Tin tức - Sự kiện

Tăng cường phòng, chống bệnh Dại và triển khai các giải pháp quản lý chó nuôi trên địa bàn thị xã Sơn Tây
Ngày đăng 19/04/2024 | 16:15  | View count: 70

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2023 cả nước có 82 người chết vì bệnh Dại tại 30 tỉnh, thành phố, 674.888 người bị động vật cắn đã phải điều trị dự phòng bệnh Dại, tăng 45% so với năm 2022 (trong đó 80% trường hợp là do chó, 18% do mèo, còn lại do các loại động vật khác như khỉ, chuột, dơi). Chỉ trong 02 tháng đầu năm 2024, đã có 18 người tử vong do bệnh Dại ở 14 tỉnh, thành phố, tăng 9 ca so với cùng kỳ năm 2023, số người phải điều trị dự phòng bệnh Dại lên tới gần 70.000 người, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023.

Điểm tiêm vắc xin phòng bệnh Dại tại phường Lê Lợi

Nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cấp chính quyền trong phòng, chống bệnh Dại và quản lý đàn chó, mèo nuôi; nâng cao nhận thức của người dân khi nuôi chó, mèo phải tuân thủ các quy định của Nhà nước, có trách nhiệm  với cộng đồng, góp phần ổn định kinh tế - xã hội ở địa phương, UBND thị xã Sơn Tây đã ban hành kế hoạch số 179/KH – UBND về việc tăng cường phòng, chống bệnh Dại và triển khai các giải pháp quản lý chó nuôi trên địa bàn thị xã Sơn Tây.

Theo đó, UBND thị xã yêu cầu Phòng Kinh tế thị xã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã, UBND các xã, phường và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai quyết liệt, có hiệu quả công tác phòng, chống bệnh Dại theo đúng quy định của pháp luật về Thú y, pháp luật về phòng, chống bệnh  truyền nhiễm. Thực hiện việc tiêm vắc xin phòng bệnh Dại cho đàn chó, mèo hàng năm theo sự chỉ đạo của Thành phố và hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và phát  triển nông thôn Hà Nội. 100% các xã, phường thực hiện truyền thông nguy cơ và nâng cao nhận  thức về bệnh Dại trong cộng đồng, trường học. Tổ chức thông tin tuyên truyền bằng mọi hình thức về mức độ nguy hiểm của bệnh Dại động vật và cách phòng,  chống. Nội dung tuyên truyền tập trung vào Đặc điểm, triệu chứng bệnh Dại; nguy cơ và cách phòng, chống; các quy định về quản lý chó nuôi để phòng bệnh Dại đối với chủ vật  nuôi; các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong phòng, chống bệnh Dại và quản lý chó nuôi. UBND các xã, phường thực hiện việc quản lý, lập sổ theo dõi đàn chó, mèo nuôi; Ký cam kết đối với 100% các hộ nuôi chó, mèo; kê khai chăn nuôi theo quy định.  100% xã, phường thành lập, duy trì có hiệu quả hoạt động của Đội chuyên trách bắt chó giữ thả rông và động vật mắc bệnh Dại, nghi mắc bệnh Dại  nơi công cộng. Toàn thị xã tổ chức thực hiện đồng bộ việc bắt chó thả rông trên địa bàn thị xã từ  ngày 30/5/2024.

 

Người dân xã Cổ Đông đưa chó, mèo đi tiêm vắc xin phòng bệnh Dại

 

Bệnh Dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra, vi rút chủ yếu  tồn tại trên chó, mèo chưa được tiêm vắc xin phòng dại. Người thường bị mắc bệnh dại do bị chó mắc bệnh dại cắn, nếu không được điều trị kịp thời sẽ bị tử vong. Vì vậy, mỗi người dân cần phát huy hơn nữa ý thức cá nhân cùng tinh thần trách  nhiệm đối với cộng đồng và cùng cam kết thực hiện: Không nuôi chó, mèo mà không tiêm phòng dại; không nuôi chó, mèo chưa khai báo với chính quyền địa phương; không nuôi chó, mèo thả rông; không để chó, mèo cắn người;  không nuôi chó gây ô nhiễm môi trường… Qua đó góp phần chung tay cùng cấp ủy, chính quyền địa phương chấm dứt việc chó thả rông tại các khu vực công cộng trên địa bàn thị xã, xây dựng xã, phường văn hóa, văn minh đô thị, tiến tới xây dựng vùng an toàn bệnh Dại.

 

        Phan Thanh