Báo cáo tại hội nghị cho thấy: trong những ngày đầu triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, Thành ủy Hà Nội đã phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt để bộ máy mới nhanh chóng đi vào vận hành thông suốt, hiệu quả. Ban Thường vụ Thành ủy đã phân công các đồng chí ủy viên trực tiếp bám sát cơ sở, kiểm tra, giám sát việc tổ chức bộ máy, vận hành hoạt động của Đảng ủy, HĐND, UBND cấp xã; Thường trực HĐND thành phố tổ chức kỳ họp chuyên đề ban hành 3 nghị quyết quan trọng, tạm giao, điều chỉnh biên chế, đồng thời triển khai 17 đoàn công tác hướng dẫn kỳ họp thứ nhất HĐND các xã, phường.
Đảng ủy UBND thành phố cùng các sở, ngành khẩn trương ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, thiết lập quy trình xử lý công việc, rà soát cơ sở vật chất, tổ chức 126 đội hình với gần 4.000 thanh niên hỗ trợ thủ tục hành chính tại cơ sở, góp phần nâng cao hình ảnh chính quyền phục vụ.
Công tác tổ chức bộ máy, cán bộ được triển khai đồng bộ, bài bản. Thành ủy đã chỉ định hơn 2.500 đồng chí tham gia Ban Chấp hành, hơn 1.000 đồng chí vào Ban Thường vụ; các xã, phường đã thành lập gần 400 cơ quan tham mưu, giúp việc. 100% Đảng ủy, UBND xã, phường ban hành Quy chế làm việc, bảo đảm hoạt động không bị gián đoạn.
Hơn 600 nghị quyết HĐND xã, phường được thông qua, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách địa phương, tạo nền tảng cho giai đoạn ổn định lâu dài. Cùng đó, gần 12.000 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo đã được ban hành ở cơ sở; hơn 270 hội nghị quán triệt nghị quyết được tổ chức, với hơn 20.000 cán bộ, đảng viên tham dự, góp phần củng cố thống nhất nhận thức, hành động.
Đáng chú ý, cải cách hành chính, chuyển đổi số được đẩy mạnh. Số thủ tục hành chính cấp xã tăng lên 559 thủ tục, gần 67.000 hồ sơ được tiếp nhận trong 15 ngày đầu, trong đó 14% qua trực tuyến; hệ thống iHanoi tiếp nhận trên 3.500 phản ánh, tổng đài 1022 xử lý gần 1.800 cuộc gọi, các đại lý dịch vụ công tại 476 điểm giúp người dân giải quyết nhanh gọn 61 thủ tục thiết yếu.
Các hệ thống văn bản điện tử, chữ ký số được thiết lập, hơn 230.000 văn bản đã xử lý qua mạng. Đặc biệt, công tác bàn giao, sắp xếp trụ sở, trang thiết bị được hoàn tất tại 100% xã, phường, mỗi địa phương còn được thành phố bố trí thêm 500 triệu đồng để chủ động mua sắm trang thiết bị cần thiết.
Bên cạnh kết quả đáng khích lệ, quá trình triển khai còn bộc lộ hạn chế. Một số xã, phường chưa đủ cán bộ chủ chốt, nhất là phó bí thư, phó chủ tịch UBND, HĐND; tỷ lệ cán bộ chuyên trách HĐND có kinh nghiệm còn thấp, cần đẩy mạnh tập huấn. Một số nơi bố trí biên chế chưa cân đối, nhân sự kiêm nhiệm nhiều, đội ngũ công nghệ thông tin còn mỏng. Hạ tầng kỹ thuật tại bộ phận "một cửa", phòng tiếp dân chưa đồng bộ, một số phần mềm thủ tục hành chính chưa ổn định, việc chỉnh lý, số hóa hồ sơ còn chậm. Quy định phân cấp, phân quyền có điểm chưa rõ, gây lúng túng trong tổ chức thực hiện, nhất là với nhiệm vụ lần đầu được giao.
Lãnh đạo các phường, xã cũng kiến nghị thành phố sớm ban hành quy trình giải quyết cho các thủ tục hành chính còn thiếu; kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm thống nhất việc sắp xếp tổ dân phố; bàn giao mốc giới kịp thời; tập huấn cho cán bộ; khắc phục hệ thống thông tin thủ tục hành chính và giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ nghỉ theo quy định.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong ghi nhận và biểu dương tinh thần chủ động, trách nhiệm, sáng tạo của cấp ủy, chính quyền 126 xã, phường và các sở, ngành thành phố trong việc tổ chức, vận hành chính quyền địa phương sau sắp xếp. Trong thời gian ngắn, thực hiện khối lượng công việc rất lớn, nhưng các địa phương đã hoàn thành việc kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí cơ sở vật chất, bảo đảm hoạt động thông suốt, không phát sinh vấn đề phức tạp.
Đặc biệt, nhiều xã, phường đã thể hiện tinh thần gần dân, sát dân, tổ chức gặp mặt, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng nhân dân và phát huy tinh thần cầu thị, học hỏi trong đội ngũ cán bộ, công chức. Thành phố cũng đánh giá cao các sở, ngành đã ngày - đêm đồng hành cùng cơ sở, kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, giúp địa phương đi vào ổn định nhanh chóng.
Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, đồng chí Nguyễn Văn Phong yêu cầu các địa phương, sở ngành cần tiếp tục duy trì sự ổn định, tập trung xây dựng chính quyền địa phương hai cấp hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trước mắt là tổ chức thành công đại hội đảng bộ 126 xã, phường lần thứ nhất, triển khai các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm tăng trưởng trên 8%, thực hiện tốt các ngày lễ lớn, chăm lo chính sách người có công, bảo đảm an sinh xã hội.
Các địa phương cần tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tư tưởng, dựa vào dân để tạo đồng thuận, tăng cường tập huấn, đào tạo cán bộ, nhất là trong lĩnh vực chuyển đổi số, tài chính, đất đai… Thành phố sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu cán bộ để phục vụ công tác đào tạo, tuyển dụng phù hợp. Việc sắp xếp, bố trí cán bộ cần linh hoạt, ưu tiên cán bộ hiện có, nhất là cán bộ trẻ.
Đồng chí Nguyễn Văn Phong cũng yêu cầu đẩy mạnh số hóa tài liệu, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành. Đối với phân cấp, phân quyền, Thành ủy và UBND thành phố sẽ sớm hoàn thiện các cơ chế phù hợp, tạo điều kiện để cơ sở phát huy vai trò chủ động trong quản lý kinh tế - xã hội.
Một nội dung quan trọng khác được Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh là việc tổ chức tổng vệ sinh môi trường trên tinh thần "dọn nhà đón khách, đón Tết Độc lập", tiến tới xây dựng Thủ đô xanh - sạch - đẹp - văn minh. Đồng chí Nguyễn Văn Phong cho rằng đây không phải việc nhỏ, mà là biểu hiện rõ nét nhất của nếp sống đô thị, đòi hỏi sự vào cuộc nghiêm túc, kiên trì của mỗi địa phương. Thành phố sẽ phát động phong trào sâu rộng, nhưng điều quan trọng là phải làm sao để việc tổng vệ sinh trở thành tự giác, tự nguyện từ trong mỗi người dân.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng lưu ý cụ thể về việc chuẩn bị văn kiện đại hội của các xã, phường mới bảo đảm thực chất; chỉ đạo việc đơn giản hóa việc báo cáo, "tinh gọn" thực chất các cuộc họp để dành thời gian cho cán bộ giải quyết công việc.
PHẠM HẢO