Tin tức - Sự kiện

Chuyện nữ lái xe Trường Sơn
Ngày đăng 23/05/2019 | 09:34  | View count: 1753

Trong lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, trung đội nữ Lái xe Trường Sơn đã đi vào huyền thoại. 60 năm sau, họ gặp lại nhau. Những ký ức về năm tháng vượt mưa bơm bão đạn lái xe Zin 130, Gaz 51, Gaz 96... ùa về.

Năm 1966, chưa đến 17 tuổi, cô gái Nguyễn Thị Huề xung phong vào bộ đội. Năm 1967, vào chiến trường học lái xe, vừa tròn tuổi mười tám, cô gái gầy nhom ngày ấy là trung đội trưởng trung đội nữ lái xe Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh. . Đường ra trận ngày ấy vẫn có hoa, có lá, ngân nga những câu hát, những người con gái lái xe Trường Sơn với sức mạnh quật khởi xuôi ngược trên tuyến đường khói lửa đầy mưa bom bão đạn

"Học 45 ngày, chủ yếu học lái xe và học để tự sửa chữa được xe. Cô nào khỏe tay lái, lái vững thì một mình một xe, ai yếu thì 2 người một xe. Lúc đó tôi một mình một xe. Vào chiến trường, nam giới khổ một thì chúng tôi khổ mười nhưng chị em động viên nhau gắng lên" - những ký ức Trường Sơn ùa về khiến bà Huề  rưng rưng

Dù là các cô gái “chân yếu tay mềm” và chỉ qua 45 ngày đào tạo lái xe, các cô gái đã lái được nhiều loại xe, vượt qua những cung đường mưa bom ác liệt - Ảnh tư liệu

Từ ngày nhập ngũ cho tới khi đất nước thống nhất, các chị lái xe đi khắp các tuyến đường của tỉnh Quảng Bình, qua các binh trạm 9, 12, 14, 23 với nhiệm vụ chuyên chở hàng hóa, bộ đội vào tuyến trong và thương binh ra tuyến ngoài. Đường Trường Sơn gập ghềnh khúc khuỷu, qua bao núi cao vực sâu, xuyên rừng vượt suối dưới bom đạn quân thù mà lòng các nữ chiến sỹ không bao giờ nao núng. Trung đội nữ lái xe vượt Cổng Trời, vượt khe Tang, khe Ve, khe Giao, khích lệ cánh lái xe nam giới lái xe vượt khẩu.

Ngày nghỉ đêm đi, dò dẫm, miệt mài, đi trong ánh đèn gầm lờ mờ, kinh nghiệm trong đầu và trọng trách trên vai, chưa một lần các cô gái lái xe Trường Sơn chùn bước. Không những vận chuyển gạo, quân trang, vũ khí vào chiến trường, các chị nhiều khi còn làm cả văn công, y tá, hộ lý chăm sóc phục vụ thương binh, làm liên lạc mang những lá thư tâm sự của những người lính chiến nơi tiền phương gửi về hậu tuyến.

Nhớ lại những ngày tháng hào hùng, bà Huề bồi hồi: Sau ngày toàn thắng, cả trung đội lái xe duyệt binh ngày 2 tháng 9 năm 1975 tại Quảng trường Ba Đình, bánh xe lăn từ từ qua lễ đài trong tiếng quân nhạc trầm hùng, lòng chúng tôi lâng lâng niềm tự hào khó tả. Bao tháng ngày gian khổ, hiểm nguy nhưng vô cùng oanh liệt cứ hiển hiện, cứ bồi hồi trong mỗi con tim.

Bà Huề (trái) tại Lễ kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn thị xã Sơn Tây

Thời gian trôi qua, chị em trung  đội lái xe ngày nào người mỗi ngả, bà Huề cùng một số chị em trở về trường đào tạo lái xe quân đội. Tuổi thanh xuân trôi qua trong đại ngàn Trường Sơn, mưa bom bão đạn, chất độc hóa học, muỗi rừng vắt suối, sốt rét tái môi, vàng da rụng tóc, nhiều chị em lỡ nhịp chồng con. Nhiều chị long đong lận đận, ngược xuôi tất tả việc mưu sinh…

“Chị Phùng Thị Viên, đại đội trưởng bị bệnh hiểm nghèo, khi chúng tôi vào viện thăm, chị nắm tay chúng tôi, dặn dò qua nước măt: “ Đời có thể quên chị em mình, nhưng chị em mình đừng quên nhau các em nhé!” Từ ấy, chúng tôi tập hợp nhau lại, những nữ chiến sỹ lái xe ngày ấy đến giờ, dù người còn người mất vẫn dành cho nhau tình cảm nồng nàn” – bà Huề rưng rưng.

Sau này, vợ chồng nhà văn Chu Lai, ban Phụ nữ quân đội, Binh đoàn 12, truyền hình VTV3, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã tìm đến các chị, động viên thăm hỏi, đưa tin… Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên và tổng cục Hậu cần tặng mỗi chị em một bộ quân phục, để mặc mỗi khi gặp nhau. Nhờ vậy, trung đội nữ lái xe Trường Sơn được cả nước biết đến, cả nước yêu thương. Các chị được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chủ tịch Nguyễn Minh Triết, phó chủ tịch Trương Mỹ Hoa, các bộ trưởng Phùng Quang Thanh, Ngô Xuân Lịch… Các chị em có hoàn cảnh khó khăn được trợ cấp tiền sửa nhà…

Ngày 17 tháng 12 năm 2014, đơn vị nữ lái xe Trường Sơn được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, được tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Ba. Đại đội trưởng Phùng Thị Viên được truy tặng danh hiệu Anh hùng Quân đội. Cô trung đội trưởng Nguyễn Thị Huề ngày nào giờ là Chủ tịch Hội bộ đội Trường Sơn phường Xuân Khanh cùng các chị em vẫn luôn giữ vững phẩm chất bộ đội Trường Sơn, tiếp tục góp sức xây dựng quê hương Sơn Tây ngày càng giàu đẹp./.

 

Đặng Thức