phổ biến pháp luật
thông tin khác
thời tiết các vùng
Hà Nội | |
Đà Nẵng | |
TP Hồ Chí Minh |
Tin nổi bật
Vùng đất Sơn Tây xưa thuộc bộ Giao Chỉ - một trong 15 bộ của nước Văn Lang - Âu Lạc thời Hùng Vương - An Dương Vương. Sau này là một trong tứ trấn xung quanh kinh thành Thăng Long xưa, còn gọi là trấn Đoài (hay xứ Đoài).
Thành cổ Sơn Tây năm 1884 (Ảnh tư liệu)
Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư” và “Đại Nam nhất thống chí”: Tháng 4 năm Kỷ Sửu (1469), triều đình Đại Việt có những điều chỉnh tổ chức hành chính, định lại bản đồ toàn quốc. Cả nước chia thành phủ Phụng Thiên và 12 thừa tuyên, bên dưới có các cấp châu, huyện, xã, trang, sách. Trong đó, thừa tuyên Quốc Oai đổi tên thành thừa tuyên Sơn Tây. Từ đây, địa danh “Sơn Tây” chính thức ra đời với tư cách là một đơn vị hành chính trực thuộc chính quyền Trung ương của Quốc gia Đại Việt.
Ngày mồng 4 tháng 4 năm Canh Tuất (1490), vương triều Lê Sơ xác định bản đồ toàn quốc, Quốc gia Đại Việt được phân chia thành 13 “xứ thừa tuyên” là đơn vị hành chính trực thuộc triều đình Trung ương, trong đó có xứ thừa tuyên Sơn Tây. Trong khoảng niên hiệu Hồng Thuận (1509-1516), vua Lê Tương Dực đổi thừa tuyên Sơn Tây thành trấn Sơn Tây. Đến năm Tân Mão (1831), vua Minh Mệnh tiến hành cải cách hành chính, lập các tỉnh ở phía Bắc, trong đó trấn Sơn Tây đổi thành tỉnh Sơn Tây. Đến ngày 21 tháng 4 năm 1965, theo Nghị quyết số 103/NQ-TVQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tỉnh Hà Đông và tỉnh Sơn Tây sáp nhập thành một đơn vị hành chính mới là tỉnh Hà Tây. Như vậy, “Sơn Tây” là tên gọi một đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương kéo dài gần nửa thiên niên kỷ, suốt từ năm Kỷ Sửu (1469) đến ngày 21 tháng 4 năm 1965.
Ngày 30/12/1924, Thống sứ Bắc kỳ J.Krautheimer ký văn bản gồm 3 điều, trong đó quyết định thành lập một đơn vị hành chính mới làm thủ phủ của tỉnh Sơn Tây gọi là thị xã Sơn Tây. Thị xã Sơn Tây thuộc tỉnh Sơn Tây với tư cách là đô thị kiểu phương Tây được chính thức thành lập. Từ năm 1924 đến nay, thị xã Sơn Tây đã trải qua nhiều lần thay đổi, mở rộng địa giới hành chính nhưng địa danh “Sơn Tây” đã ghi những dấu ấn sâu đậm trong lịch sử Việt Nam từ thời trung đại đến hiện đại. Cho đến nay (năm 2024), địa danh hành chính Sơn Tây đã tồn tại 555 năm (1469 - 2024), địa danh hành chính thị xã Sơn Tây đã tồn tại 100 năm (1924 - 2024).
Sơn Tây có vị trí chiến lược quan trọng cả về kinh tế, xã hội, chính trị và quân sự trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc. Trong thời kỳ thực dân Pháp quay lại xâm lược (1946 - 1954), ngay từ ngày đầu chúng đã chọn tỉnh Sơn Tây (cũ) là nơi tập trung xây dựng căn cứ quân sự nhằm khống chế toàn bộ khu vực đồng bằng sông Hồng, từ đó tiến công lên Việt Bắc, Tây Bắc để tiêu diệt lực lượng kháng chiến. Pháp đã tập trung xây dựng ở đây một lực lượng binh lực mạnh, nhiều đồn, bốt, tạo thành vành đai trắng, nhằm chia rẽ, cô lập lực lượng cách mạng với Nhân dân, biến thành nơi chỉ huy các vùng lân cận của tỉnh Sơn Tây. Quân và dân thị xã Sơn Tây đã có nhiều hình thức đấu tranh với địch như chống càn quét, khủng bố, đồng thời xây dựng cơ sở giúp cán bộ cách mạng hoạt động kết hợp với các hoạt động của lực lượng vũ trang trên chiến trường, ngay trong thị xã là trung tâm tỉnh lỵ, nơi địch có bộ máy ngụy quân, ngụy quyền rất mạnh. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, mỗi làng, xã của thị xã đều là một thành lũy kháng chiến. Sơn Tây tự hào vì có những đóng góp cho thắng lợi chung của dân tộc: 362 người tham gia lực lượng vũ trang, 59 đồng chí hy sinh anh dũng, 136 đồng chí là thương binh; hàng trăm gia đình là cơ sở cách mạng. Ngày 3/8/1954, thị xã Sơn Tây được hoàn toàn giải phóng. Từ đó, ngày 3/8 hàng năm đã trở thành ngày truyền thống vẻ vang của Đảng bộ, quân và dân Sơn Tây, đánh dấu thành quả một giai đoạn anh dũng quật cường, ý chí sắt đá và tinh thần đoàn kết trong đấu tranh cách mạng.
