thời tiết các vùng

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

Văn hóa - xã hội

Sơn Tây tham dự các hoạt động văn hóa kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô
Ngày đăng 07/10/2024 | 11:08  | View count: 92

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 -10/10/2024) và kỷ niệm 25 năm Hà Nội được UNESCO tặng danh hiệu “Thành phố vì hoà bình”, sáng 6/10, Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội long trọng tổ chức “Ngày hội văn hóa vì hòa bình”. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự ngày hội.

Diễu hành và trình diễn tín ngưỡng Thờ Tản Viên Sơn thánh Lễ hội đền Và – phường Trung Hưng 

“Ngày hội văn hóa vì hòa bình” được tổ chức với 3 chủ đề chính: “Hà Nội ngày về chiến thắng”; “Hà Nội - dòng chảy di sản” và “Hà Nội - Thành phố hòa bình - Thành phố sáng tạo”. Chương trình tái hiện lại những mốc son lịch sử của Thủ đô qua các thời kỳ; giới thiệu, trình diễn các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, các lễ hội và các làng nghề tiêu biểu của Thủ đô.

Đặc biệt là màn thực cảnh tái hiện thời khắc lịch sử trọng đại của Thủ đô và đất nước; ngày 10/10/1954, khi đoàn quân tiến về tiếp quản Thủ đô trong rợp trời cờ, hoa và niềm hân hoan chiến thắng; kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến gian khổ, ác liệt với biết bao hy sinh, mất mát và tinh thần anh dũng, bất khuất của nhân dân ta trước một kẻ thù hùng mạnh; viết lên bản anh hùng ca trong sự nghiệp cách mạng của Đảng ta và dân tộc ta.

"Ngày hội Văn hóa vì Hòa bình" cũng quy tụ giao lưu lớn nhất giữa các nghệ nhân, nghệ sĩ và nhân dân đại diện cho 30 quận, huyện, thị xã của Thủ đô. Hơn 8.000 người, bao gồm 5.000 người dân và đại diện các lực lượng từ các quận, huyện, thị xã, tham gia vào các màn diễu hành, trình diễn các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian, bao gồm những di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO và quốc gia công nhận, cùng những nét đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc của Thủ đô. Những loại hình nghệ thuật như ca trù, múa rối nước, hát xẩm… và các di sản tín ngưỡng như Tín ngưỡng thờ Tản Viên Sơn Thánh, Hai Bà Trưng, Thánh Gióng đều được trình diễn tại chương trình, mang lại cho khán giả một cái nhìn sâu sắc về các giá trị văn hóa trường tồn của Thủ đô Hà Nội.

Xã Đường Lâm cử cán bộ và nhân dân tham gia diễu hành, trình diễn Làng nghề kẹo dồi, kẹo vừng, kẹo lạc

Thị xã Sơn Tây đã cử đoàn cán bộ và nhân dân tham gia diễu hành và trình diễn tín ngưỡng Thờ Tản Viên Sơn thánh Lễ hội đền Và – phường Trung Hưng và trưng bày các gian hàng giới thiệu Làng nghề kẹo dồi, kẹo vừng, kẹo lạc Đường Lâm góp phần tuyên truyền, quảng bá các giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc của thị xã Sơn Tây đến với đông đảo Nhân dân và du khách tại “Ngày hội văn hóa vì hòa bình”. 

BQL di tích Làng cổ Đường Lâm tham gia gian hàng ẩm thực Hà thành Thăng Long Ngũ vị tại Chương trình Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội 2024

Cũng từ ngày 04/10/2024 đến ngày 06/10/2024, tại Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long, Ban quản lý di tích Làng cổ ở Đường Lâm đã tham gia Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội 2024 chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 -10/10/2024) . Tại chương trình, ngoài phần tham gia trình diễn nhằm tôn vinh và bảo tồn nét đẹp văn hóa đặc sắc của tà Áo dài truyền thống của dân tộc Việt Nam, Ban quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm còn tham gia gian hàng ẩm thực Hà thành Thăng Long Ngũ vị, giới thiệu tới quý khách những món ăn đặc sản địa phương vùng đất Sơn Tây như: kẹo vừng, kẹo lạc, kẹo dồi, nước tương, mật ong Kim Sơn, bánh tẻ Phú Nhi… Đây đều là những thức quà bình dị, là nét đẹp văn hóa ẩm thực của người dân Sơn Tây. Qua đó góp phần quảng bá, giới thiệu về văn hóa ẩm thực, sản phẩm làng nghề, du lịch của thị xã Sơn Tây tới du khách, thúc đẩy ngành du lịch – dịch vụ - thương mại trên địa bàn ngày càng phát triển./.

 

     Phan Thanh