cụ Thủ từ trông nom.

           Lễ hội là dịp vui chơi, giải trí sau những ngày làm việc vất vả. Nó không bị ràng buộc bởi nghi lễ tôn giáo, đẳng cấp, lứa tuổi, giới tính. Nếu phần lễ là những nghi thức thờ cúng thiêng liêng có tính quy phạm trật tự được cử hành ở chốn trung đình thì hội là những sinh hoạt dân dã, phóng khoáng trên sân đình để dân làng dự hội cùng tự do bình đẳng vui chơi tham gia và hưởng ứng vào các trò chơi dân gian và đương đại: trò chơi thượng võ (đua thuyền, kéo co, cầu lông, bóng chuyền hơi, bóng đá...); trò chơi chiến đấu (diễn trận); trò chơi thi tài (hát quan họ; biểu diễn văn nghệ); trò chơi giải trí (cờ người, tổ tôm, đánh đáo...).

          Các nghi thức tế lễ kết hợp chặt chẽ với các trồ chơi phần hội thể hiện sự gắn kết cộng đồng, đã làm nên ý nghĩa văn hóa thiêng liêng của lễ hội truyền thống.

           Cũng như nhiều làng quê khác, các lễ hội truyền thống ở thị xã Sơn Tây gắn chặt với những ngôi đình làng và ngôi đền mang tin ngưỡng của người Việt cổ (tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng nông nghiệp, tín ngưỡng thờ thành hoàng làng, tín ngưỡng thờ anh hùng dân tộc), trong đó ở hầu hết đều xuất phát từ tín ngưỡng nông nghiệp gắn với tín ngưỡng thờ tứ bất tử, thờ thành hoàng làng, mang tính cội nguồn sâu đậm. Lễ hội thường được mở ra vào mùa xuân, là những kỳ tế lễ thành hoàng, lễ đón mừng năm mới, Lễ hội mùa xuân chính là sản phẩm tinh thần được hình thành từ sản xuất nông nghiệp trồng lúa nước gắn với cầu mưa thuận gió hòa, hoạt động trị thủy, chống lại thiên tai, bão lũ, khai hoang lập ấp... Mặc dù trong lễ hội truyền thống ở thị xã Sơn Tây, chúng ta có thể tìm thấy bóng dáng những lễ hội ở những miền quê khác với các trò rước nước, bơi thuyền, chọi gà... Song có những lễ hội với những nghi thức dân gian cổ, độc đáo mà chỉ thấy ở Sơn Tây như: Lễ hội Đền Và (xuân thu nhị kì và 3 năm có một hội chính, là một lễ hội lớn và có sự liên kết chặt chẽ từ các lễ hội quanh vùng), lễ hội Đình Phung Hưng, lễ hội Đền Ngô Quyền kể về sự tích 2 vị vua trong lịch sử Việt Nam...

           Lễ hội truyền thống ở thị xã Sơn Tây còn phản ánh hình ảnh các anh hùng dân tộc, những tên tuổi gắn liền với các sự kiện lịch sử dựng nước và giữ nước Xã Đường Lâm - thị xã Sơn Tây còn được mệnh danh là vùng đất "đế vương", là nơi duy nhất trên đất nước ta có "một ấp sinh hai vua" đó là hai vị vua: Phùng Hưng và Ngô Quyền… Đường Lâm cũng là quê hương của bà Ngô Thị Ngọc Diệu, người con gái tài hoa, đã từng được chúa Trịnh rất yêu mến, bà đã có công dạy dân làm nghề trồng mía, xây dựng chợ Mía, chùa Mía, chùa Viễn, cảng Tân Hà...được nhân dân tôn vinh, lập đền thờ riêng bà ở đền Phủ (thôn Đông Sàng) và gọi bà là "Bà Chúa Mía". Không chỉ là đất dụng võ, Sơn Tây còn sinh ra những văn tài thao lược, ngoại giao xuất sắc như Thám hoa Giang Văn Minh (1582 - 1639), Phó bảng Kiều Oánh Mậu sinh năm Giáp Dần (1854), Tiến sĩ Kiều Phúc làm quan đến chức Hiệu thư ở viện Hàn Lâm thời Lê Thánh Tông; Đốc học Đỗ Doãn Chính, Khâm sai Đại thần Phan Kế Toại (1892 - 1973), Bộ trưởng Hà                   Kế Tấn sinh năm 1912, Phan Kế An sinh năm 1923 là một họa sĩ Việt Nam nổi tiếng.

