tin từ các đơn vị

Đường Lâm phát triển sản phẩm du lịch làng nghề
Ngày đăng 12/08/2014 | 00:00  | View count: 1782

Làng cổ ở Đường Lâm từ lâu đã thu hút số lượng lớn du khách trong và ngoài nước tới tham quan. Phát huy lợi thế của một số nghề truyền thống, một bộ phận ngưởi dân nơi đây đã biết cách tạo ra sản phẩm du lịch góp phần làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Làm kẹo lạc, kẹo dồi tại gia đình anh Cao Văn Hiền

Đến du lịch Làng cổ ở Đường Lâm, một trong những món quà quê để lại ấn tượng cho du khách đó là đặc sản kẹo dồi, kẹo lạc và bánh chè lam. Chúng tôi đến thăm gia đình anh Cao Văn Hiền - thôn Đông Sàng – xã Đường Lâm khi gia đình anh đang tất bật cho ra mẻ kẹo được khách đặt hàng với số lượng lớn. Trao đổi với chúng tôi anh Hiền cho biết làm kẹo lạc là nghề truyền thống của gia đình. Nhưng kể từ năm 2005 khi Đường Lâm được Bộ Văn hóa thể thao và du lịch xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia thì gia đình anh mới có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư máy móc, trang thiết bị đóng gói đáp ứng nhu cầu của khách tham quan. Đến nay, thương hiệu kẹo lạc, kẹo vừng Hiền Bao do gia đình anh sản xuất đã đứng vững trên thị trường, có mặt không chỉ ở các cửa hàng trên địa bàn mà còn đến các tỉnh, thành lân cận. Đặc biệt sản phẩm kẹo lạc của gia đình anh còn đạt giải nhất cuộc thi sản phẩm du lịch Làng cổ ở Đường Lâm do cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản Jica tổ chức. Nghề làm kẹo truyền thống đã tạo công ăn việc làm ổn định cho gia đình anh với mức thu nhập từ 6 -7 triệu đồng/ tháng . Cũng như gia đình anh Cao Văn Hiền, hiện nay trên địa bàn xã Đường Lâm có khoảng 4 hộ sản xuất các sản phẩm như kẹo lạc, kẹo vừng, kẹo dồi với quy mô tương đối lớn để cung cấp cho thị trường.

Cùng với nghề làm kẹo, nghề làm tương ở xã Đường Lâm trong những năm qua cũng được các hộ dân nơi đây duy trì và phát triển. Đến Làng cổ ở Đường Lâm thì hầu như nhà nào cũng có một chum tương để ở góc sân nhưng chỉ có rất ít nhà làm tương với số lượng lớn để bán cho khách du lịch. Gia đình bác Nguyễn Xuân Tâm thôn Đông Sàng là một trong 3 gia đình làm tương đã đăng ký với Ban quản lý di tích Làng cổ ở Đường Lâm và có tên trên Bản đồ du lịch Làng cổ. Làm tương không chỉ giúp gia đình bác Tâm có thu nhập ổn định mà còn là cơ hội để bác quảng bá cho du lịch Làng cổ. Cùng với làm kẹo và làm tương, một số nghề truyền thống khác cũng được người dân Đường Lâm kế thừa và phát triển hiệu quả góp phần tạo ra sản phẩm phong phú thu hút khách du lịch như: làm bánh rán nước, thịt quay đòn, chè kho, bánh tẻ, bánh gai… Hầu hết các gia đình đều làm sản phẩm theo phương thức truyền thống, quá trình sản xuất mang tính chất thủ công nên còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình tiêu thụ và đăng ký nhãn mác sản phẩm…

Tuy nhiên với 1.500 hộ gia đình và 6.000 nhân khẩu ở Đường Lâm, lời giải cho bài toán phát triển kinh tế từ du lịch vẫn còn gặp nhiều khó khăn và vướng mắc. Đồng chí Nguyễn Văn Thành - Phó Chủ tịch UBND xã Đường Lâm cho biết: Để giúp người dân được hưởng lợi từ các hoạt động du lịch Làng cổ, UBND xã Đường Lâm đã đẩy mạnh công tác nhân cấy và dạy nghề truyền thống cho người dân, chú trọng hình thức du lịch trải nghiệm, đồng thời định hướng lồng ghép các sản phẩm du lịch ngay tại các nhà cổ để phục vụ khách tham quan. Ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm cũng đã đề ra một số biện pháp nhằm phát triển du lịch làng cổ như: tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo, mời một số hộ dân tham quan các mô hình làng nghề phát triển như: mây tre đan, gốm sứ, tranh thêu …Qua đó giúp người dân tạo việc làm, tăng thu nhập, thúc đẩy du lịch Làng cổ ngày càng phát triển./.