Html Portlet

thời tiết các vùng

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

Thông tin du lịch

Sơn Tây đón nhận Quyết định và công bố "Điểm du lịch Làng cổ ở Đường Lâm" vào ngày 22-23/11
Ngày đăng 06/11/2019 | 09:00

Thực hiện Quyết định 4851/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc công nhận điểm du lịch Làng cổ ở Đường Lâm, UBND thị xã Sơn Tây sẽ tổ chức Lễ đón nhận Quyết định và công bố điểm du lịch Làng cổ ở Đường Lâm trong hai ngày 22 và 23/11.

Nét đẹp của Làng cổ ở Đường Lâm

Theo kế hoạch, chương trình Lễ đón nhận Quyết định và công bố "Điểm du lịch Làng cổ ở Đường Lâm" diễn ra với nhiều hoạt động phong phú như: Hội thảo về các giải pháp phát triển du lịch Làng cổ tại Nhà văn hóa xã; trưng bày, giới thiệu một số trang phục truyền thống của Làng cổ ở Đường Lâm tại Điếm Xích Hậu (đối diện Đình Mông Phụ); trưng bày giới thiệu các sản phẩm ẩm thực của làng cổ như: bánh kẹo, chè lam, bánh gai, tương, gà mía, bánh tẻ Phú Nhi tại sân bãi đỗ xe cổng làng Mông Phụ; tổ chức các trò chơi dân gian như thi đấu cờ tướng, bịt mắt đập niêu… Lễ đón nhận Quyết định và công bố Điểm du lịch Làng cổ ở Đường Lâm được tổ chức từ 20h00 ngày thứ sáu 22/11 tại sân đình Mông Phụ.   

Khách du lịch tham quan, tìm hiểu tại Làng cổ ở Đường Lâm

Làng cổ ở Đường Lâm có giá trị đặc biệt về lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật và cảnh quan thiên nhiên. Đây là nơi đã sinh ra nhiều danh nhân của đất nước như: Vua Ngô Quyền, Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, Thám hoa Giang Văn Minh…Ngày 28/11/2005, Làng cổ ở Đường Lâm được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia. Di tích Làng cổ ở Đường Lâm hiện đang bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng, phong phú với trên 60 di tích như đình làng, chùa, miếu, am, văn chỉ, nhà thờ, gần 300 ngôi nhà cổ có niên đại từ 100 - 400 năm tuổi. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, nơi đây vẫn giữ được những phong tục, tập quán, tín ngưỡng của một làng quê nông thôn với cây đa, bến nước, sân đình… Trung bình mỗi năm Đường Lâm đón khoảng 130.000 – 150.000 lượt du khách đến tham quan tìm hiểu, trong đó có nhiều đoàn du khách quốc tế.

Việc công nhận điểm du lịch Làng cổ ở Đường Lâm là cơ hội để địa phương giới thiệu cũng như quảng bá những nét đẹp độc đáo của làng quê nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ tới du khách, bạn bè trong nước và quốc tế. Qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di tích gắn với phát triển du lịch; từng bước xây dựng Làng cổ ở Đường Lâm trở thành điểm du lịch hấp dẫn của Thủ đô./.

                      Phan Thanh