Html Portlet

thời tiết các vùng

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

Thông tin du lịch

Hà Kế Tấn - Người đặt nền móng chiến lược trong quy hoạch thủy lợi, trị thủy
Ngày đăng 28/06/2022 | 09:03

Làng cổ ở Đường lâm được mệnh danh là vùng đất “Địa linh nhân kiệt ”, nơi sản sinh ra những vị anh hùng dân tộc, danh nhân, khoa bảng, hiền tài. Họ là những người đã có đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc. Cố Bộ trưởng Bộ Thủy lợi Hà Kế Tấn là một trong những người con ưu tú ấy của quê hương Đường Lâm.

                          Chỉ huy công trường Hà Kế Tấn đưa Bác Hồ thăm công trình Bắc Hưng Hải.  Ảnh: Tư liệu

Cố Bộ trưởng Bộ Thủy lợi Hà Kế Tấn sinh ngày 30/6/1912 tại thôn Mông Phụ - xã Đường Lâm. Sinh thời ông được coi là người của những công việc mới và khó, cần sự đột phá, thông qua các dấu ấn trên nhiều cương vị công tác. Sớm được giác ngộ cách mạng,  năm 22 tuổi ông vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng Sản Đông Dương rồi tham gia hoạt động cách mạng, bị giặc bắt, tra tấn tù đày. Ông đã từng mưu trí vượt ngục rồi tham gia lãnh đạo khởi nghĩa, là vị tướng chỉ huy gan dạ tài ba. Trong cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống Pháp (1946 -1954) ông từng được Đảng và TW giao cho nhiều vị trí quan trọng như: Chỉ huy trưởng mật lệnh Hà-Nam-Ninh, Chính ủy Mặt trận đường số 4 kiêm Chính ủy Trung đoàn 28 Lạng Sơn, Tư lệnh quân khu 3, Tư lệnh kiêm chính ủy Đại đoàn 350 có nhiệm vụ bảo vệ Thủ đô và Trung Ương.

Hòa bình lập lại đứng trước yêu cầu cấp thiết của toàn miền Bắc cần tập trung mọi nguồn lực để tái thiết, phục hồi kinh tế sau chiến tranh, chuẩn bị xây dựng hậu phương vững chắc để chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam. Vị tướng gan dạ dũng cảm lăn lộn với chiến trường bom đạn lại vinh dự được Bác Hồ và Đảng giao cho trọng trách cương vị mới làm Trưởng ban chỉ đạo công trình thủy lợi Bắc – Hưng – Hải vào ngày 27/8/1958. Dưới sự chỉ huy của Tư lệnh Hà Kế Tấn, chỉ trong 5 tháng, công trường đã đào đắp được hơn 6 triệum3 đất đá, 12 ngàn khối bê tông, 10 vạn m3 đá hộc, công trình đã hoàn thành mục tiêu mở nước vào ngày 6/1/1959 và hoàn tất toàn bộ vào ngày 1/5 cùng năm. Sau gần 60 năm đến nay, công trình thủy lợi này vẫn luôn vững vàng trước các trận thử thách của thiên tai.

Ngoài vai trò là người đứng đầu ngành thủy lợi ông còn là người được giao nhiệm vụ khởi xướng công trình thủy điện sông Đà – một nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á hồi thế kỷ XX. Ở cương vị Bộ trưởng Bộ thủy lợi (1962-1973) ông có công hàng đầu trong kiến tạo nên bộ máy thủy lợi Việt Nam vào những năm 60, 70 của thế kỷ trước; xây dựng và quản lý hệ thống các công trình thủy lợi, thủy điện và phòng, chống thiên tai, nổi bật là việc quy hoạch trị thủy sông Hồng và hệ thống thủy lợi đồng bằng Bắc Bộ. Trong công tác phòng, chống thiên tai, ông đề ra phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ). Cho đến nay, đây vẫn là một trong những nguyên tắc chỉ đạo cơ bản trong công tác phòng, chống thiên tai của Việt Nam.

Vốn là “con người của những công việc mới và khó, cần sự đột phá”, sau khi rời công trình Thủy điện Hòa Bình, ông còn đảm nhiệm nhiều trọng trách khác: Bộ trưởng Phủ Thủ tướng (đến ngày 1-4-1980); Bí thư Ban cán sự Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Việt Nam. Rồi khi nghỉ hưu, ông vẫn trăn trở và tâm huyết để cùng một số cán bộ tướng lĩnh đứng ra vận động thành lập tổ chức Hội cựu chiến binh Việt Nam và là vị chủ tịch đầu tiên của Hội Cựu chiến binh thành phố Hà Nội.

 Cố Bộ trưởng Hà Kế Tấn là người chiến sĩ cộng sản trung kiên; người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của ông luôn gắn liền với những chặng đường đấu tranh đầy gian khổ, hy sinh nhưng rất vẻ vang, hào hùng của Đảng và nhân dân ta. Trong suốt 46 năm hoạt động cách mạng, 60 năm là Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, 22 năm là Ủy viên Trung ương Đảng, 11 năm là Bộ trưởng, từ cán bộ quân sự chuyển sang làm cán bộ kinh tế, khoa học kỹ thuật rồi công tác tư pháp, ông  luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, trọng trách được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin cậy giao phó. Ông đã vinh dự được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều phần thưởng cao quý khác. Năm 2020, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định đặt tên ông cho một tuyến phố trên địa bàn quận Thanh Xuân.

Nhà lưu niệm Cố Bộ trưởng Bộ Thủy lợi Hà Kế Tấn tại xã Đường Lâm

Ngày nay khi đến tham quan quần thể di tích Làng cổ ở Đường Lâm, du khách có dịp đến thăm nhà lưu niệm của Cố Bộ trưởng Bộ Thủy lợi Hà Kế Tấn tại thôn Mông Phụ với rất nhiều hiện vật, câu chuyện, kỷ niệm gắn với cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của ông. Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Cố Bộ trưởng Bộ Thủy lợi Hà Kế Tấn (30/6/1912 -30/6/2022) là dịp để chúng ta ôn lại cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vẻ vang của ông-  người “Người đặt nền móng chiến lược” với tầm nhìn xa trông rộng trong lĩnh vực quy hoạch thủy lợi, trị thủy, phục vụ quá trình hiện đại hóa đất nước. Cố Bộ trưởng Hà Kế Tấn sẽ mãi là tấm gương sáng, niềm tự hào cho các thế hệ trẻ học tập, noi theo./.

 

             Phan Thanh