Tin tức - Sự kiện

Hội thảo bảo tồn và phát triển giống mít bản địa (mít dai) tại Hà Nội
Ngày đăng 01/07/2024 | 15:20  | View count: 40

Chiều 1/7, UBND thị xã Sơn Tây phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hà Nội tổ chức Hội thảo bảo tồn và phát triển giống mít bản địa (mít dai) tại Hà Nội.

Đại diện Phòng Kinh tế thị xã phát biểu ý kiến tại hội thảo

Theo số liệu thống kê năm 2023, thành phố Hà Nội có diện tích trồng mít là 1.135ha, năng suất bình quân đạt 147,23 tạ/ha, tổng sản lượng đạt 14.075 tấn/năm, hiệu quả đạt hơn 280 tỷ đồng/năm. Mít được trồng tập trung ở một số huyện, thị xã như: Phúc Thọ, Ba Vì, Chương Mỹ, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức, Đông Anh, Thanh Oai, Sơn Tây... Các giống mít được trồng đa dạng, phong phú về chủng loại như: Mít Thái da xanh, mít nghệ siêu sớm, mít ruột đỏ Malaysia, mít ruột đỏ Indonexia. Tuy nhiên, chất lượng với các tiêu chí độ giòn, ngọt, mùi thơm của các giống mít đặc sản truyền thống ở Hà Nội vẫn có sự vượt trội, ổn định và được người tiêu dùng ưa chuộng hơn. Tại Hà Nội, có 1 cây mít của xã Cổ Loa, huyện Đông Anh (với tuổi đời hơn 300 năm) đã được công nhận là cây di sản; có 28 cây mít đầu dòng. Đây là nguồn cung cấp giống chất lượng cao để mở rộng diện tích trồng cây mít đặc sản. Năm 2022, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm quả mít tươi được trồng tại thị xã Sơn Tây. Đây là tiền đề giúp người trồng mít Sơn Tây nói riêng, Hà Nội nói chung quảng bá, phát triển kinh tế từ cây mít, sản phẩm chế biến từ mít.

Toàn cảnh hội thảo

Tại hội thảo, đại diện các xã: Cổ Đông, Sơn Đông, hội viên Hội nông dân thị xã Sơn Tây, huyện Ba Vì… đặt nhiều câu hỏi liên quan đến công tác chăm sóc cây mít; việc bảo tồn, nhân rộng, phát triển cây mít...; đồng thời đề nghị các cấp, các ngành hỗ trợ khâu tiêu thụ; chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật để các sản phẩm làm ra từ mít như mít sấy giòn, sấy dẻo đạt chất lượng cao... Các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu cũng đã giải thích, hướng dẫn người trồng mít hiểu thêm cách phòng trừ côn trùng gây bệnh cho mít; cách chăm sóc để có quả mít chất lượng đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng…

Đ/c Phùng Huy Vinh - Phó Chủ tịch UBND thị xã cho biết: Trên địa bàn thị xã Sơn Tây hiện có 105 ha trồng mít tại 9/15 xã, phường, trong đó tập trung ở các xã: Sơn Đông, Cổ Đông, Kim Sơn, Xuân Sơn, Thanh Mỹ... Tuy nhiên, việc bảo tồn giống mít, các sản phẩm chế biến từ mít mang giá trị ổn định còn gặp nhiều khó khăn. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND thị xã hy vọng, trong thời gian tới, việc liên kết “4 nhà” (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông) sẽ góp phần bảo tồn, phát triển nguồn gen quý, nâng cao giá trị cây mít ta trên địa bàn thị xã nói riêng và thành phố nói chung./.

 

PHẠM HẢO - PHAN THANH