phổ biến pháp luật
thông tin khác
thời tiết các vùng
Hà Nội | |
Đà Nẵng | |
TP Hồ Chí Minh |
Thông tin du lịch
Nằm ở phía Tây thành phố Hà Nội, thị xã Sơn Tây là một vùng đất cổ có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa. Nhờ có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự quan tâm của chính quyền thị xã, đến nay Sơn Tây bảo tồn được nhiều di sản văn hóa quý báu. Chú trọng công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích, đẩy mạnh phát triển du lịch dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đang là nhiệm vụ được Đảng bộ, chính quyền thị xã quan tâm thực hiện góp phần đưa đưa mảnh đất xứ Đoài trở thành điểm đến lý tưởng của đông đảo du khách thập phương.
Du khách tham quan Làng cổ ở Đường Lâm
Sơn Tây hội tụ nhiều thế mạnh để phát triển du lịch, khi chỉ cách trung tâm Hà Nội khoảng 40 km. Đây là mảnh đất trung tâm của xứ Đoài xưa với dày đặc các di tích lịch sử. Trong đó có nhiều di tích mà tên gọi của nó gắn liền với tên đất, tên người Sơn Tây như: Làng cổ ở Đường Lâm, Đền Và, Thành cổ Sơn Tây... Chỉ tính riêng xã Đường Lâm đã có tới 8 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia gồm: Làng cổ, Chùa Mía, Đình Mông Phụ, Đình Đoài Giáp, Đền thờ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, Đền thờ và lăng Ngô Quyền, Nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh. Đằng sau cổng làng, dưới bóng cây đa khổng lồ đã hơn 300 năm tuổi là một không gian yên bình, cùng nếp sống hiền hòa với điểm nhấn là gần 1.000 ngôi nhà cổ được xây dựng với lối kiến trúc xưa trong một không gian sinh hoạt cộng đồng mang đậm bản sắc của làng quê Bắc Bộ. Đây là điểm dừng chân không thể bỏ qua trên hành trình tìm về di sản văn hóa xứ Đoài của du khách thập phương. Trung bình mỗi năm, có hàng chục vạn lượt người, bao gồm cả khách quốc tế, đặt chân đến làng cổ.
Thành cổ Sơn Tây - Tòa thành quân sự độc đáo của xứ Đoài
Nhưng sức hút du lịch của Sơn Tây không chỉ nằm ở Làng cổ Đường Lâm. Đến thăm Thành cổ Sơn Tây, du khách được chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc quân sự cổ nằm giữa trung tâm thị xã. Đây là một trong 20 tòa thành được xây dựng vào triều Nguyễn nhưng chỉ có duy nhất Thành Sơn Tây được xây dựng hoàn toàn bằng gạch đá ong. Thành cổ Sơn Tây không chỉ là điểm di tích lịch sử - văn hoá thu hút đông đảo du khách tham quan mà còn là công viên giải trí, được ví như lá phổi xanh nằm giữa lòng đô thị.
Đền Và - địa điểm tín ngưỡng linh thiêng của Sơn Tây
Cùng với Làng cổ, Thành cổ, đền Và là một địa điểm tín ngưỡng linh thiêng được nhiều du khách lựa chọn mỗi khi đến thăm mảnh đất Sơn Tây. Đền Và là một cung trong hệ thống tứ cung của xứ Đoài thờ Tản Viên Sơn Thánh, vị thần đứng đầu trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt. Đền Và được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia vào năm 1964. Hàng năm vào dịp tháng Giêng và tháng Chín âm lịch, đông đảo nhân dân và du khách thập phương lại tìm về với đền Và để tham dự lễ hội truyền thống với những nghi thức, phong tục riêng tạo thành sắc thái, đặc điểm riêng biệt, hấp dẫn du khách.
Lễ hội đền Và được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia
Theo thống kê, toàn thị xã hiện có 244 di tích với nhiều đình, chùa, đền, lăng, nhà thờ họ, trong đó có 15 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia, 74 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, thành phố. Sơn Tây cũng là vùng đất còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa phi vật thể. Hiện thị xã đang bảo tồn 78 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 65 lễ hội, 6 nghề thủ công, 5 tập quán xã hội và 2 trình diễn. Đặc biệt trong số đó có 1 di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia là lễ hội Đền Và và 8 di sản được xếp vào nhóm “Cần được ưu tiên bảo vệ”. Hệ thống cổ vật, di vật, thư tịch bên trong các di tích cũng rất đa dạng, phong phú, còn được lưu giữ tương đối nguyên vẹn, là nguồn tư liệu quý phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học, tham quan, tìm hiểu của du khách gần xa.
Bánh tẻ Phú Nhi - món quà quê nổi tiếng của Sơn Tây
Cùng với các di tích lịch sử, văn hóa, Sơn Tây hiện có hàng chục làng nghề truyền thống, trong đó nổi tiếng nhất là làng nghề bánh tẻ Phú Nhi và làng nghề thêu ren Ngọc Kiên. Các làng nghề không chỉ mang lại giá trị kinh tế từ sản phẩm truyền thống, tạo việc làm giúp nâng cao thu nhập cho gần 1.000 lao động, mà còn thu hút lượng lớn du khách tới tham quan, góp phần thúc đẩy dịch vụ - thương mại trên địa bàn.
