Giới thiệu
Đình thuộc thôn Phù Sa, phường Viên Sơn, thị xã Sơn Tây. Dựa theo cuốn thần phả và 11 đạo sắc phong được lưu giữ tại đình cùng truyền thuyết của nhân dân lưu truyền, đình thờ Phò mã (con rể) cùng con gái (Công chúa) của Vua Đinh Tiên Hoàng và thờ vọng Đức Thánh Tản.
Tương truyền, Phò mã có tên là Quán Sơn, sinh ngày 1 tháng 5 âm lịch, dáng người khôi ngô, tuấn tú, tài năng, đức độ, tinh thông cả âm nhạc, có khí phách của người anh hùng. Chàng được Vua Đinh kén làm Phò mã, sánh vai cùng Công chúa Phương Dung. Phò mã từng được vua cha phong chức Trấn thủ tứ thành, có công giúp nước chống quân Tống xâm lược. Khi đất nước thanh bình, ông cùng Công chúa về đất Phù Sa chiêu dân lập ấp, cấp cho dân ruộng vườn, dạy dân làng nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt vải. Ông mất ngày 15 tháng 8 âm lịch. Công chúa vì buồn rầu cũng qua đời vào ngày 20 tháng 8. Mọi người trong vùng đã cử hành tang lễ và lập miếu phụng thờ.
Xưa kia, đình Lớn và đình Thượng cách đó vài trăm mét là hai nơi thờ. Đình Lớn có kết cấu kiến trúc rộng gồm một số hạng mục như: 2 dãy nhà cầu có vị trí công năng giống như 2 dãy nhà tả hữu mạc, hệ thống cột trụ lớn, tường bao. Trong đình có sập sàn bằng gỗ, hai bên có 2 bể nước to dành cho mọi người rửa sạch chân, tay trước khi lên sàn. Ngày nay, đình Lớn không còn, chỉ còn tồn tại ở vị trí cũ đôi cột trụ lớn và cây đa cổ, nơi thờ Mẫu và Quan Vũ mới được phục dựng lại.
Đình Thượng ngày nay được coi là nơi lưu giữ các di vật quý như: 3 hương án lớn, 4 tấm bia, 11 đạo sắc phong, 2 đỉnh đồng, 6 bao kiếm, bộ bát bửu, đôi rồng nhỏ bằng đồng quý, các chi tiết hoa văn tinh xảo tượng trưng cho các linh vật, tứ quý được chạm khắc trong đình.
Ngày hội của đình diễn ra từ 14 đến ngày 19 tháng Giêng âm lịch. Dân làng rước ngai Phò mã và Công chúa lên tế ở đình Lớn. Ngày mất của Công chúa và Phò mã, họ tổ chức lễ tế thập bái (tế nhỏ), còn ngày hội là lễ tế đăng, có quy mô lớn. Trong khuôn viên của đình Thượng hiện có đôi cây mộc, có niên đại hàng trăm tuổi, dịp cuối đông, đầu xuân nở hoa trắng toả hương thơm ngát.
Với những giá trị văn hoá lịch sử, đình Phù Sa đã được Nhà nước xếp hạng ngày 6 - 11 - 1996. Đình luôn được chính quyền, nhân dân địa phương chăm lo, bảo vệ. Ban Di tích đình được dân làng bầu ra có nhiệm vụ trông coi, gìn giữ, bảo quản di tích và các di vật, tiền công đức. Vào dịp lễ hội, các hoạt động được chính quyền cùng nhân dân tổ chức chu đáo, trang nghiêm, thể hiện lòng thành kính, truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn.
ĐÌNH VĂN KHÊ
Làng Văn Khê, xã Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây là một vùng đất cổ. Nơi đây, đã từng đựơc suy tôn là một trong những cái nôi của văn hoá vùng bán sơn địa xứ Đoài. Tại đây hiện còn nhiều di tích lịch sử văn hoá, trong đó, có thể coi đình Văn Khê là viên ngọc sáng nổi lên giữa cụm di tích đó. Nhiều khách tham quan đã ví: đình Văn Khê là một bông hoa nghệ thuật của đất Suối Văn, để rồi nhiều nhà thơ, hoạ sĩ đã chọn nơi đây làm đề tài cho cảm hứng nghệ thuật của mình.
Ngôi đình cổ kính này nằm cách chân núi Ba Vì không xa (theo đường chim bay khoảng 2000m). Phía trước cửa đình có ao nhỏ, xung quanh trồng các loại cây ăn quả. Các cụ già làng kể lại: "Ngôi đình này có từ lâu rồi". Nếu căn cứ vào dáng kiến trúc, hoa văn, đồ thờ tự tại đây thì đình Văn Khê được xây dựng từ thời Lê, đã qua nhiều lần tu sửa, tôn tạo. Ở tòa Đại Bái1 có đề rõ "Dương Hoà Nguyên niên tân tạo", (xây mới năm Dương Hoà thứ I – 1635). Hai bên đình là tả, hữu mạc để khách dừng chân sửa lễ trước khi vào. Trước đình là sân rộng được lát gạch Bát Tràng làm nơi tế lễ. Hội làng được tổ chức ngày 7 tháng 2 (âm lịch) hàng năm để tưởng nhớ công ơn của Đức Thánh Tản với dân làng Văn Khê.
