Bộ máy tổ chức
Sáng 29/6, Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND Thành phố đã tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã, quý II/2023 xem xét hai vấn đề liên quan đến công tác cải cách hành chính và thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Chủ trì Hội nghị có Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn.
Tại điểm cầu thị xã có đồng chí Nguyễn Quang Hán – Phó Bí thư Thường trực Thị ủy- Chủ tịch HĐND thị xã; Ngô Đình Ngũ – Phó Bí thư Thị ủy – Chủ tịch UBND thị xã cùng lãnh đạo một số phòng ban liên quan.
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu thị xã
Hội nghị nghe báo cáo, thảo luận làm rõ các nội dung: Kết quả công tác cải cách hành chính (CCHC), cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, mức độ hài lòng của cơ quan, tổ chức, công dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước các cấp TP; Công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn TP Hà Nội.
Báo cáo về kết quả công tác CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, mức độ hài lòng của cơ quan, tổ chức, công dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước các cấp thành phố, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Đình Cảnh cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2023, công tác CCHC đã có nhiều chuyển biến tích cực. Thành phố đã có nhiều chủ trương, giải pháp, chỉ đạo cụ thể, quyết liệt-nhất là triển khai các kế hoạch và tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá cũng như sơ kết rút kinh nghiệm. Tập trung vào những cơ quan, địa phương, đơn vị được đánh giá thuộc nhóm có chỉ số thấp và có thông tin dư luận phản ánh chưa tốt.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của TP đã tạo được một số kết quả và có chuyển biến bước đầu trong thực thi nhiệm vụ. Cụ thể, về cải cách tổ chức bộ máy, thành phố đã hướng dẫn thực hiện tinh giản biên chế giai đoạn 2022-2026 (giảm 5% biên chế công chức, 10% biên chế viên chức). Đến tháng 6/2023 đã giảm 2.385 biên chế viên chức so với năm 2022.
Đồng thời, thành phố tiếp tục chỉ đạo thực hiện việc tuyển dụng, phê duyệt vị trí việc làm, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, thực hiện đánh giá hằng tháng và tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hợp đồng tại các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố.
Bên cạnh đó, trong cải cách chế độ công vụ, công chức, thành phố đã chỉ đạo, thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với 1.154 trường hợp theo quy định phân cấp quản lý cán; kiểm tra công vụ đột xuất 30 đơn vị.
Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, trong việc xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, trong 6 tháng đầu năm, thành phố đã đưa vào vận hành chính thức 4 hệ thống thông tin, ứng dụng dùng chung quan trọng. Cùng đó, đẩy mạnh áp dụng hóa đơn điện tử, khai thuế điện tử đối với doanh nghiệp. Việc khai thuế điện tử đã được áp dụng phổ biến với tỷ lệ 99,5% doanh nghiệp đang hoạt động khai thuế qua mạng; trên 99,1% doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử. Hóa đơn điện tử đang hoạt động đăng ký thành công đạt tỷ lệ 99,16% đối với doanh nghiệp và 99,98% đối với hộ kinh doanh.
Để thực hiện nhiệm vụ và mục tiêu đặt ra, UBND TP chỉ đạo xây dựng Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương trên địa bàn thành phố (DDCI), báo cáo UBND TP trong quý I/2024; Triển khai điều tra, đánh giá và công bố xếp hạng Bộ chỉ số này định kỳ hàng năm. Giao các nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, UBND các quận, huyện, thị xã tập trung thực hiện các giải pháp quyết liệt nhằm cải thiện, nâng cao Chỉ số PCI.
Các đại biểu tại điểm cầu Hà Nội
Trong 6 tháng cuối năm, thành phố tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, thống nhất, đồng bộ, có hiệu quả trong công tác CCHC gắn với việc thực hiện hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin và triển khai Kế hoạch khảo sát, đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính. Đồng thời, thực hiện rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô để khai thác tối da và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phát triển, phù hợp với đặc thù của Hà Nội.
Trình bày báo cáo Công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố Hà Nội, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Huy Cường cho biết, từ 01/01/2023, công tác quản lý nhà nước về chất thải rắn sinh hoạt do Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện. Theo phân cấp, UBND cấp huyện thực hiện quản lý công tác duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn, thực hiện nhiệm vụ chủ đầu tư đối với công tác thu gom, vận chuyển. Đối với thu gom, tập kết, vận chuyển chất thải rắn (CTR) sinh hoạt, UBND quận, huyện, thị xã là đơn vị trực tiếp quản lý thu gom, vận chuyển rác thải phát sinh trên địa bàn: duy trì vệ sinh đường phố bằng cơ giới kết hợp thủ công; duy trì vệ sinh đường phố bằng xe quét hút; duy trì vệ sinh hè phố bằng thủ công; thu gom rác đường phố ca đêm; duy trì vệ sinh ngõ xóm; thu gom, vận chuyển chất thải sinh hoạt về nơi xử lý.
Đối với việc thí điểm mô hình đổi mới công nghệ kết hợp với phân loại rác thải tại nguồn trên địa bàn Thành phố, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Huy Cường cho biết, Sở Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp UBND các quận: Ba Đình, Hoàn Kiêm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Nam Từ Liêm và Huyện Gia Lâm, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội xây dựng phương án thí điểm “kiểu mẫu về môi trường triển khai công tác phân loại rác tại nguồn đồng bộ với hoạt động duy trì vệ sinh môi trường”. Trong đó, sẽ đề xuất thí điểm mỗi địa bàn quận/huyện lựa chọn 01 phường/xã có điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, kinh tế xã hội và đặc điểm về dân cư khác nhau làm cơ sở thực hiện.
Đồng thời, trong thời gian thực hiện thí điểm Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp đơn vị tư vấn tiến hành khảo sát, thu thập số liệu xây dựng Quy trình công nghệ, định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá thực hiện trình UBND Thành phố ban hành làm căn cứ để 30 quận, huyện đấu thầu lựa chọn đơn vị cung ứng dịch vụ.
Diệp