Giới thiệu

Gặp người chiến sỹ lái xe tăng húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập.
Ngày đăng 29/04/2011 | 00:00  | View count: 434

Giản dị, chân thành , cởi mở là cảm nhận đầu tiên khi chúng tôi gặp ông Lê Văn Phượng- thương binh hạng 3/4- người chiến sỹ trên chiếc xe tăng 390 trong ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Hiện ông sống tại căn nhà nhỏ nép trong ngõ sâu thuộc phường Ngô Quyền cùng vợ và các con cháu, mỗi dịp tháng tư về, ông cùng đồng đội lại có dịp ôn lại kỷ niệm một thời hào hùng khi tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Sinh ra vào nạn đói Ất Dậu 1945, anh thanh niên Lê Văn Phượng được tuyển đi học lái xe tăng quân đội khi vừa tròn 20 tuổi. Năm 1970, ông tham gia chiến dịch đường 9 Nam Lào. Ông kể rằng, ông cũng là người lái chiếc xe tăng đầu tiên tiến vào giải phóng thành phố Huế. Từ Huế, đoàn quân vượt đèo tiến vào giải phóng Đà Nẵng rồi hành quân thần tốc tiến thẳng vào giải phóng Sài Gòn. Đúng 8 giờ sáng ngày 30/4/1975, đơn vị ông có mặt tại cầu Sài Gòn. Tại đây, địch đánh trả rất quyết liệt. Đồng đội trên xe, cứ người này bị thương, người khác lập tức lên thay. Một câu hỏi được đặt ra lúc này là vượt cầu hay không? bởi vượt cầu trong lúc này rất nguy hiểm và việc thương vong là không tránh khỏi. Nhưng nếu không vượt cầu sẽ chậm thời gian hợp đồng tác chiến, có thể ảnh hưởng tới kết quả toàn chiến dịch? Sau khi hội ý chớp nhoáng cùng Ban chỉ huy đại đội trên cương vị đại đội phó, ông quyết định cho đơn vị vượt cầu. Dưới làn đạn của kẻ thù, máu của ông và nhiều đồng đội lại tiếp tục đổ xuống ngay trước giờ đất nước ca khúc khải hoàn. Sau đó, nhờ sự giúp đỡ của nhân dân và lực lượng biệt động thành, ông cùng đồng đội trên chiếc xe tăng 390 đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử tiến vào Dinh Độc Lập- hang ổ cuối cùng của nguỵ quyền Sài Gòn…

Sau chiến thắng 30/4/1975, ông Phượng lại lên đường trong đoàn quân tình nguyện Việt Nam giúp nhân dân Cam Pu Chia thoát khỏi chế độ diệt chủng . Sau đó, ông tiếp tục cùng đồng đội ngược lên bảo vệ biên giới phía Bắc…Năm 1986, ông Lê Văn Phượng về nghỉ chế độ tại quê nhà với quân hàm đại uý. Đây là giai đoạn vô cùng khó khăn, đất nước bắt đầu bước vào thời kỳ đổi mới. Với đồng lương hưu ít ỏi, để nuôi 3 đứa con đang tuổi ăn, tuổi học, chàng pháo thủ năm nào ngày ngày xách đồ nghề ra bờ hào Thành cổ cắt tóc kiếm tiền. Biết bao người đã qua đây nhưng chẳng ai biết rằng người đàn ông làm nghề cắt tóc vui tính ấy là một chứng nhân lịch sử của dân tộc… Năm tháng trôi qua, ba người con của ông giờ đều đã trưởng thành, hai người con trai noi theo gương bố rèn luyện trong quân đội và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ…
Anh lính lái xe tăng năm nào giờ đã có cháu nội, cháu ngoại. Cuộc sống bây giờ đổi khác, ông không còn phải vất vả lo đến cơm , áo, gạo, tiền nữa. Hiện nay ông Lê Văn Phượng là trưởng hệ thống độc quyền phân phối máy cân bằng ion của Tổng công ty cổ phần quốc tế Việt Am khu vực Sơn Tây. Chính vì vậy, giờ đây khi nhắc đến ông, bạn bè đồng chí thường nói đến một ông " Phượng ion " bên cạnh tên xưa "Phượng 30/4" …..
Giữa muôn mặt đời thường, dẫu vẫn còn những lúc phải suy nghĩ về việc này, việc khác nhưng người chiến sỹ lái xe tăng năm xưa giờ đây đã thanh thản vui thú điền viên cùng gia đình. Phần thưởng cao quí nhất đối với ông chính là sự tin yêu của đồng chí, đồng đội; sự kính trọng, quí mến của bà con lối phố. Hơn cả là sự trưởng thành của những người con và sự cảm thông chia sẻ của người vợ hiền. Với ông, không còn gì hơn thế! Niềm hạnh phúc giản dị của "anh bộ đội Cụ Hồ" đã từng cùng đồng đội vượt qua mưa bom bão đạn, giành lấy độc lập dân tộc như ông!