Cầu Vĩnh Thịnh bắc qua sông Hồng nối Sơn Tây với tỉnh Vĩnh Phúc
Với lợi thế có hệ thống đường giao thông thuận lợi, đồng bộ với hai tuyến đường chạy qua là Quốc lộ 21A và Quốc lộ 32, cầu Vĩnh Thịnh kết nối với các vùng lân cận như Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất và các tỉnh vùng đồng bằng Bắc Bộ, Việt Bắc, Tây Bắc… cùng hệ thống lữ hành, nhà nghỉ, khách sạn đảm bảo, vì vậy trong những năm gần đây lượng khách du lịch đến với thị xã ngày càng tăng góp phần đưa Sơn Tây trở thành một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn của Thủ đô. Tính đến năm 2017, cơ cấu ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng 43,6% trong cơ cấu kinh tế chung của thị xã, tổng giá trị sản xuất ngành thương mại - dịch vụ tăng từ 401 tỷ đồng năm 2008 lên 3.417 tỷ đồng năm 2017. Trong 10 năm (2008 - 2018), lượng khách du lịch đến thị xã Sơn Tây đạt trên 108 vạn lượt người, thu nộp ngân sách nhà nước khoảng 11,7 tỷ đồng.
Theo quy hoạch Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt, thị xã Sơn Tây được quy hoạch là một trong năm đô thị vệ tinh của Hà Nội với các chức năng chính là du lịch văn hóa lịch sử, sinh thái, dịch vụ thương mại trên cơ sở bảo tồn di sản văn hóa truyền thống. Để tiến tới đích đến này, Sơn Tây chọn hướng đi phát triển kinh tế gắn với khai thác hiệu quả du lịch sinh thái và du lịch văn hóa tín ngưỡng, coi đây là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Khu du lịch Đồng Mô - điểm du lịch giải trí, nghỉ dưỡng hấp dẫn du khách
Trên cơ sở quy hoạch được phê duyệt, Sơn Tây đã hình thành 3 khu du lịch chính theo hướng sinh thái - nghỉ dưỡng - văn hóa. Khu du lịch đầu tiên là khu du lịch Đồng Mô với sân gôn và hồ Đồng Mô. Đây là khu du lịch sinh thái kết hợp vui chơi, thể thao, giải trí, nghỉ dưỡng. Sân golf Đồng Mô rộng 350 ha đạt tiêu chuẩn quốc tế được đánh giá là một trong những sân golf đẹp nhất Đông Nam Á với khung cảnh thiên nhiên hòa hợp. Tại đây thường xuyên tổ chức nhiều giải thi đấu golf trong nước và quốc tế, còn là nơi thường xuyên lui tới của các chính khách, các nhà doanh nghiệp và nhiều đoàn du khách.
Du khách tham quan tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Là một phần của Khu du lịch Đồng Mô, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam là địa điểm lý tưởng cho du khách tham quan cũng như tìm hiểu thêm về nền văn hóa đặc sắc của 54 dân tộc Việt Nam. Ngoài tổ chức các hoạt động lớn của Bộ VHTT&DL, tại đây còn thường xuyên tổ chức một số hoạt động theo tuần, tháng nhằm thu hút du khách như triển lãm, trưng bày, biểu diễn nghệ thuật, hội chợ... Thông qua các hoạt động văn hóa, nghệ thuật có nội dung, hình thức phong phú, đa dạng đã bồi dưỡng thêm tình yêu thiên nhiên, đất nước, con người, nâng cao dân trí và hoàn thiện con người theo hướng chân, thiện, mỹ của mỗi du khách khi đến với nơi đây.
Khu du lịch thứ hai là khu trung tâm thị xã gồm Thành Cổ - Đền Và - Đường Lâm là khu du lịch về di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, tín ngưỡng và khu thứ ba là khu du lịch Xuân Khanh là khu du lịch sinh thái, tiếp nối với các điểm du lịch của Ba Vì như: Khoang Xanh, Ao Vua, Vườn quốc gia Ba Vì…
Nhằm xây dựng thị xã Sơn Tây trở thành một trong những trung tâm du lịch văn hóa của Thủ đô, những năm qua công tác quản lý luôn được thị xã đặc biệt quan tâm. Đồng chí Đặng Vũ Nhật Thăng - Chủ tịch UBND thị xã cho biết: Sơn Tây đã xây dựng Đề án "Bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa Sơn Tây - xứ Đoài gắn với xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2013 - 2020”; ban hành Nghị quyết số 08 về “Tăng cường quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử văn hóa gắn với phát triển kinh tế du lịch - dịch vụ giai đoạn 2017 - 2020 và những năm tiếp theo” cùng nhiều đề án, kế hoạch, nghị quyết quan trọng khác. Chính quyền địa phương đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ như: tăng cường công tác quản lý; quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di sản văn hóa; xây dựng các tua, tuyến tham quan; đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên; phát triển các cơ sở lưu trú, nhà hàng, khách sạn; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xúc tiến phát triển du lịch. Cùng với đó, thị xã cũng tranh thủ sự hỗ trợ của thành phố trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trọng điểm, tạo điều kiện cho việc thu hút các dự án, các nhà đầu tư tới góp công sức đánh thức tiềm năng vùng đất cổ này.
Sơn Tây nỗ lực phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Tin tưởng rằng, với bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa cùng sự nỗ lực của cấp ủy đảng, chính quyền và sự chung tay góp sức của người dân ngành công nghiệp không khói trên địa bàn sẽ ngày càng khởi sắc, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, đưa Sơn Tây trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước./.
Phan Thanh