Cũng như các vùng khác, lễ hội truyền thống ở thị xã Sơn Tây là một kho tàng phản ánh đầy đủ các mặt về đời sống sinh hoạt vật chất và văn hóa tinh thần của người Việt nói chung và của người dân Sơn Tây, Hà Nội nói riêng một cách chân thực và rõ nét, bởi chính những giá trị mà lễ hội mang đến.

           Trước hết, lễ hội đã tạo sự gắn kết, biểu dương sức mạnh cộng đồng, thể hiện mối quan hệ giao tiếp ứng xử giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với cộng đồng. Hầu hết lễ hội ở thị xã Sơn Tây là hội làng. Hội làng hàm chứa một tâm tưởng vừa kín đáo, vừa sâu xa, vừa lan tỏa bao trùm, là sự thờ cúng các vị thánh thần. Hình ảnh thánh thần là hội tụ của những phẩm chất cao đẹp và thiêng liêng mà cả cộng đồng làng hướng tới. Hội làng tập hợp mọi thành viên có chung một khát vọng sống, một niềm tin gắn bó thành một khối để biểu dương và minh chứng cho uy quyền của mình và cộng đồng và mỗi thành viên bằng thái độ hưởng ứng và tinh thần tham dự đã bày tỏ tình cảm và trách nhiệm của mình với cộng đồng. Hội làng cũng là nơi thu hút toàn bộ các hoạt động văn hóa - nghệ thuật - thể thao và các trò vui chơi của cộng đồng làng xã. Do đó, vào những ngày hội cũng là dịp để cả cộng đồng làng ấy gồm tất cả các thành viên trong làng từ già trẻ, trai gái, lớn bé, ai nấy cùng nhau làm những việc để tổ chức hội, cùng nhau hưởng thụ và vui chơi. Chính vì thế, lễ hội là dịp biểu dương sức mạnh của cả cộng đồng và là chất kết dính tạo nên sự gắn kết cộng đồng. Sự gắn kết cộng đồng này cũng chính là nhu cầu của cộng đồng trong sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hoá mà lễ hội là môi trường quan trọng tạo nên sức mạnh đó.

           Thứ hai, lễ hội truyền thống có giá trị hướng về cội nguồn. Từ cội rễ ban đầu là lễ hội nông nghiệp, dần dần lễ hội mang trong mình dòng chảy của các sự kiện lịch sử. Lễ hội ra đời và tồn tại liên tục trong suốt chiều dài lịch sử của người Việt nói chung và của cư dân Sơn Tây, Hà Nội nói riêng, là hình thức sinh hoạt văn hóa phổ biến của cộng đồng. Lễ hội truyền thống vừa là hoạt động tín ngưỡng tôn giáo thờ cúng các vị thần linh, vừa là hoạt động vui chơi giải trí, là sinh hoạt văn hóa tinh thần lại cùng gắn bó trực tiếp với hoạt động sản xuất vật chất. Trong lễ hội, những hình ảnh về con người, lịch sử, văn hoá truyền thống được trở về, tìm lại và khẳng định cái nguồn gốc cộng đồng và bản sắc văn hoá riêng của mỗi cộng đồng làng, đã giúp cho mỗi người dân Sơn Tây, Hà Nội hiểu rõ hơn, khắc đậm hơn vào tâm thức về cội nguồn gốc tích và truyền thống của quê hương, đất nước. Đây cũng là dịp gặp gỡ giao lưu văn hoá với nhau, là dịp để đánh giá những kết quả đã làm được của một hay nhiều năm trước để càng vui mừng và tự hào thêm về quê hương, đất nước, để càng thấy trách nhiệm hơn với quê hương, đất nước, với nguồn cội của mình.

