Html Portlet

thời tiết các vùng

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

Thông tin du lịch

Đẩy mạnh hỗ trợ người dân làm du lịch tại Làng cổ ở Đường Lâm
Ngày đăng 13/06/2019 | 14:52

Sở hữu những giá trị văn hóa, cảnh quan, kiến trúc tiêu biểu của vùng nông thôn đồng bằng sông Hồng, sau hơn 10 năm được công nhận là di tích Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia, địa danh du lịch “Làng cổ Đường Lâm” đã phát triển lớn mạnh trên bản đồ du lịch trong nước. Nhờ sự nhanh nhạy và tâm huyết với việc gắn lợi thế riêng của mình với du lịch, một bộ phận người dân Đường Lâm đã làm giàu ngay trên nền những ngôi nhà cổ.

Khách du lịch tham quan một ngôi nhà cổ tại Đường Lâm

Được đánh giá là điểm du lịch hấp dẫn của Thủ đô, Làng cổ ở Đường Lâm thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm. Trong những năm gần đây, người dân Đường Lâm đã biết khai thác các tiềm năng sẵn có để phát triển du lịch. Hiện nay toàn xã có trên 10% số hộ dân tham gia phát triển du lịch với các hình thức từ làm dịch vụ lưu trú, ăn uống, cho thuê xe đạp, làm các sản phẩm truyền thống bán cho khách du lịch, cùng du khách trải nghiệm làm nông dân… Cũng vì vậy, các nghề truyền thống ở Đường Lâm như nuôi gà Mía, làm tương, làm chè kho, sản xuất bánh kẹo cùng các dịch vụ du lịch khác ngày càng phát triển. Ở một nơi người dân chủ yếu sống bằng nông nghiệp từ nhiều đời nay, phát triển du lịch được coi là cơ hội lớn trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nhiều hộ dân đã giàu lên từ làm dịch vụ du lịch với thu nhập được từ 10 đến 30 triệu đồng/tháng.

Người dân Đường Lâm làm dịch vụ phục vụ khách du lịch

Nhằm hỗ trợ người dân phát triển du lịch và hưởng lợi từ chính di tích mình đang sinh sống, những năm qua thành phố Hà Nội và thị xã Sơn Tây đã quan tâm, đầu tư cho Làng cổ ở Đường Lâm về cơ sở hạ tầng, tu bổ các công trình văn hóa, phát triển sản xuất nông nghiệp và sản phẩm làng nghề. Ban quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm vận động người dân trong xã cùng làm du lịch, mặt khác chọn những chủ nhà cổ và những người có tâm huyết phát triển kinh tế du lịch đi tham quan để học tập kinh nghiệm ở những địa phương đã xây dựng thành công mô hình này như: phố cổ Hội An, làng cổ Phước Tích (Thừa Thiên Huế). Bên cạnh đó, phải ghi nhận sự hỗ trợ quý báu của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và sự vào cuộc nhanh nhạy, đầy nhiệt huyết của các công ty du lịch lữ hành quốc tế của Hà Nội. Không chỉ mở thêm tuyến, đưa du khách quốc tế đến với Đường Lâm, các doanh nghiệp du lịch thông qua đội ngũ hướng dẫn viên tư vấn cho chủ các nhà cổ xây dựng cách làm du lịch và tổ chức các dịch vụ phục vụ du khách tại chỗ, trước hết là các bữa ăn. Vậy là những ngôi nhà cổ không còn đơn thuần chỉ là những di tích sống nữa mà đồng thời trở thành nơi ăn nghỉ, lưu trú qua đêm, bán đặc sản địa phương, quà lưu niệm cho du khách tham quan. Tại Đường Lâm, hiện có khoảng 10 hộ gia đình phát triển mô hình du lịch homestay hiệu quả như gia đình ông Nguyễn Văn Hùng, ông Hà Hữu Thể, bà Hà Thị Điền, ông Hà Nguyên Huyến.

Dịch vụ cho thuê xe đạp phục vụ khách du lịch khám phá Làng cổ Đường Lâm

Cũng để thu hút ngày càng nhiều hơn du khách đến với Làng cổ và để nhiều gia đình tham gia phát triển du lịch, Ban quản lý làng cổ Đường Lâm phối hợp với các cơ quan, đoàn thể tổ chức các lớp tư vấn, dạy nghề, dạy kỹ năng làm du lịch cho người dân; hướng dẫn người dân tận dụng những lợi thế sẵn có từ nông nghiệp biến thành sản phẩm du lịch phục vụ nhu cầu của khách. Bên cạnh đó, người dân được đào tạo, hướng dẫn kỹ năng giao tiếp, cách phục vụ, tạo sự hài lòng cho du khách. Mục đích mấu chốt để người dân làng cổ Đường Lâm thích nghi dần với phát triển kinh tế nông nghiệp, dịch vụ gắn với du lịch. Qua các lớp đào tạo, hướng dẫn, nhiều gia đình chủ động tham gia làm du lịch, tăng mức thu nhập, cải thiện đời sống.

Theo Quy hoạch phát triển du lịch thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, thành phố Hà Nội tập trung phát triển 6 cụm du lịch, trong đó làng cổ Đường Lâm sẽ nằm trong cụm Sơn Tây - Ba Vì. Để Đường Lâm trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của Thủ đô, thị xã Sơn Tây triển khai thực hiện đề án phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với thương mại, dịch vụ tại làng cổ Đường Lâm, tạo ra các sản phẩm phục vụ khách du lịch nhằm đem lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng dân cư. Thị xã xây dựng cơ chế, chính sách để khuyến khích các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ du lịch nhằm khai thác hiệu quả giá trị của di tích làng cổ. 

Một trong những mục tiêu phát triển du lịch ở Đường Lâm là để mỗi người dân vừa được hưởng lợi từ du lịch, vừa tiếp tục gắn bó với nông nghiệp và ý thức hơn trong việc giữ gìn di sản làng cổ. Tin rằng, với sự nỗ lực của cấp ủy đảng, chính quyền và sự chung tay góp sức của người dân, du lịch Đường Lâm sẽ ngày càng khởi sắc, người dân Đường Lâm được hưởng nhiều lợi ích từ di sản và biết bảo tồn di sản quý giá của chính mình, chung tay cùng chính quyền các cấp thúc đẩy du lịch Làng cổ ở Đường Lâm ngày càng phát triển./.

                                                                Phan Thanh