Bệnh nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn là bệnh truyền từ động vật sang người qua đường tiêu hóa, thường gặp nhất khi ăn thực phẩm từ lợn dạng sống hoặc chưa nấu chín.
Nhiều trường hợp, chỉ sau vài giờ đến vài ngày ăn thức ăn bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn sẽ xuất hiện triệu chứng như sốt cao, đau đầu, mệt mỏi, nôn mửa, rối loạn tiêu hóa, thậm chí có thể tử vong. Bệnh có thể lây truyền sang người qua ba con đường: tiếp xúc trực tiếp với lợn bệnh hoặc sản phẩm từ lợn bệnh như thịt, sữa, máu, nước tiểu, phân; tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm bởi phân, nước tiểu, máu của lợn bệnh; tiếp xúc với vết thương hở khi giết mổ, chế biến lợn bị mắc bệnh.
Thời điềm hiện nay đang là mùa Hè, nguy cơ ngộ độc thực phẩm và lây truyền dịch bệnh rất cao, đểphòng tránh nhiễm liên cầu lợn, bảo vệ sức khỏe cho mỗi gia đình và cộng đồng, ngành Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp sau đây:
1. Thực hiện ăn chín, uống sôi; lựa chọn thực phẩm sạch, chế biến thực phẩm đảm bảo an toàn.
2.Tránh tiếp xúc với lợn mắc bệnh hoặc ăn sản phẩm từ lợn bệnh. Không ăn thịt lợn chưa nấu chín như thịt sống, thịt tái, nhất là không ăn tiết canh lợn.
3.Rửa tay sạch bằng xà phòng và nước trước và sau khi chế biến thực phẩm, sau khi tiếp xúc với lợn hoặc các sản phẩm từ lợn.
4.Tiêm phòng đầy đủ cho lợn. Vệ sinh chuồng trại và xử lý chất thải đúng cách. Báo cáo cơ quan thú y, y tế khi có lợn mắc bệnh, tiêu hủy lợn bệnh theo đúng quy định.
5. Người có triệu chứng sốt cao, đau đầu, rối loạn tiêu hóa sau khi ăn thịt lợn, chế biến thịt lợn hoặc tiếp xúc với lợn mắc bệnh cần đến cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Nguyễn Hoàng Long - Phòng VHXH phường Sơn Tây