            Thứ ba, việc tổ chức và tham gia lễ hội giúp cân bằng đời sống tâm linh. Trong lễ hội truyền thống, không thể không có nghi lễ thờ cúng thần linh. Đây là yếu tố hàng đầu, là linh hồn, là nguồn cảm hứng xuyên suốt lễ hội. Lễ hội nào cũng gắn với việc thờ cúng một vị thần, một danh nhân văn hóa hay một anh hùng có công dựng nước và giữ nước đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ cộng đồng dân cư, hoặc khai hoang lập ấp. Nghi lễ thờ cúng thần linh là bày tỏ lòng tôn kính đối với những công lao to lớn của họ, đồng thời cũng làm thoả mãn nhu cầu về đời sống tâm linh của con người.

           Ở lễ hội truyền thống, cuộc sống được tái hiện dưới hình thức của nhiều trò diễn. Nhưng, không gian và thời gian của lễ hội khác với không gian và thời gian bình thường. Đó là thời điểm mạnh và không gian thiêng. Sự linh thiêng in đậm trong nhiều mặt của đời sống xã hội. Trong hội, ta thấy đâu đây các thế lực siêu nhiên trở về khiến cho ngày hội tồn tại trong một hình thức khác thường, một hiện thực ít nhiều có tính chất huyền ảo, sức cảm hóa của thời điểm mạnh và không gian thiêng được nhân lên gấp bội. Lễ hội nhờ đó mà tác động mạnh mẽ và sâu sắc vào đời sống tâm linh, vào việc hun đúc tâm hồn, tính cách mỗi con người.

           Thứ tư, lễ hội truyền thống thể hiện sự sáng tạo và hưởng thụ văn hoá của mỗi người dân, đồng thời thông qua lễ hội, những sáng tạo văn hoá ấy được bảo tồn và trao truyền cho thế hệ sau. Những ngày hội, mọi người dân được hóa thân, nhập cuộc, vừa tham gia sáng tạo, lại vừa hưởng thụ những phong tục, nghi lễ, những sinh hoạt văn hóa văn nghệ, nghệ thuật dân gian. Và mỗi lần, mỗi người dân, khi tham gia vào các nghi lễ, các trò chơi ngày hội, đã bảo lưu, làm giàu và phát huy những giá trị văn hoá đó trong môi trường lễ hội. Chính vì vậy, trải qua bao thế hệ nhưng những giá trị văn hoá tiêu biểu như: những bài vè, dân ca; những nghi thức; những trò chơi: kéo co, đánh cờ người, chọi gà, đấu vật, bơi chải... đến nay vẫn trường tồn trong các lễ hội truyền thống ở thị xã Sơn Tây.

           Có thể thấy những giá trị còn đọng lại cho đến hôm nay trong lễ hội truyền thống ở thị xã Sơn Tây đã làm thành một mảng đời sống tinh thần của mỗi người dân Việt nói chung và người dân thị xã Sơn Tây, Hà Nội nói riêng, tạo thành lối sống và ứng xử văn hóa, được mọi người cảm nhận trong gắn kết cái đẹp và cái thiêng liêng. Với sự gắn kết ấy, những lễ hội truyền thống của Thị xã được bảo tồn và trở thành một giá trị tinh thần cao vợi, tạo nên tầm cao của chủ nghĩa nhân đạo, tình cảm thiết tha yêu quê hương đất nước, tinh thần đoàn kết cộng đồng, tạo niềm phấn khởi trong mỗi người dân tham gia.