thời tiết các vùng

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

bài viết chuyên sâu

Anh hùng Phùng Văn Khầu - xứng danh người chiến sỹ Điện Biên
Ngày đăng 06/05/2016 | 15:24  | View count: 5745

62 năm đã trôi qua, chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn luôn là một dấu son chói lọi trong lịch sử giải phóng dân tộc của quân và dân ta. Trong chiến thắng ấy có rất nhiều tên tuổi đã đi vào lịch sử, Đại tá, anh hùng LLVTND Phùng Văn Khầu (hiện đang sống tại phường Sơn Lộc) là một trong số đó.

AHLLVTND Phùng Văn Khầu giao lưu với h/s trường THCS Sơn Tây

Ảnh: Phạm Hảo

Người anh hùng trong kháng chiến và đã trở về cuộc sống đời thường của người cựu chiến binh sau những năm tháng trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ. Ký ức những năm tháng hào hùng của tuổi trẻ hăng say luôn sưởi ấm trái tim người lính già đã từng tham gia hàng trăm trận đánh nơi tiền phương. Nhưng đọng lại sâu sắc nhất với ông vẫn là những trận đánh nảy lửa trên ngọn đồi E trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Chuyện ông kể cách đây đã 62 năm. Nhưng từng chi tiết diễn biến trận đánh, từng gương mặt những pháo thủ trẻ tuổi đã ngã xuống trên đồi E vẫn nóng hổi như thước phim tài liệu vừa được mang về từ chiến trường. Mấy chục năm tiếp theo của cuộc đời người lính pháo, ông có mặt ở những trận đánh lớn mang tầm vóc lịch sử, từ Tà Cơn (Quảng Trị), Đường 9 Nam Lào đến Tổng tiến công Mậu Thân 1968… ông luôn tâm niệm một điều, phải sống sao cho xứng đáng với những người đồng đội đã khuất.

Phùng Văn Khầu sinh năm 1930, dân tộc Nùng, quê ở xã Đức Hùng, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Bố mẹ Phùng Văn Khầu mất sớm, năm lên 8 tuổi cậu bé Phùng Văn Khầu đã phải đi ở để kiếm ăn. Thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã giúp thay đổi cuộc đời cậu bé mồ côi.

Năm 1946, Phùng Văn Khầu tham gia hoạt động ở địa phương, khi làm liên lạc, khi làm chiến sĩ an ninh, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành xuất sắc. Tháng 12 năm 1949, Phùng Văn Khầu xung phong vào bộ đội, được biên chế vào Binh chủng Pháo binh E675 (Trung đoàn 675). Ngày đầu làm quen với khẩu pháo thật khó khăn. Không biết chữ, không biết sử dụng máy ngắm, Phùng Văn Khầu chỉ còn cách ngắm bắn qua nòng bằng mắt thường. Ban đầu ước lượng bằng mắt bắn toàn trượt. Tập mãi rồi cũng quen, Phùng Văn Khầu ngắm qua nòng không thua gì ngắm máy. Từ đó đến năm 1954, đã tham gia 7 chiến dịch lớn, đánh hàng chục trận, chiến dịch nào, trận đánh nào Phùng Văn Khầu cũng dũng cảm, mưu trí, khênh pháo vận động giỏi, chuyển đạn, thao tác pháo nhanh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Đặc biệt trong chiến dịch Điện Biên Phủ, khẩu đội Phùng Văn Khầu làm nhiệm vụ bắn phá đồi E, đồng chí chỉ huy khẩu đội bắn phá 22 quả đạn đều trúng mục tiêu, góp phần tích cực tiêu diệt sinh lực địch tại đồi này. Khi nhận nhiệm vụ chuyển sang phòng ngự, Phùng Văn Khầu cùng anh em khẩn trương, tích cực đào trận địa. Suốt 35 ngày đêm, mặc dù pháo binh địch bắn phá ác liệt, có lúc tiểu đội chỉ còn hai người, bản thân nhiều lần bị sức ép và bị thương, nhưng Phùng Văn Khầu vẫn luôn luôn nêu cao tinh thần ngoan cường bám trận địa, tích cực tiến công địch, chi viện đắc lực cho bộ binh chiến đấu ở các điểm cao 203, 207, 507 và đồi C. Có lần khẩu đội hết người, bản thân Phùng Văn Khầu vừa làm pháo thủ ngắm bắn, vừa quan sát mục tiêu và điểm nổ để điều chỉnh, liên tiếp bắn trúng hai khẩu pháo 105 ly và một khẩu đại liên của địch. Nhiều lúc bị sức ép ngất đi, tỉnh dậy lại tiếp tục chiến đấu, bộ binh yêu cầu chi viện, chỉ một phát đạn đầu đã bắn trúng mục tiêu, dập tắt hỏa điểm địch. Tính chung trong thời gian phòng ngự ở đồi E với 1 khẩu sơn pháo 75 ly, Phùng Văn Khầu đã phá hủy 5 pháo 105 ly, 6 đại liên, 1 lô cốt, 1 kho đạn, diệt hàng trăm tên địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện cho bộ binh chiến đấu thắng lợi.

Năm 1954, sau chiến dịch lịch sử ngày 7/5, ngược đường lên Việt Bắc thăm Bác Hồ, Phùng Văn Khầu được Bác Hồ tự tay gắn lên ngực áo chiếc huy hiệu cao quý "Chiến sĩ Điện Biên Phủ" với lời dặn dò: "Mọi việc làm, phải lấy dân làm gốc. Có dân, mọi khó khăn đều vượt qua"… Năm 1986, người anh hùng Điện Biên Phùng Văn Khầu hoàn thành nhiệm vụ trong quân ngũ, trở về cuộc sống thường nhật như chàng trai hiền lành năm xưa trên núi rừng Việt Bắc, gần gũi bạn bè, chòm xóm. Sơn Tây thực sự là quê hương thứ hai của ông. Ông tham gia khuyến học, mở lớp dạy thêm môn toán tại nhà miễn phí cho các cháu quanh vùng, tích cực tham gia đoàn thể xã hội. Hơn mười năm ông là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị xã Sơn Tây.

Về hưu tròn 30 năm, hiện nay ở vào tuổi tám bảy, nhưng hầu như ông Khầu không phút nào ngơi làm việc, chưa bao giờ bỏ một buổi sinh hoạt chi bộ, tổ dân phố, học tập nghị quyết. Được bà con tín nhiệm bầu làm nhiều công việc của địa phương. Ngoài việc nuôi dạy các con, cháu  chăm ngoan, học hành tiến bộ, ông còn nhiệt tình khuyên nhủ, động viên thanh, thiếu niên trong khu phố phấn đấu rèn luyện trở thành người tốt, có ích cho gia đình và xã hội. Đặc biệt, trong sinh hoạt chi bộ và các tổ chức ở địa phương, ông luôn chân thành, thẳng thắn đóng góp ý kiến, giúp các đồng chí có khuyết điểm phấn đấu tiến bộ. Vì theo quan niệm của ông "tốt một mình là chưa đủ" mà cần làm cho mỗi gia đình, địa phương và cả nước phải ngày càng tốt hơn lên. Thật đáng trân trọng tấm lòng người lính cụ Hồ - xứng danh anh hùng chiến sỹ Điện Biên./. 

 

                                                                                                                                              Thuỳ Nam (Đài TT Sơn Tây)