Đình Văn Khê có kiến trúc theo kiểu chữ " Đinh", mái đình lợp ngói mũi hài, các đầu đao cong vút. Đây là nét kiến trúc rất riêng của mái đình Việt Nam. Bên trong, còn có đôi rùa đội hạc được tạc công phu. Đôi hạc được làm bằng gỗ, cao chừng 3m, đầu hạc ở tư thế chầu vào Hậu Cung2. Hình rùa ở tư thế vươn cổ ra phía trước, bốn chân rùa bám chặt vào đình gợi lên sự bền vững, nhẫn nại. Cửa vào Hậu Cung của đình được đóng bằng gỗ quý, xung quanh được trạm khắc công phu với những hoa văn thật tinh tế, gợi cảm như: Lá sen, hoa cúc, rồng cuộn nước, rồng vờn mây, tiên nữ…
Trong đình hiện còn nguyên vẹn ba cỗ ngai cổ sơn son thếp vàng và nhiều đồ thờ quý hiếm với đủ các chất liệu: gốm, đá, đồng, sứ, gỗ, vải. Đáng lưu ý hơn cả là hai bát nhang cổ bằng gốm sành (đời Hậu Lê), đắp nổi hình đôi rồng chầu mặt trăng đề bốn chữ: "Thánh cung vạn tuế" và văn bia, sắc phong triều nhà Nguyễn.
Qua gần 400 trăm năm với biết bao biến cố của lịch sử xã hội, đình Văn Khê vẫn tồn tại trong niềm tự hào của người dân nơi đây. Ngôi đình đã được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
- Đại Bái: Tòa nhà phía trước.
- Hậu Cung: Tòa nhà phía sau.
ĐÌNH THANH VỊ
Đình Thnah Vị toạ lạc ở vị trí khu đất đẹp giữa thôn Thanh Vị, xã Thanh Mỹ, thị xã Sơn Tây cũng như phần lớn các ngôi đình, đền, miếu quanh núi Tản Viên của xứ Đoài xưa, được lập để thờ phụng công lao to lớn của Thánh Tản Sơn Tinh và hai người em của Ngài là Sùng Công và Hiển Công.
Đình quay mặt chính về phía đông nam. Ngày trước, phía bên tả đình có một cây đa cổ thụ toả bóng mát xum xuê. Cấu trúc của đình có đầy đủ các hạng mục như: Nghi Môn, Tiền Tế, Đại Bái, Hậu Cung. Nhưng trải qua một thời gian dài do tác động của khí hậu, côn trùng, mối mọt và hai cuộc kháng chiến cứu nước, cây đa cổ và nhiều công trình đã bị mai một, xuống cấp, hư hỏng. Trước khi được Nhà nước đầu tư kinh phí tu bổ, đình chỉ còn lại toà Đại bái mang dáng dấp kiến trúc đời Lê Trung Hưng, cây đa bị đổ gẫy, nay chỉ còn một rễ to rủ xuống đất tạo thành thân cây thẳng. Trong đình hiện còn bảo lưu được nhiều di vật quý: nhóm di vật làm bằng các chất liệu khác nhau như: giấy, gỗ, cuốn thần phả có niên đại đời Vua Thiệu Trị 1846, 2 bức hoành phi cổ, 8 câu đối, 2 hương án, cỗ kiệu cổ, 3 cỗ long ngai, bộ bát bửu (8 loại binh khí), 2 bộ kiếm gỗ; nhóm di vật bằng chất liệu đồng có chiêng loại to, nhỏ, 1 quả chiêng cổ, 2 cây đèn đồng, 2 bát hương, 2 đỉnh đồng. Ngoài ra trên các cấu kiện, bờ nóc, khung nhà, đầu cột xà, quá giang được chạm khắc kỹ xảo, đắp nổi hình các loại linh vật, tứ quý, một số tranh minh hoạ. Lễ hội chính của đình diễn ra vào ngày 15 và 16 tháng 9 âm lịch hàng năm. Đình Thanh Vị là nơi sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh của nhân dân trong vùng và các vùng lân cận . Khi thôn chưa có Nhà Văn hoá, đình là nơi diễn ra các cuộc họp, sinh hoạt chính trị, giải quyết, thống nhất các công việc chung của chính quyền và nhân dân. Trong khuôn viên của đình còn có đền thờ Đức Quốc Mẫu, là mẹ đẻ và thờ mẹ nuôi của Thánh Tản và Nhà Văn chỉ. Vào năm 2008, Nhà nước đã đầu tư khoản kinh phí lớn cùng với sự đóng góp vật chất của nhân dân để tu sửa, tôn tạo lại các hạng mục công trình của đình như: đôi cột trụ, nhà Tả Hữu Mạc, Đại Bái, Hậu Cung.
Đình Thanh Vị đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia vào ngày 12 - 2 - 1999.
Kiều Tập - ĐTT ST