Trải qua 100 năm thành lập, 70 năm được giải phóng hoàn toàn cho đến nay, đặc biệt là sau 38 năm thực hiện công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và Nhân dân thị xã Sơn Tây đã đạt được những thành tựu toàn diện, to lớn và quan trọng, hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh, quốc phòng. Thị xã được Hiệp hội các đô thị Việt Nam bầu chọn là đô thị xanh - sạch - đẹp; năm 2006, được công nhận là đô thị loại III của Thành phố. Hằng năm, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch đề ra. Thu nhập bình quân toàn thị xã tính đến năm 2023 đạt 70 triệu đồng/người/năm. 6/6 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Thị xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới năm 2019, 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, tạo nên một diện mạo nông thôn với hệ thống cơ sở hạ tầng ngày càng phát triển. Với những cố gắng trong suốt 70 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Sơn Tây đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Pháp, Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba, Huân chương Độc lập hạng Ba và nhiều phần thưởng cao quý khác. Đảng bộ thị xã nhiều năm được công nhận trong sạch, vững mạnh. Hàng nghìn tập thể, cá nhân được tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương, Bằng khen, Bảng vàng danh dự các loại.
Chỉnh trang đô thị tại khu vực đảo giao thông đường Vành đai 5, cầu Vĩnh Thịnh
Kỷ niệm 100 năm thành lập thị xã Sơn Tây (1924 - 2024), 70 năm Ngày Giải phóng Sơn Tây (03/8/1954 - 03/8/2024), 555 năm danh xưng “Sơn Tây” (1469 – 2024), nhằm thúc đẩy các hoạt động giao lưu hợp tác, xúc tiến đầu tư, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, văn hóa của Sơn Tây nói riêng và của Hà Nội nói chung tới bạn bè trong nước, quốc tế, đặc biệt góp phần tạo hiệu ứng lan tỏa, phát triển ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô và thị xã, Sơn Tây đã, đang chỉ đạo tổ chức các phong trào thi đua, cùng với nhiều hoạt động, sự kiện tiêu biểu, như: phát động sưu tầm trao tặng hiện vật, tư liệu về mảnh đất, con người Sơn Tây; tổ chức cuộc thi tìm hiểu “Thị xã Sơn Tây - Lịch sử hình thành và phát triển” ; biên tập, bổ sung và xuất bản cuốn sách “Sơn Tây - Hội tụ và lan tỏa văn hóa xứ Đoài” ; sưu tầm, biên soạn cuốn sách “Các nhà khoa bảng tỉnh Sơn Tây” ; hưởng ứng tham gia cuộc thi tìm hiểu về chủ đề 70 năm Giải phóng Thủ đô... Phối hợp xây dựng phim tư liệu “Sơn Tây - Đẹp mãi danh xưng” , phim phóng sự “Sức lan tỏa của Nghị quyết 09 về phát triển công nghiệp văn hóa” sẽ được phát trên sóng của Đài Truyền hình Việt Nam, cùng các phóng sự, Talk show trên các chuyên trang, chuyên mục của Đài Phát thanh và truyền hình Hà Nội, báo, tạp chí Trung ương và Thành phố. Tổ chức khởi công, khánh thành một số công trình, dự án trọng điểm chào mừng; chỉnh trang lại các tuyến phố nội thị, Thành cổ, Sân vận động, Văn Miếu Sơn Tây, các di tích trên địa bàn; cắt tỉa cây, trang trí làm đẹp, vệ sinh môi trường khu vực bùng binh, đảo giao thông đường Vành đai 5, cầu Vĩnh Thịnh; tổ chức xây, sửa nhà cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn; thăm, tặng quà các gia đình chính sách, người có công, nhân chứng lịch sử; tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, hoạt động biểu diễn nghệ thuật tại sân khấu phố đi bộ và trong hội trường Trung tâm VHTT&TT từ nay đến Lễ kỷ niệm và đến hết ngày 10/10 kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô...
Đặc biệt, Lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Thị xã Sơn Tây, 70 năm Ngày Giải phóng Sơn Tây và 555 năm danh xưng “Sơn Tây” dự kiến được tổ chức vào hồi 20h00 ngày 03/8/2024 (tối thứ Bảy) tại Sân khấu chính không gian Tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây. Điểm nhấn của Lễ kỷ niệm là màn trình diễn nghệ thuật “Sơn Tây - 555 năm hành trình lịch sử tô thắm tình người, tình đất” sử dụng công nghệ trình chiếu hiện đại 3D mapping để tái hiện lại lịch sử hình thành và các dấu mốc phát triển của thị xã qua các thời kỳ. Nhân dịp này, thị xã cũng sẽ vinh dự đón nhận các danh hiệu khen thưởng cao của Trung ương, Thành phố.
Phan Thanh