Html Portlet

thời tiết các vùng

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

Thông tin du lịch

Đền Măng Sơn –điểm đến tâm linh của xứ Đoài
Ngày đăng 27/04/2022 | 10:23

Đền Măng Sơn hay còn được gọi là Nam Cung điện là một trong số Ngũ cung ở quanh khu vực Ba Vì thờ Tản Viên Sơn Thánh – vị thần đứng đầu trong hàng “tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam – người đã có công trị thủy, bảo vệ mùa màng để người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Với những giá trị văn hóa – lịch sử, ngày 15/4/2022, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã có quyết định số 891/QĐ-VHTTDL về việc xếp hạng di tích Quốc gia đối với cụm di tích Đền Măng Sơn, Đình Sơn Đông và Đình Sơn Trung (xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây, TP. Hà Nội).

Toàn cảnh di tích đền Măng Sơn vừa được xếp hạng cấp Quốc gia

Theo truyền thuyết Đức Thánh Tản Viên từ núi Tổ (núi Ba Vì) đi tuần thú các nơi, một hôm ngài đến đất Sơn Đông, thấy cảnh sắc nên thơ, lại được nhân dân chào đón nồng nhiệt nên Ngài liền ở lại và cho lập một cung điện trên đồi Măng Sơn. Trong những ngày nghỉ ở đó, Ngài thường tổ chức cho dân chúng đi săn bắn, dạy dân cách làm nỏ vót tên, làm lao, một số phương pháp theo dõi bước chân của thú rừng để tiện cho việc săn bắn. Sau khi Ngài rời nơi đây dân làng tưởng nhớ công lao nên lập đền thờ và tổ chức lễ hội hàng năm khi mùa xuân về.

                               “ Dù ăn cơm độn sắn khoai

                         Cũng không bỏ hội xứ Đoài Sơn Trung”

Câu ca trên nhắc nhở về một lễ hội lớn của cả tổng Tường Phiêu xưa vào ngày 7 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Ngày xưa 5 tổng làng gồm Sơn Đông, Sơn Trung (của TX Sơn Tây), Tường Phiêu, Trạch Lôi (của Phúc Thọ), Thuần Mỹ (Ba Vì) cử các đại diện mang lễ về tụ tập ở Đình Sơn Trung (ngày nay chỉ còn dân làng Sơn Đông tham gia): hình dáng lễ vật là một hộp quả hình lục lăng chồng 8 tầng do 4 người khiêng. Trai đinh các xã về đông đủ ở Đình được Ban tổ chức cắt cử họ rước 3 cỗ kiệu, trong đặt long ngai bài vị của Tam vị Đức Thánh Tản lên đền, cử 8 người đóng 1 kiệu, đi bên ngoài là 1 người cầm lọng, 1 người cầm cờ múa dẫn đường, 1 người đánh trống khẩu dẹp đám, thành 1 cỗ. Mỗi năm rước kiệu tam Ngài là dịp nhân dân được chiêm ngưỡng vẻ đẹp lộng lẫy, dung nhan oai phong của các Ngài. Điều đáng lưu ý là có 1 mâm ngũ quả dâng lên Thánh, trong đó bày các thứ quả sẵn có trong vùng, nhất thiết phải có mít xanh. Ở Sơn Đông có loại mít ra quả rất sớm nên người ta gọi là mít chiêm. Sau đó là quả dừa non, bưởi, chuối, cam, quýt. Ngoài ra trong mâm cỗ để tế Thánh không thể thiếu món thú rừng, tương truyền xưa kia là loại thịt thú rừng săn bắt được đã sấy khô. Nhưng sau này việc săn thú khó khăn nên người ta thay thế bằng 3 miếng thịt lợn sống. Quá trình cử tế, ông chủ tế thay mặt cộng đồng diễn lại nghi thức dân làng hưởng lộc do Thánh Tản săn bắn được ban phát cho dân. Cuộc tế diễn ra đến 1h chiều dân làng tổng rước 3 cỗ kiệu từ đền vào đến bãi Dộc Thày, hạ kiệu xếp ngay ngắn. Sau đó toàn dân và những người phục vụ tỏa ra tổ chức các trò vui chơi sinh hoạt truyền thống đến nửa đêm sang giờ Tý mới tổ chức rước kiệu 3 Ngài về đình. Trong ánh đèn đuốc sáng trưng dọc đường về qua xóm có cây đa ở cổng làng đã trồng sẵn cây đuốc lớn tiếp lửa đốt lên để đón kiệu Ngài cho đám rước càng lung linh, huyền ảo. Người dân ở đây tương truyền rằng lễ  hội ở đình diễn ra như vậy để tái hiện lại sự tích Đức Thánh Tản đi săn diệt được thú, nghỉ đêm ở Bãi Thày, dân các làng xung quanh mang rượu tới góp vui, ca hát chúc mừng thắng lợi. Đoàn rước kiệu thánh về đến Đình Sơn Trung, đưa các Ngài vào an vị. Lúc này lễ hội mới kết thúc, tuy nhiên các vị bô lão vẫn còn phải tế trực vào các buổi tối đến chiều ngày 8/1 âm lịch.

