Html Portlet

thời tiết các vùng

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

Thông tin du lịch

Sơn Tây tăng cường bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa xứ Đoài
Ngày đăng 13/01/2022 | 09:35

Xứ Đoài với vùng lõi thị xã Sơn Tây là một vùng văn hóa đặc trưng với hệ thống di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, lề lối sinh hoạt, ứng xử văn hóa vô cùng đa dạng phong phú. Nhờ có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự quan tâm của chính quyền thị xã, đến nay Sơn Tây vẫn lưu giữ được một bề dày về truyền thống lịch sử văn hóa, bảo tồn được nhiều di sản văn hóa quý báu.

Làng cổ ở Đường Lâm lưu giữ nhiều giá trị di sản văn hóa 

Sơn Tây nằm trong vùng đất cổ xứ Đoài là nơi có đậm đặc các di tích lịch sử - văn hoá. Thị xã hiện có 244 di tích nằm trải khắp 15/15 xã, phường. Trong đó có 16 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia, 64 di tích xếp hạng cấp tỉnh, thành phố. Trên địa bàn thị xã còn có 78 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó lễ hội đền Và được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Rặng duối cổ ở Đường Lâm và 90 cây cổ thụ ở đền Và đã được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường công nhận là cây di sản Việt Nam. Hệ thống cổ vật, di vật, thư tịch bên trong các di tích cũng rất đa dạng, phong phú, còn được lưu giữ tương đối nguyên vẹn, là nguồn tư liệu quý phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học, tham quan, tìm hiểu của du khách gần xa. Không chỉ lưu giữ giá trị văn hóa vật thể, Sơn Tây còn là vùng văn hóa tâm linh gắn với truyền thuyết, huyền thoại Sơn Tinh, Thủy Tinh, những bài văn tế thần, nghi lễ cúng bái, lễ hội cùng kho tàng văn hóa dân gian vô cùng phong phú. Đáng quý hơn, Sơn Tây được đánh giá là vùng văn hóa tâm linh Lạc Việt, trong đó tín ngưỡng thờ Tản Viên Sơn Thánh gắn liền với núi tổ Ba Vì là một trong những nét tiêu biểu. Bên cạnh đó, một số làng, xã ở Sơn Tây tôn thờ Phùng Hưng, Ngô Quyền, Cao Phúc Diễn, Nguyễn Kính... là Thành hoàng, để tri ân công đức. Hơn thế, kho tàng văn hóa ẩm thực phong phú cùng lối sống, nếp sống dân dã của cộng đồng dân cư đã tạo nên "phần hồn" cho địa danh Sơn Tây - xứ Đoài.

Lãnh đạo thành phố và thị xã tham quan di tích Thành cổ Sơn Tây

Thực hiện Nghị quyết số 11/2012/NQ-HĐND ngày 13/7/2012 của HĐND thành phố về Quy hoạch phát triển văn hóa Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, các cấp ủy đảng, chính quyền thị xã Sơn Tây đã chú trọng thực hiện công tác quản lý di tích và phát huy giá trị di sản văn hoá vật thể, phi vật thể tại địa phương. Công tác tuyên truyền, giáo dục các văn bản của Nhà nước về di tích, lễ hội được đẩy mạnh. Thị xã đã phát trên 8 vạn tờ rơi giới thiệu về Làng cổ Đường Lâm; biên soạn và xuất bản 3.000 cuốn “Cẩm nang du lịch Sơn Tây”, 700 cuốn “Sơn Tây – Truyền thống – Hiện tại – Tương lai’. Việc tuyên truyền còn được Sơn Tây thực hiện thông qua việc giới thiệu, quảng bá về di tích lịch sử văn hóa trên Cổng Thông tin điện tử của thị xã, trên các cơ quan thông tin đại chúng và website du lịch Sơn Tây(dulichsontay.com), Website Làng cổ Đường Lâm (duonglamvillage.com), fanpage “Diễn đàn thị xã Sơn Tây”. Qua đó giúp du khách hiểu rõ hơn về văn hóa và con người Sơn Tây. Ngoài ra, Sơn Tây còn làm tốt việc tuyên truyền, hướng dẫn khách tham quan thực hiện nếp sống văn minh nơi thờ tự, tín ngưỡng. Tại các di tích đều có lắp đặt bảng tuyên truyền thực hiện Quy tắc ứng xử nơi thờ tự, treo biển nội quy di tích ở nơi dễ thấy. Cùng với đó, thị xã tiếp tục phát huy hiệu quả vai trò của các Ban quản lý di tích, kết hợp chặt chẽ với sư trụ trì, người trông coi di tích để làm tốt công tác quản lý, bảo vệ, khai thác giá trị các di tích lịch sử văn hóa; làm tốt việc thống kê, kiểm kê, bảo quản các hiện vật, gắn các di tích, di sản với các lễ hội và hoạt động du lịch. Ngoài ra, công tác đảm bảo an toàn phòng, chống cháy, nổ tại các di tích cũng được quan tâm thông qua kiểm tra, hướng dẫn thực hiện công tác PCCC, khuyến cáo người dân hạn chế đốt vàng mã tại các di tích. Yêu cầu các địa phương, các ban quản lý di tích sắp xếp đồ cúng, tế gọn gàng, ngăn nắp. Đáng lưu ý, nhiều năm qua ở Sơn Tây không xuất hiện hành vi người dân lấn chiếm khuôn viên di tích, phá hoại cảnh quan môi trường. Đặc biệt, không có hiện tượng lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để tuyên truyền mê tín dị đoan, không tổ chức các trò chơi mang tính cờ bạc, tàng trữ, buôn bán, sử dụng văn hóa phẩm trái phép tại các di tích, lễ hội. Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các lễ hội dừng tổ chức hoặc tổ chức với quy mô nhỏ, số lượng người tham gia giảm. Tại các di tích, thị xã đã tăng cường công tác tuyên truyền và thực hiện nghiêm thông điệp 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khai báo y tế - Khoảng cách - Không tụ tập đông người) theo khuyến cáo của Bộ Y tế. 

Để công tác quản lý di sản trên địa bàn đi vào nề nếp, trong thời gian tới thị xã Sơn Tây tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về giá trị của các di sản văn hóa đến mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích, thị xã sẽ ưu tiên tu bổ các công trình nhà cổ, các di tích đã xuống cấp nghiêm trọng; khuyến khích sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân theo đúng các quy định của Luật Di sản văn hóa. Song song với đó, Sơn Tây sẽ tăng cường công tác kiểm tra, quản lý di tích gắn chặt với trách nhiệm và cuộc sống của người dân. Thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị di tích Làng cổ ở Đường Lâm, Thành cổ Sơn Tây… nhân rộng các mô hình làm du lịch cộng đồng. Đặc biệt, Sơn Tây sẽ tổng hợp đề xuất danh mục bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn thị xã. Từng phần việc sẽ được thực hiện theo đúng lộ trình, có trọng tâm, trọng điểm góp phần gìn giữ nét văn hóa độc đáo vùng đất cổ phía Tây Hà Nội.

Theo quy hoạch Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thị xã Sơn Tây được quy hoạch thành đô thị văn hóa lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng, đô thị vệ tinh cửa ngõ Tây Bắc TP Hà Nội. Để tiến tới đích đến này, thị xã Sơn Tây đang chọn hướng đi phát triển kinh tế gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa giàu bản sắc, đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc bộ. Phấn đấu xây dựng thị xã Sơn Tây trở thành một trong những trung tâm du lịch văn hóa của TP Hà Nội.

                   Phan Thanh