Người dân đi lễ cầu an tại đền Măng Sơn

Từ lâu đền Măng Sơn đã trở thành địa điểm tham quan tín ngưỡng tâm linh thu hút đông đảo du khách gần xa mỗi lần về thăm mảnh đất Sơn Tây – xứ Đoài. Bố cục tổng thể của Đền Măng Sơn gồm nhiều hạng mục dàn trải theo trục Đông Nam - Tây Bắc. Mở đầu cụm kiến trúc là Nghi môn bề thế kiểu tứ trụ, được dựng gần dưới chân đồi. Qua Nghi môn là con đường lát gạch dẫn lên sân trước đền ở một cấp nền cao hơn. Sân đền hiện được lát gạch bát sạch sẽ. Đăng đối hai bên sân là hay dãy Tả - Hữu vu (mỗi dãy 5 gian). Phía cuối sân là ngôi Đền Măng Sơn với bố cục mặt bằng tổng thể kiểu Tiền nhất Hậu đinh, gồm: Tiền tế (3 gian 2 chái) – Đại bái (3 gian 2 chái) và Hậu cung chuôi vồ 2 gian phía sau. Toàn bộ ngôi đền dựng trên cấp nền cao hơn sân trước 1,2m. Bên phải Đại bái là nhà bia, bên trong có tấm bia Măng Sơn tự bi ký niên đại Cảnh Hưng thứ 7 (1746). Phía trước nhà bia và ở cấp nền thấp hơn là động thờ ông Hổ.

Đền Măng Sơn hiện còn lưu giữ nhiều di vật quý như: Tấm bia đá tạo tác năm Cảnh Hưng thứ 7 (1746); đôi nghê mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII; Sắc phong, ngai, bài vị, bát hương, hoành phi với niên đại từ đầu thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX…

Cùng với đền Măng Sơn, đình Sơn Đông và đình Sơn Trung được xây dựng để tạo nên một cụm công trình tín ngưỡng chung của địa phương. Hai di tích mang phong cách nghệ thuật kiến trúc cuối thời Nguyễn, đã trải qua nhiều đợt trùng tu, tôn tạo, vẫn còn giữ được kết cấu kiến trúc và các hoa văn trang trí mang phong cách nghệ thuật nửa đầu thế kỷ XX.

Cụm di tích Đền Măng Sơn, Đình Sơn Đông và Đình Sơn Trung không chỉ chứa đựng những giá trị văn hóa tâm linh mà chính di tích cũng là những chứng tích của thời gian và là niềm tự hào của biết bao thế hệ người dân nơi đây. Việc xếp hạng Đền Măng Sơn, Đình Sơn Đông và Đình Sơn Trung là di tích lịch sử - kiến trúc cấp Quốc gia góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, giáo dục truyền thống yêu nước, đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân địa phương./.

 

            Phan Thanh